Máy bay chiến đấu 'Made in Japan'

Xứ sở hoa anh đào đang tiến những bước dài trong lộ trình phát triển loại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 6 do chính nước này sản xuất mang tên F-3, Tạp chí National Interest nhận định trong một bài viết đăng ngày 15-3.

Để đối phó với mối lo ngại về an ninh trong khu vực, Nhật Bản quyết định phát triển loại chiến đấu cơ nội địa có sức mạnh vượt trội, đủ sức bảo vệ không phận của mình. Chương trình F-3 ra đời vì lẽ đó. Được biết, việc xem xét thiết kế toàn diện F-3 đã được lên kế hoạch với ngân sách quốc phòng tài khóa 2020 là 28 tỷ yen (hơn 250 triệu USD). Nhật Bản sẽ chính thức đi vào sản xuất máy bay vào năm 2021 và chuyến thử nghiệm đầu tiên của dòng máy bay này dự kiến thực hiện vào năm 2030. Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi được chỉ định là nhà phát triển chính tiêm kích F-3 cùng các công ty khác, kể cả các công ty nước ngoài.

Chiến đấu cơ F-3 được đánh giá là một trong những chương trình quân sự hấp dẫn hàng đầu thế giới trong tương lai gần bởi theo ước tính cần 5.000 tỷ yen (khoảng 45 tỷ USD) để hoàn thành chương trình này. Chi phí cho mỗi máy bay F-3 nhiều khả năng sẽ vượt quá con số 20 tỷ yen (179 triệu USD).

 Chiến đấu cơ tàng hình X-2 Shinshin của Nhật Bản bay thử nghiệm. Ảnh: Defence Aviation.

Chiến đấu cơ tàng hình X-2 Shinshin của Nhật Bản bay thử nghiệm. Ảnh: Defence Aviation.

Mục tiêu chính của chương trình F-3 là đổi mới toàn diện đội máy bay chiến thuật của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF). F-3 dự kiến được sử dụng để thay thế cho khoảng 100 máy bay chiến đấu động cơ đơn F-2 (dòng tiêm kích được phát triển từ máy bay F-16 của Mỹ, với sự bổ sung công nghệ Nhật Bản) vốn đã già cỗi và dự kiến sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2030.

Phát triển dòng máy bay tàng hình F-3 cũng là cách để Nhật Bản thúc đẩy năng lực chế tạo máy bay chiến đấu nội địa của nước này, nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Thực tế, chương trình phát triển máy bay tàng hình có tên ATD-X của Nhật Bản đã được bắt đầu ngay từ năm 2000. Tới năm 2016, Nhật Bản cho thấy bước tiến quan trọng về công nghệ chế tạo máy bay hiện đại khi cho thử nghiệm thành công nguyên mẫu X-2 Shinshin của chương trình ATD-X. Sự kiện này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Nga và Trung Quốc phát triển và thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Sau X-2 Shinshin, Nhật Bản tiếp tục theo đuổi mục tiêu sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình tối tân thế hệ thứ 6. Hiện tại dự án F-3 đang ở giai đoạn đầu và một số tính năng của máy bay chưa được xác định hoặc chưa được công bố. Nhưng theo National Interest, điều chắc chắn F-3 sẽ là máy bay chiến đấu hai động cơ có khả năng mang trong thân 6 vũ khí. Các bản phác thảo rất khác nhau của những kỹ sư Nhật Bản cho thấy thiết kế cuối cùng vẫn còn là ẩn số.

Nhật Bản đã tìm kiếm các đối tác nước ngoài để giúp phát triển F-3. Một giả thiết thu hút sự quan tâm của công chúng nhất là đề xuất của Lockheed Martin về một thế hệ máy bay “lai” với “vỏ” của F-22 và “ruột” tiên tiến hơn F-35. Giả thiết này nghe thì rất hấp dẫn nhưng hóa đơn cho một chiếc máy bay như vậy lại cực cao, ước tính khoảng 215 triệu USD.

Cũng có nhiều thông tin cho rằng, Nhật Bản sẽ áp dụng các công nghệ đã có sẵn vào chiếc F-3. Năm 2019, Nhật Bản đã đưa vào thử nghiệm động cơ phản lực XF-9-1 do Tập đoàn công nghiệp nặng Ishikawa phát triển. Động cơ này tạo ra lực đẩy 11-12 tấn và 15-16,5 tấn sau khi đốt tăng lực, đồng thời chịu được nhiệt độ 1.800 độ C. So với động cơ phản lực F119 của máy bay F-22 tạo ra lực đẩy 13 tấn và tăng lên 17,5 tấn sau khi đốt tăng lực, XF-9-1 ngắn hơn nửa mét và mỏng hơn 30cm vì thế có thể giúp khoang vũ khí của F3 lớn hơn F-22.

Nhật Bản cũng được cho là đã nghiên cứu động cơ đẩy vector 3D. Đây được coi là loại động cơ đẩy phản lực hiện đại nhất hiện nay có khả năng giúp các chiến đấu cơ cơ động cực tốt trên không với những động tác nhào lộn không tưởng. Nếu thành công, F-3 còn có thể xếp trên các tiêm kích hiện đại nhất thế giới hiện nay như F-22 và Su-35 về khả năng né tránh tên lửa trong phạm vi gần.

Các công nghệ được thử nghiệm trong X-2 Shinshin cũng có thể xuất hiện trở lại trong F-3, bao gồm hệ thống điều khiển điện tử được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt có khả năng chống xung điện từ (EMP), cũng như hệ thống dự đoán tình trạng máy bay tự động và đưa ra phương án khắc phục ngay trên chiến trường…

Mặc dù Nhật Bản sở hữu nhiều công nghệ hiện đại, nhưng việc tích hợp thành công tất cả công nghệ này vào một chiếc máy bay không phải điều đơn giản. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng là một vấn đề khá đau đầu. Tuy nhiên nếu thành công, chương trình F-3 sẽ giúp Nhật Bản chứng minh được khả năng tự lực cánh sinh trong việc phát triển các dòng tiêm kích hiện đại bậc nhất thế giới, thoát khỏi sự phụ thuộc bấy lâu vào Mỹ và các đối tác nước ngoài.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/may-bay-chien-dau-made-in-japan-612482