Máy bay Mỹ bị tên lửa Stinger bắn hạ?

Theo Fox News, máy bay E-11A của Không quân Mỹ đã bị Taliban dùng chính tên lửa phòng không vác vai Stinger bắn hạ tại tỉnh Ghazni của Afghanistan.

Thông tin được đăng tải cùng với xác nhận của Bộ Quốc phòng Mỹ rằng đã có một chiếc máy bay trinh sát của lực lượng này bị bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan đầu giờ chiều 27/1.

"Khi đang thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Afghanistan, máy bay của chúng tôi đã bị trúng quả tên lửa phòng không vác vai từ lực lượng phiến quân mặt đất.

Tại thời điểm đó, trên máy bay có 5 thành viên phi hành đoàn", Fox News dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Hiện trường chiếc E-11A bị bắn hạ tại Afghanistan.

Hiện trường chiếc E-11A bị bắn hạ tại Afghanistan.

Đây là xác nhận đầu tiên được phía Mỹ đưa ra sau khi chiếc máy bay tối tân này bị bắn hạ. Điều đặc biệt là theo nguồn tin này, dòng tên lửa thực hiện vụ bắn hạ chính là Stinger do Mỹ sản xuất.

Thông tin này cũng trùng khớp với những gì do Qarri Muhammad Yousef Ahmad, một tay súng chiến binh đồng thời là đại diện của lực lượng Taliban cho biết:

"Với số lượng vũ khí phòng không hiện có, chúng tôi có thể bắn hạ nhiều máy bay của Mỹ, bao gồm cả chiến đấu cơ. Đây không phải là lời đe dọa bởi chúng tôi đã bắt đầu tiến hành kế hoạch tấn công lực lượng Không quân Mỹ tại Afghanistan của mình.

Mọi chuyện sẽ không dừng lại ở chiếc E-11A mà máy bay tiếp theo có thể là oanh tạc cơ B-52H".

Điều đặc biệt nguy hiểm là ngoài Stinger , lực lượng này còn có số lượng đáng kể những tên lửa không đối không R-73 và R-27 hoán cải thành tên lửa đất đối không.

Và những tên lửa này đã chứng minh được sự nguy hiểm của mình khi đã bắn hạ ít nhất 2 chiếc máy bay tấn công không người lái MQ-9 của Mỹ.

Vụ R-73 của Taliban đánh chặn MQ-9 gần đây nhất là hồi cuối tháng 3/2019. Thực tế này cho thấy một thực tế rằng, chỉ cần những tên lửa thế hệ cũ, các tay súng Taliban cũng có thể bắn hạ những máy bay tối tân hàng đầu của Mỹ hiện nay.

Được biết, R-73 có tầm hoạt động 30km, trong khi R-27T có tầm hoạt động lên tới 70km. Taliban có khả năng đã chọn những tên lửa này bởi vì cả hai loại đều được hướng dẫn bằng phương pháp hồng ngoại, và có tính năng "bắn và quên".

Các loại tên lửa không đối không khác như R-27R do Liên Xô chế tạo được dẫn đường bằng radar bán chủ động bán dẫn, làm cho chúng khó chuyển thành tên lửa đất liền, bởi vì loại hệ thống dẫn đường này đòi hỏi sự hỗ trợ từ radar dẫn đường riêng phát hiện mục tiêu cho tên lửa.

Để khai hỏa R-27T và R-73 từ mặt đất, Taliban đã lắp đặt tên lửa và đường ray phóng lên xe tải. Những kỹ sư của nhóm khủng bố này đã phát triển hệ thống điện riêng vì pin của tên lửa chỉ có khả năng hoạt động trong thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, Taliban không tìm cách tăng tầm bắn cho những tên lửa này. Chính vì vậy, tầm bắn của những tên lửa này bị giảm đi đáng kể do nguyên bản chúng được thiết kế để phóng từ các máy bay chiến đấu trên cao.

Mặc dù vậy, Taliban vẫn khẳng định chúng đủ sức bắn cao hơn trần bay của chiến đấu cơ Mỹ và bắn hạ hầu hết trong số đó.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/may-bay-my-bi-ten-lua-stinger-ban-ha-3395915/