Máy bay ném bom Trung Quốc diễn tập tấn công đảo Guam của Mỹ

Máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc vừa diễn tập một cuộc tấn công nhằm vào đảo Guam của Mỹ. Đây được xem là một thông điệp cảnh báo sắc lạnh mà Bắc Kinh muốn nhắn gửi đến Washington. Cuộc diễn tập của Trung Quốc khiến Mỹ có lý do phải lo ngại về 'cách thức mọi việc có thể diễn ra' ở sân khấu Thái Bình Dương.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc

Những chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6K của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA-AF) “đã diễn tập các bài tập tấn công vào đảo Guam” - một vùng lãnh thổ của Mỹ, đồng thời thỉnh thoảng lại thực hiện một chuyến bay qua Hawaii, giới chức quốc phòng Mỹ hôm qua (31/10) đã cho tờ Defense News biết như vậy.

Cuộc tập trận mà ở đó máy bay ném bom hạng nặng H-6K diễn tập màn dội hỏa lực xuống lãnh thổ Guam của Mỹ rõ ràng là một thông điệp cảnh báo được gửi tới Washington, giới phân tích quân sự nhận định.

“Trung Quốc đầu tiên và trước hết luôn mong muốn tăng cường các biện pháp an ninh ở gần bờ biển của họ. Tuy nhiên, họ cũng đang vươn sức mạnh ra xa hơn vào Tây Thái Bình Dương. Mục đích là nhằm để cũng cố, phát triển khả năng răn đe của họ trước Mỹ”, ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải ở Singapore, đã nói như vậy với tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam.

Cuộc tập trận của Trung Quốc có mục tiêu chiến lược toàn diện là tăng cái “giá” mà Mỹ phải trả nếu cường quốc số 1 thế giới chọn con đường can thiệp quân sự vào các cuộc khủng hoảng trong khu vực, ông Koh giải thích.

Máy bay ném bom H-6K còn thỉnh thoảng thực hiện các chuyến bay qua Guam và Hawaii, giới chức quốc phòng Mỹ cho hay. Mỹ tin rằng, một cuộc chiến tranh với Triều Tiên là “cuộc chiến Mỹ có thể thắng”, Tướng Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân của Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo ở Hawaii. Tuy nhiên, kết quả của một cuộc chiến tranh với Trung Quốc thì ít chắc chắn hơn. Mỹ lo ngại về “cách mà mọi thứ diễn ra” liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc có hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên kể từ năm 1961 và cường quốc Châu Á từng đến giải cứu cho đồng minh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lập trường này được Bắc Kinh nhắc lại rõ ràng hồi tháng 8 khi cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng một cách cao độ, chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang.

Hồi đầu tháng 9, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ quy mô lớn ở khu vực cách biên giới Triều Tiên có vài km.

Nhật Bản đã phải ra lệnh cho lực lượng chiến đấu cơ xuất kích hơn 900 lần để phản ứng với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản kể từ đầu năm 2017, tờ Defense News đưa tin.

"Khi chúng tôi chứng kiến năng lực ngày càng phát triển của Trung Quốc, chúng tôi phải đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi duy trì được năng lực để thực hiện các cam kết với đồng minh ở Thái Bình Dương”, Tướng Dunford phát biểu.

Theo lời ông Dunford, "có một số người đang cố gắng tạo ra câu khẩu hiệu nói rằng chúng tôi không ở Thái Bình Dương nên không được ở lại khu vực. Thông điệp của chúng tôi là chúng tôi là một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng tôi dự định ở Thái Bình Dương. Sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai của chúng tôi có liên quan chặt chẽ đến quan hệ an ninh và chính trị của chúng tôi ở trong khu vực", ông Dunford nói thêm.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/cong-nghe-quan-su/201711/may-bay-nem-bom-trung-quoc-dien-tap-tan-cong-dao-guam-cua-my-585044/