Máy bay Lion Air 11 phút trên không 'chúi mũi' 25 lần

Dữ liệu hộp đen cho thấy phi công phải vật lộn để giữ máy bay thăng bằng khi chỉ trong 11 phút, chiếc Boeing liên tục lao xuống hàng chục lần vì lỗi cảm biến.

Theo New York Times, dữ liệu từ hộp đen máy bay Lion Air rơi xuống vùng biển Indonesia tháng trước cho thấy ngay sau khi cất cánh, các phi công đã phải chiến đấu để cứu lấy chiếc Boeing 737 MAX dường như bị lỗi bộ phận cảm biến khiến hệ thống tự động nhận sai thông tin.

Thông tin này nằm trong báo cáo sơ bộ của các nhà điều tra về vụ tai nạn thảm khốc khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng, dự kiến được công bố hôm 28/11.

Trong chuyến bay kéo dài 11 phút, mũi máy bay Lion Air "chúi mũi" liên tiếp ít nhất 25 lần, dường như là do hệ thống tự động nhận được chỉ số cảm biến không chính xác, theo báo cáo trên.

Phi công trên máy bay Lion Air gặp nạn đã phải vật lộn để giữ cho chiếc Boeing được cân bằng. Ảnh: Getty.

Sau mỗi lần máy bay lao xuống, các phi công đã tìm cách đưa máy bay trở về trạng thái cân bằng nhưng cuối cùng không thể kiểm soát, khiến chiếc Boeing 737 MAX đâm xuống biển với vận tốc hơn 700 km/giờ, giết chết toàn bộ 189 người.

Dữ liệu thu được từ hộp đen trùng khớp với giả thiết mà các nhà nghiên cứu đưa ra, rằng thay vì ngăn mũi máy bay hướng lên quá cao khiến động cơ đột ngột ngừng hoạt động, hệ thống điện toán được lắp đặt trên thế hệ mới nhất của dòng Boeing 737 lại khiến mũi chiếc Lion Air chúi xuống do nhận thông tin không chính xác từ các cảm biến trên thân máy bay.

Cảm biến này được gọi là cảm biến "góc tấn", thiết bị ghi lại độ dốc khi máy bay tăng giảm độ cao, có vai trò quan trọng trong việc giúp phi công xác định máy bay có đang chao đảo hay không. Việc tăng vận tốc và góc tấn dẫn đến tăng lực nâng ở cánh máy bay. Sai sót trong việc kết hợp điều chỉnh 2 yếu tố này có thể dẫn đến tai nạn.

Từ lúc cất cánh, chiếc Boeing đã ghi nhận thông tin sai lệch từ một trong hai cảm biến góc tấn trên mũi máy bay. Hiện vẫn chưa rõ dữ liệu sai lệch là do bản thân thiết bị cảm biến hay do hệ thống xử lý thông tin cảm biến.

Song trong hành trình trước chuyến bay cuối cùng, phi cơ Lion Air cũng gặp vấn đề với cảm biến góc tấn khi bay từ đảo Bali tới Jakarta. Theo các quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, trong chuyến bay này, chênh lệch giữa hai cảm biến là 20 độ.

Đây cũng là mức chênh lệch giữa hai cảm biến trên chuyến bay cuối cùng. Một trong hai cảm biến đã được thay thế trước chuyến bay này.

Túi đựng thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn. Ảnh: Reuters.

Sau vụ tai nạn, các phi công của hãng này cũng bày tỏ lo ngại rằng họ chưa có thông tin đầy đủ về hệ thống mới của Boeing - được gọi là "hệ thống tăng cường đặc tính cơ động", hay MCAS - cũng như cách vận hành hệ thống này trong các trường hợp khẩn cấp.

Trong tuyên bố hôm 27/11, hãng Boeing cho biết họ không thể đưa ra bình luận về vụ tai nạn vì quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên hãng này cũng nhắc lại rằng "phản ứng phù hợp của phi hành đoàn đối với những trường hợp này, bất kể nguyên nhân là gì, đều đã được quy định trong các thủ tục hiện có", theo New York Times.

Chiếc máy bay của Lion Air mất tích khỏi radar chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta sáng sớm 29/10. Máy bay rơi xuống biển Java, cách bờ khoảng 15 km. Hộp đen máy bay được tìm thấy hôm 1/11.

4 câu hỏi lớn trong thảm kịch Lion Air ở Indonesia Nguyên nhân khiến chiếc máy bay chở theo 189 người rơi xuống biển ở Indonesia 13 phút sau khi cất cánh hôm 29/10 là câu hỏi lớn mà nhiều người đang nóng lòng muốn tìm ra lời giải.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/may-bay-lion-air-11-phut-tren-khong-chui-mui-25-lan-post895843.html