Máy bay được phát hiện bằng cách nào trước khi có radar

Thiết bị định vị âm thanh có hình dạng như cái kèn cỡ lớn là cách để quân đội các nước phát hiện máy bay chiến đấu đối phương trước khi radar được phát minh.

Máy bay chiến đấu bắt đầu phát triển mạnh trong Thế chiến I. Sự ra đời của phương tiện tấn công trên không này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong chiến tranh đầu thế kỷ 20. Vickers FB5 của Anh là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được trang bị súng. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó chưa có hệ thống radar nên việc phát hiện ra đợt tấn công của máy bay đối phương thường rất khó khăn. Để phát hiện máy bay, các kỹ sư đã phát triển một thiết bị rất đặc biệt với hình dạng như cái kèn cỡ lớn. Nó trông như nhạc cụ hơn là thiết bị sử dụng cho mục đích chiến tranh. Ảnh: CNN.

Nó được gọi là "Kèn tuba chiến tranh", hay "kèn âm thanh". Thiết bị này được sử dụng lần đầu bởi quân đội Pháp và Anh trong Thế chiến I để phát hiện máy bay Zeppelin của Đức. Nó hoạt động như một chiếc tai nối dài, giúp con người nghe được âm thanh từ khoảng cách xa hơn so với tai người có thể nghe được. Ảnh: Rare Historical Photos.

Phil Judkins, nhà sử học chiến tranh Đại học Leeds, Anh giải thích, nó là một sự phát triển mở rộng từ thiết bị dùng để định vị pháo binh. Nó giống như như việc 2, 3 hoặc 4 người cùng nghe được tiếng súng kết hợp với phép đo giữa 2 điểm sẽ cho ra vị trí bắn. Quá trình tương tự được áp dụng để nghe âm thanh phát ra từ máy bay. Ảnh: CNN.

Kèn âm thanh thường có 3 ống nghe được xếp theo hàng học và một ống nghe theo hàng ngang. Trong đó, 2 ống được sử dụng để xác định hướng và 2 ống dùng để ước tính độ cao. Âm thanh thu được sẽ đi vào một bộ khuếch đại gắn ở trung tâm và thường có từ 3-4 người vận hành. Ảnh: Getty.

Nhật hoàng Hirohito kiểm tra kèn âm thanh của quân đội Đế quốc Nhật Bản. Thiết bị này được gọi là "kèn Tang" theo tiếng Nhật. Thoạt nhìn nó giống như chiếc kèn dùng để điều quân trong chiến tranh cổ đại hơn là thiết bị phát hiện máy bay. Ảnh: Ảnh: Rare Historical Photos.

Một thiết bị định vị âm thanh của Đức. Kèn âm thanh rất đa dạng về thiết kế nhưng có cùng nguyên tắc hoạt động. Nó chứng minh khả năng hoạt động tốt trong điều kiện trời mưa, nhiễu động khí tượng nhưng tỏ ra kém cỏi khi có sương mù. Ảnh: Getty.

Kèn âm thanh có nhược điểm lớn là phạm vi phát hiện máy bay rất ngắn, chỉ khoảng vài kilomet. Nó thường được triển khai cùng với các khẩu đội súng phòng không, song hiệu quả tác chiến mà nó mang lại không thật sự cao. Ảnh: Getty.

Khả năng cảnh báo sớm của kèn âm thanh không theo kịp tốc độ phát triển của máy bay. Các máy bay chiến đấu bay ngày càng nhanh nên khi thiết bị này nghe được âm thanh của máy bay thì đối phương đã ở ngay trước mặt và sẵn sàng để dội bom. Ảnh: Getty.

Các kỹ sư Anh đã phát triển một thiết bị khác được gọi là "gương phản xạ âm thanh". Nó có hình dạng như một cái chảo parabol cỡ lớn làm bằng bê tông có đường kính khoảng 9 m. Thiết bị này giúp mở rộng phạm vi phát hiện máy bay lên khoảng 24-38 km. Ảnh: Getty.

Tuy vậy, hiệu quả cảnh báo sớm của gương phản xạ âm thanh cũng không đáng kể. Nó được xây dựng cố định nên chỉ có thể nghe được âm thanh máy bay ở một hướng nhất định. Khoảng 10 gương phản xạ được xây dựng dọc theo bờ biển phía đông của Anh trong giai đoạn 1920-1930. Ảnh: Getty.

Một gương phản xạ âm thanh ở Anh trở thành điểm du lịch. Năm 1935, Robert Watson-Watt, kỹ sư vật lý người Anh đã trình lên Bộ Không quân Anh tài liệu "Phát hiện và định vị máy bay bằng phương pháp vô tuyến", đề xuất phát triển một công nghệ mới để phát hiện máy bay được gọi là radar. Ảnh: Getty.

Năm 1937, Anh đưa vào thử nghiệm hệ thống radar đầu tiên trên thế giới và cho thấy hiệu quả vượt trội. Công nghệ phát hiện máy bay bằng âm thanh nhanh chóng lỗi thời khi Thế chiến II bùng phát. Việc Anh phát triển thành công radar đã góp phần quan trọng giúp phe Đồng minh đánh bại Đức quốc xã. Ảnh: Getty.

Theo Trung Hiếu/Zing.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/may-bay-duoc-phat-hien-bang-cach-nao-truoc-khi-co-radar-1157829.html