Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên có hơn 1.500 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung tại các huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Nhé... Đây là số liệu đáng báo động nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ dân số xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) tuyên truyền kiến thức về dân số cho người dân. Ảnh: ĐỨC LINH

Cán bộ dân số xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) tuyên truyền kiến thức về dân số cho người dân. Ảnh: ĐỨC LINH

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên có hơn 1.500 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung tại các huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Nhé... Đây là số liệu đáng báo động nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Ở Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Nhé..., những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã "ăn sâu" trong đời sống của người dân. Điều này khiến việc tuyên truyền, đưa các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vào cuộc sống gặp nhiều thách thức.

Tại huyện Điện Biên Đông, từ năm 2013 đến năm 2015 đã có 172 trong số 488 đám cưới tảo hôn tại các xã rẻo cao Pú Hồng, Phình Giàng, Phì Nhừ... Đến nay, tình trạng nam, nữ kết hôn phổ biến ở độ tuổi 16 đến 18 đã trở thành chuyện thường ngày. Theo ông Thào A Chừ, cán bộ xã Keo Lôm cắm tại bản Chóp Ly, chính quyền đã gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật cũng như trao đổi với gia đình hai bên về những rủi ro với những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố, bà mẹ chưa đủ tuổi trưởng thành. Nhưng vì hủ tục, họ vẫn lấy nhau sinh con, rồi chờ đủ tuổi pháp luật cho phép mới đăng ký kết hôn.

Trường hợp của vợ chồng Thào A Hù và Giàn Thị Chứ là một trong những thí dụ điển hình của nạn tảo hôn tại Chóp Ly. Thảo A Hù lấy vợ khi đang học lớp 10. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, A Hù đã có con trai hơn một tháng tuổi. Cái nghèo khiến vợ chồng A Hù cảm thấy túng quẫn, thậm chí bế tắc trong cuộc sống.

Không chỉ tại Điện Biên Đông, từ đầu năm đến nay, tại huyện Nậm Pồ đã có 279 trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Nguyên nhân là do sự hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế, tâm lý không muốn gả con cho người xa dòng họ, quan niệm anh em họ lấy nhau thì thương nhau hơn, của cải không bị chia cho người ngoài. Đồng bào dân tộc Mông thường có quan niệm nếu cùng họ (tức là anh em) đương nhiên sẽ không được lấy nhau dù không có quan hệ huyết thống. Nhưng họ lại cho rằng đã là người khác họ thì sẽ lấy được nhau. Chẳng hạn như trường hợp con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em trai, em gái…, như vậy mới là gần gũi, hạnh phúc, không phải chia tài sản...

Việc kết hôn sớm, kết hôn giữa những người là anh em, họ hàng dù đã được khoa học chứng minh ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của những ông bố, bà mẹ trẻ con, nhưng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, chỉ một bản Chóp Ly (xã Keo Lôm) của huyện Điện Biên Đông đã có 15 trong số 40 hộ nghèo, cận nghèo là các gia đình “trẻ con”, sản phẩm của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tại xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo chỉ trong chín tháng đầu năm cũng đã có bốn cuộc hôn nhân cận huyết thống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Vàng A Hờ cho biết: Do nhận thức của người dân còn thấp, muốn có thêm người, thêm nhân lực làm nương rẫy cho nên trai, gái thường lấy nhau sớm. Chỉ vì muốn con cái được no cái bụng, không ít gia đình người Mông đã đẩy con em từ những đứa trẻ trở thành những “ông bố, bà mẹ” bất đắc dĩ.

Tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2025”. Riêng năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh tập trung vào tổ chức các hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhận cận huyết; xây dựng phim phóng sự về hôn nhân cận huyết và tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín có vai trò trong tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình.

Song để đạt kết quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của tuyến cơ sở, nhất là trung tâm DS-KHHGĐ. Tại huyện Nậm Pồ, trong nhiều năm qua, Trung tâm DS- KHHGĐ đã thành lập nhiều nhóm nhỏ và tổ chức mạng lưới cộng tác viên phủ sóng tới 131 bản nhằm xây dựng các mô hình truyền thông tại cộng đồng, thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện Pháp lệnh DS-KHHGÐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Huyện Điện Biên Đông triển khai đề án vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong đó nhấn mạnh việc “xóa bỏ tục cướp vợ”, “nghiêm cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Vàng A Hờ, chỉ trong hai năm 2014 và 2015, đề án đã triển khai trên toàn huyện, gồm 11 xã với 122 bản. Đến nay, hiệu quả của đề án được khẳng định, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang giảm dần. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng chủ động gặp gỡ đồng bào các dân tộc, tập huấn cho giáo viên các trường nội trú nhằm nâng cao nhận thức, từng bước cải thiện chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS.

NGỌC SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34685402-day-lui-nan-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong.html