Máy bay cảnh báo sớm của Mỹ có thể nhận nhiên liệu trên không

Hải quân Mỹ vừa hoàn tất đánh giá khả năng nhận nhiên liệu trên không của máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2D Advanced Hawkeye từ tiêm kích F/A-18 Super Hornet.

Các đơn vị tham gia chương trình nghiệm thu này là Phi đội cảnh báo sớm số 120 (VAW-120) chuyên khai thác dòng máy bay E-2D Advanced Hawkeye và Phi đội tiêm kích số 211 (VFA-211) được biên chế dòng tiêm kích F/A-18F Super Hornet.

Như vậy, VAW-120 đã trở thành đơn vị đầu tiên của Hải quân Mỹ được trao chứng nhận khả năng thực hiện nhận nhiên liệu trên không cho máy bay E-2D Advanced Hawkeye.

 Máy bay E-2D Advanced Hawkeye thực hiện nhận nhiên liệu từ tiêm kích F/A-18 Super Hornet. Ảnh: Avionics Magazine.

Máy bay E-2D Advanced Hawkeye thực hiện nhận nhiên liệu từ tiêm kích F/A-18 Super Hornet. Ảnh: Avionics Magazine.

Đại tá Matthew Duffy, Chỉ huy Không đoàn hậu cần và chỉ huy trên không của Hải quân Mỹ cho biết, kết quả này đạt được sau hơn 3 năm với hơn 500 giờ bay để tiến hành thử nghiệm, cải tiến một số bộ phận trên máy bay E-2D Advanced Hawkeye để phù hợp với nhiệm vụ tiếp/nhận nhiên liệu trên không.

Theo ông Duffy, Hải quân Mỹ sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị đang khai thác dòng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không được biên chế trên các tàu sân bay của Mỹ này phải đạt chứng nhận trên.

Nhờ nhận nhiên liệu trên không, máy bay E-2D Advanced Hawkeye sẽ nâng cao được phạm vi hoạt động mà không cần phải trở về tàu sân bay để nạp. Từ đó, máy bay có thể hỗ trợ tốt hơn khả năng phòng thủ của nhóm tàu tác chiến sân bay.

E-2D Advanced Hawkeye là phiên bản hiện đại nhất của của dòng E-2. So với E-2C, E-2D Advanced Hawkeye có radar APY-9 sóng ngắn UHF quét 360 độ và lồng anten Type ADS-18, giúp máy bay không những có thể tiến hành nhận diện địch-ta linh hoạt mà còn tiến hành quan sát tập trung đối với các khu vực hoặc mục tiêu trọng điểm.

Máy bay E-2D Advanced Hawkeye hoạt động trên tàu sân bay.

Ngoài ra, máy bay còn được nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, cải thiện động cơ, buồng lái mới. Máy bay có thể đạt tốc độ lên đến 650km/h, tầm hoạt động 2.600km. Nó cũng cung cấp các hệ thống truyền thông tích hợp cho đơn vị chiến đấu và các trung tâm chỉ huy.

Từ trước tới nay, Hải quân Mỹ đa phần huy động máy bay tiếp nhiên liệu của lực lượng không quân. Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn huy động khoảng 20-30% số tiêm kích F/A-18 Super Hornet trong biên chế lắp thêm phương tiện để tiếp nhiên liệu trên không.

Chính vì lý do trên, Hải quân Mỹ đang thực hiện dự án trang bị máy bay không người lái (UAV) tiếp nhiên liệu trên không MQ-25A Stingray với hãng chế tạo Boeing. Chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2024.

PHẠM HUY (theo Def Post)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/may-bay-canh-bao-som-cua-my-co-the-nhan-nhien-lieu-tren-khong-619081