Máy bay Indonesia chở 189 người lao xuống biển

Chiếc Boeing 737 MAX 8 chở 181 hành khách, trong đó có 1 trẻ em và 2 trẻ sơ sinh, cũng như 8 thành viên phi hành đoàn, bất ngờ biến mất khỏi radar chỉ hơn 10 phút sau khi cất cánh từ sân bay Jakarta để đến Pangkal Pinang.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 chở 181 hành khách, trong đó có 1 trẻ em và 2 trẻ sơ sinh, cũng như 8 thành viên phi hành đoàn, bất ngờ biến mất khỏi radar chỉ hơn 10 phút sau khi cất cánh từ sân bay Jakarta để đến Pangkal Pinang.

6 thi thể đầu tiên được đưa về cảng Tanjung Priok. Ảnh: CNN

6 thi thể đầu tiên được đưa về cảng Tanjung Priok. Ảnh: CNN

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia (SAR) dự báo không còn ai sống sót trong chuyến bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air rơi xuống biển ngoài khơi thủ đô Jakarta sáng 29-10.

Theo SAR, chiếc Boeing 737 MAX 8 chở 181 hành khách, trong đó có 1 trẻ em và 2 trẻ sơ sinh, cũng như 6 tiếp viên và 2 phi công, bất ngờ biến mất khỏi radar chỉ hơn 10 phút sau khi cất cánh từ sân bay Jakarta để đến Pangkal Pinang. Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Tangerang, Greater Jakarta lúc 6 giờ 21 (giờ địa phương), và dự kiến hạ cánh vào khoảng 7 giờ 30 tại Pangkal Pinan, thành phố lớn nhất trên đảo Bangka của Indonesia.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, có 20 quan chức của bộ trên máy bay. Những người này đang quay trở lại nơi làm việc của họ ở Pangkal Pinang sau khi trải qua kỳ nghỉ cuối tuần với gia đình ở Jakarta.

Các quan chức đang kiểm tra các mảnh vỡ. Ảnh: CNN

Máy bay bị chìm?

Indonesia đã mở chiến dịch tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi máy bay rơi xuống biển.

Thuyền, máy bay trực thăng và 250 nhân viên cứu hộ, kể cả thợ lặn, làm việc tại khu vực xảy ra tai nạn, khoảng 34 hải lý ngoài khơi bờ biển Jakarta, thuộc biển Java. Các nhóm tìm kiếm làm việc trên giả định rằng, máy bay đã bị chìm và dự kiến sẽ sử dụng thiết bị để phát hiện đèn hiệu định vị dưới nước. Một người phát ngôn của SAR cho biết, đội cứu hộ chuyên nghiệp đang chuẩn bị lặn xuống khu vực rơi máy bay này, gần khu vực bờ biển phía Tây đảo Java. Người phát ngôn nói: “Máy bay này đang ở dưới biển. Nhóm cứu hộ chuyên nghiệp chuẩn bị lặn xuống vùng nước sâu”.

Giấy tờ và điện thoại di động của các nạn nhân được tìm thấy. Ảnh: BBC

Các mảnh vỡ, áo phao và điện thoại di động được phát hiện trôi trong nước cách khu vực máy bay gặp nạn khoảng 2 hải lý, các quan chức SAR cho biết, nhưng thân máy bay chưa được định vị. Một quan chức của Cty năng lượng nhà nước Pertamina cho hay, các mảnh vỡ được cho là của máy bay số hiệu JT 610, trong đó có các ghế máy bay, đã được tìm thấy gần một cơ sở lọc dầu ở ngoài khơi. Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu hộ Muhmmad Syaugi cũng khẳng định những mảnh vỡ này được phát hiện gần nơi máy bay này mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Hình ảnh được Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia công bố cho thấy, các quan chức đang kiểm tra các mảnh vỡ của máy bay. Và một đoạn băng cho thấy một vết dầu loang tại hiện trường xảy ra sự cố.

Các lực lượng chức năng Indonesia sau đó xác định được vị trí 2 hộp đen của máy bay xấu số. Người đứng đầu bộ phận thông tin truyền thông của cơ quan tìm kiếm cứu hộ quốc gia Indonesia, ông Yusuf Latief cho biết, một số bộ phận thi thể người và các vật dụng đã được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Tây Java của Indonesia. Lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy thùng xăng tại hiện trường máy bay rơi. “Thùng xăng được trục vớt đã bị vỡ và phát nổ. Trên thùng xăng có một lỗ thủng”, người phát ngôn của SAR cho biết.

Đến cuối ngày 29-10, 6 thi thể đầu tiên đã được phát hiện và trục vớt từ hiện trường sau đó được đưa về cảng Tanjung Priok.

Gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn chờ đợi trong vô vọng tại sân bay Pangkal Pinang. Ảnh: CNN

Từng gặp trục trặc kỹ thuật trong chuyến bay trước

Máy bay được nhìn thấy lần cuối trên radar lúc 6 giờ 22 ở độ cao từ 900-1.000m, Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSC) cho biết. Bộ kiểm soát không lưu của Australia được yêu cầu hỗ trợ nhưng không thể phát hiện được máy bay.

Một phát ngôn viên của Lion Air đã xác nhận với CNN, họ đã mất liên lạc với máy bay ngay sau khi cất cánh. Máy bay được xác nhận lần cuối cùng tại quần đảo Thousand Islands, phía bắc Jakarta. Còn người phát ngôn cơ quan hàng không Indonesia Yohanes Sirait cho biết, máy bay JT 610 đề nghị quay lại sân bay ngay trước khi mất liên lạc. “Trạm kiểm soát không lưu đã cho phép thực hiện điều đó, nhưng sau đó máy bay đã mất liên lạc”, ông Sirait nói rõ.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, dữ liệu sơ bộ từ Flightradar24 cho thấy chiếc máy bay đã lao đầu xuống biển với góc dựng đứng. “Máy bay đã lên tới 1.524m trước khi bị mất độ cao, sau đó nó lấy lại được độ cao trước khi lao xuống biển. Thông tin cuối cùng ghi nhận được đó là chiếc máy bay ở độ cao 1.113m và tốc độ của nó đã tăng lên đến gần 640km/h”, báo cáo của Flightradar24 nêu rõ.

Tối 28-10, phi công của chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 báo cáo máy bay có gặp một vấn đề kỹ thuật nhưng sự cố này đã được giải quyết, xét về mặt thủ tục. Phát biểu với phóng viên, Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait cho biết: “Máy bay này trước đó đã bay từ Denpasar đến Cengkareng (Jakarta). Có báo cáo về vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết về mặt thủ tục”, song từ chối nêu rõ thực chất của vấn đề kỹ thuật này. Ông Sirait còn cho biết, Lion đang vận hành 11 máy bay cùng loại này và các máy bay khác không gặp phải trục trặc kỹ thuật nào tương tự. Theo ông, hãng này không có kế hoạch ngừng khai thác đối với phi đội Boeing 737 Max 8.

Đâu là nguyên nhân?

Cựu điều tra viên các sự cố hàng không Alan Diehl nói với CNN rằng, các nhà điều tra an toàn hàng không sẽ xem xét 4 vấn đề - máy móc, con người, thời tiết và tội phạm. “Hiện tại, thời tiết không phải là nguyên nhân, còn lại, mọi thứ đều nằm trên bàn”, ông nói thêm.

“Rõ ràng nếu bạn gặp trường hợp khẩn cấp, trước hết bạn phải tập trung xử lý sự cố, và giải quyết vấn đề, vì vậy bạn có thể không có nhiều thời gian để nói chuyện với cơ quan kiểm soát. Thực tế là họ có đủ thời gian để nói họ muốn quay trở lại, đây là chi tiết rất quan trọng”.

Lion Air là một trong những hàng hàng không non trẻ nhất và có quy mô hoạt động lớn nhất ở Indonesia với các tuyến bay nội địa và quốc tế. Đây cũng là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau AirAsia, và đang tăng trưởng rất nhanh.

Lion Air đã mua chiếc Boeing 737 MAX 8 vào tháng 8-2018 và nó chỉ mới bay được 800 giờ. Boeing, nhà sản xuất máy bay, đưa ra tuyên bố cho biết Cty “vô cùng buồn” vì sự cố của chuyến bay JT 610. 737 MAX 8 là một trong những phiên bản mới nhất của một chiếc máy bay phản lực được giới thiệu vào năm 1967. Hơn 10.000 chiếc 737 đã được sản xuất, trở thành chiếc máy bay phản lực bán chạy nhất mọi thời đại. Các phiên bản MAX của 737 được chào hàng với động cơ phản lực LEAP mà Boeing cho là sẽ “định hình lại tương lai của ngành du lịch hàng không hiệu quả và thân thiện với môi trường”.

Lion Air cho biết, cơ trưởng của JT 610, Bhavye Suneja, có hơn 6.000 giờ bay, và cơ phó Harvino đã bay hơn 5.000 giờ. Theo Lion Air, máy bay đã được tuyên bố là “khả thi về mặt hoạt động”. 3 trong số các thành viên phi hành đoàn đã trải qua đào tạo bài bản và có kinh nghiệm bay dài.

AN BÌNH

Không có hành khách người Việt trên chuyến bay JT 610

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ rơi máy bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air, ngày 29-10 Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại để xác minh thông tin về việc có công dân Việt Nam trên chuyến bay hay không.

Theo các thông tin nhận được cho đến nay, không có hành khách người Việt trên chuyến bay xấu số này. Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, trang mạng Tribunsumsel.com của Indonesia và một số trang tiếng địa phương đã công bố danh sách hành khách trên chuyến bay xấu số. Theo danh sách này, không có cái tên nào giống với tên người Việt Nam.

TTXVN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_197453_may-bay-indonesia-cho-189-nguoi-lao-xuong-bien.aspx