Máy bay không người lái Mỹ lộ nhược điểm sau khi bị Iran bắn rụng

Máy bay không người lái của Mỹ đã lộ nhược điểm trong trường hợp đương đầu với kẻ địch phức tạp hơn.

Buổi họp báo công bố xác máy bay do thám không người lái của Mỹ bị phòng không Iran bắn hạ tại Tehran ngày 21/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Buổi họp báo công bố xác máy bay do thám không người lái của Mỹ bị phòng không Iran bắn hạ tại Tehran ngày 21/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay không người lái (UAV) Mỹ luôn tự hào là một trong những công cụ then chốt trong các chiến dịch chống các băng nhóm nổi dậy như Taliban hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, với vụ việc gần đây nhất khi chiếc RQ-4 Global Hawk bị Iran bắn hạ trên Eo biển Hormuz ngày 20/6, UAV của Mỹ đã lộ nhược điểm trong trường hợp đương đầu với kẻ địch phức tạp hơn.

Theo hãng tin AFP, ngoài những ưu điểm vượt trội trong chiến đấu như không đặt tính mạng binh sĩ Mỹ vào vòng hiểm nguy, có thể hoạt động lâu hơn, thích hợp cho nhiệm vụ do thám mở rộng thì UAV của Mỹ lại mắc nhiều nhược điểm chưa thể khắc phục: dễ bị hệ thống phòng không tấn công, đắt đỏ và khi bị bắn hạ thì các bộ phận nhạy cảm của máy bay có thể rơi vào tay kẻ thù.

UAV Mỹ “nhìn chung không có tính năng tàng hình, về mặt khí động học (lực cản gió) cũng không ấn tượng mấy”, Michael O'Hanlon – một nghiên cứu viên cấp cao kiêm giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings – nhận định.

“Tôi tin rằng những hệ thống phòng không phức tạp tiếp tục có cơ hội bắn hạ máy bay như chiếc RQ-4 Global Hawk bất cứ khi nào phương tiện này thực hiện nhiệm vụ giám sát trong lãnh thổ của họ”, chuyên viên Michael ám chỉ tới sự việc chiếc RQ-4 Global Hawk bị Iran bắn hạ ở gần eo biển Hormuz chiến lược trong tuần trước. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Iran vẫn còn tranh cãi xem vào thời điểm bị bắn hạ, máy bay này có xâm phạm không phận Iran hay chưa.

“Những máy bay như RQ-4 Global Hawk nhìn chung không được thiết kế tư duy đối phó với vùng không phận căng thẳng. Khi nhìn vào lịch sử hoạt động của RQ-4 Global Hawk, bạn sẽ nhận thấy phần lớn chúng tránh hoạt động trong môi trường cấm xâm phạm”, Arthur Holland Michel – giám đốc trung tâm nghiên cứu máy bay không người lại thuộc Cao đẳng Bard – lý giải, liệt kê các trường hợp cụ thể như máy bay không người lái Predator bị bắn hạ ở Balkans, Iraq hay cho đến máy bay không người lái tàng hình RQ-170 “biến mất” ở Iran năm 2011.

Video hệ thống phòng không Iran khai hỏa bắn máy bay không người lái Mỹ (nguồn: RT):

Theo chuyên gia Michel, máy bay không người lái Mỹ chứng minh được vai trò quan trọng trong các chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố và lực lượng nổi dậy. Lực lượng Mỹ sử dụng các thiết bị này để thu thập thông tin tình báo, theo dõi phe địch và giám sát cuộc chiến tại một số quốc gia như Iraq hoặc Afghanistan. “Chúng thực sự cho thấy giá trị khi đảm nhiệm các nhiệm vụ như theo dõi cá nhận hay mục tiêu chuyển động liên tục trong một khoảng thời gian dài”.

Một trong những nghich lý mà giới phân tích nhận ra đối với loại phương tiện này là UAV có thể an toàn hơn trong chiến tranh.

“Trong thời chiến, UAV sẽ làm việc tốt hơn, đặc biệt là những máy bay bay tầm cao, vì chúng có thể dễ dàng gây nhiễu hoặc khóa hệ thống radar của kẻ thù. Nhưng trong thời bình thì không”, chuyên gia O'Hanlon nhận xét.

“Nếu như Mỹ cần máy bay không người lái đối phó với Iran trong môi trường căng thẳng, RQ-170 và RQ-180 sẽ là hai ứng viên nặng ký nhất. Chúng có khả năng tàng hình và được thiết kế với tư duy xử lý trong không phận đang xảy ra căng thẳng”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/may-bay-khong-nguoi-lai-my-lo-nhuoc-diem-sau-khi-bi-iran-ban-rung-20190625162008001.htm