Máy bay ném bom B-2 tham gia tấn công: Phòng không Nga - Syria khó bề chống trả

Hiện nay nguy cơ nổ ra một cuộc tấn công tiếp theo được Mỹ tiến hành nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Syria vẫn luôn hiện hữu, tuy nhiên quy mô vụ oanh kích trong tương lai nhiều khả năng sẽ lớn hơn với sự tham gia của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.

Trong vụ tấn công hôm 14/4, Mỹ đã huy động 2 mũi tác chiến là tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến của hải quân và đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM triển khai từ máy bay ném bom B-1B của Không quân.

Tuy nhiên kết quả vụ oanh kích đó khá hạn chế, không đẩy lùi được ý chí của Quân đội Syria, bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến cho rằng tính năng vũ khí Mỹ không được như kỳ vọng.

Chính vì vậy đã có nhiều nhận định cho rằng Mỹ sẽ mở cuộc tấn công tiếp theo vào tháng 5 này để hủy diệt tiềm năng của Quân đội Syria, đồng thời chứng minh tính hiệu quả của vũ khí do mình sản xuất.

Cuộc tấn công sắp tới nếu diễn ra thì khả năng lớn là Mỹ sẽ phải tiến hành một mình, vì các đồng minh Anh - Pháp đang phải chịu nhiều sức ép từ trong nước.

Cho nên cũng dễ hiểu vì sao Mỹ đã tăng cường thêm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman (CVN-75) tới Trung Đông để sẵn sàng can thiệp.

Nhưng diễn biến đáng chú ý nhất lại là Không quân Mỹ bất ngờ huy động cùng lúc tới 10 oanh tạc cơ tàng hình B-2 để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Neptune Falcon ở bang Minneapolis, trong bối cảnh căng thẳng tại Syria tiếp tục leo thang.

Điều này cho thấy nếu Mỹ quyết định dùng biện pháp quân sự lần thứ hai, các máy bay ném bom B-2 Spirit sẽ tham chiến chứ không đứng ngoài như lần đầu tiên nữa.

Với khả năng tán xạ sóng radar rất cao, B-2 có thể bí mật tiếp cận mục tiêu để thực hiện đòn tấn công theo kiểu "phẫu thuật" với độ sát thương rất cao.

Phòng không Nga và Syria hiện bị cho là thiếu phương tiện có thể đối phó hiệu quả trước B-2, nhất là thông tin mới đây cho biết Không quân Mỹ đã cho F-22 bay cảnh giới trong vụ tấn công hôm 14-4-2018 mà không bị phát hiện.

Nếu mang theo tên lửa hành trình AGM-158 JASSM, kể cả khi chiếc B-2 có bị lộ diện trên màn hình radar đối phương thì cự ly cũng sẽ là rất ngắn.

Khi đó chắc chắn tên lửa ngoài tầm phòng không điểm đã được phóng đi từ lâu và đối phương sẽ phải lo tránh đạn hơn là bắn trả nó.

Ngoài ra, B-2 còn có một lợi thế khác đó là, để đảm bảo tính bí mật thì chiếc B-2 trong các phi vụ oanh tạc thường cất cánh từ ngay trên đất Mỹ, đến ném bom vào mục tiêu rồi quay trở về chứ không quá cảnh ở nước ngoài.

Điều này khiến cho tuyên bố sẽ đáp trả thẳng vào máy bay hay các bệ phóng tên lửa của Nga không thể thực hiện được.

Nếu Nga ra đòn đáp trả thì họ sẽ phải tấn công thẳng vào đất Mỹ, đây là điều chắc chắn chẳng thể nào xảy ra vì sẽ dẫn tới chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Chính vì vậy, hiện nay giới chức quân sự Nga và Syria chắc chắn đang phải đau đầu tìm cách sơ tán lực lượng hay ngụy trang một cách hiệu quả nhất nhằm hạn chế tác hại mà chiếc B-2 có thể gây ra.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/may-bay-nem-bom-b2-tham-gia-tan-cong-phong-khong-nga-syria-kho-be-chong-tra/765199.antd