Mầu xanh quê hương

Ôi yêu sông Hồng, sông Ðáy, rồi yêu sông Nhuệ, sông Tích…

Tôi cũng yêu cả nhánh sông Ðáy nhỏ bé, được người dân quê tôi trìu mến gọi là sông "Nhà Mình". Và khi yêu sông, tôi yêu những cánh chim. Bãi sông Nhà Mình vùng ngoại ô Hà Nội, xưa nổi tiếng vì mầu xanh của trúc và dong. Hơn thế còn là nơi hiện diện của các loài chim. Tôi yêu nhất chim sáo. Bà nội từng bảo: "Ðất lành chim đậu. Làng ta vì yêu thiên nhiên, đức hạnh nên được ban cho trái tim hiếu học. Nghề học của ta cứ thế mà gìn giữ, đời này nối đời kia".

Nội yêu quê từ cả cách nghĩ đến lời nói. Yêu quê, nội cũng giữ lòng thủy chung vô bờ với người trai ra trận - chồng của nội, ông nội của tôi. Suốt bốn mươi năm qua, nhận được tin ông mất, bà nội đau xót vô cùng. Và càng đau đớn hơn khi chẳng tìm thấy xác. Vì không biết ông nằm lại ở mảnh đất nào, nên bà tin ông vẫn còn sống. Lòng người mòn mỏi đợi, và vẫn giữ trọn một niềm tin son sắt. Một niềm tin kỳ diệu.

Giờ mỗi khi nghĩ đến nội, tôi vẫn văng vẳng nhớ câu nói đó, cứ như nội mới nói với mình hôm qua. Nhưng càng nhớ thì càng hì hụi tiếc. Những bài thơ về quê hương xưa, cứ đầy lên một nỗi tự hào với biết bao xanh non mơn mởn của vùng phù sa. Quê tôi ngày đó đẹp đến nỗi, cứ mỗi khi đặt bút xuống viết những dòng thơ, tôi lại nghe thấy cả một chuỗi tiếng chim dán trên tán lá xanh sau nhà. Bà, mẹ và chị hàng xóm càng tự hào khi mỗi tuần thơ của tôi được đọc trên đài phát thanh của xã và được đăng báo, chị bưu tá vui mừng đến chuyển giấy mời tôi đi lĩnh nhuận bút. "Làng ta có cảnh đẹp, có những con người cần cù và có "nhà thơ" như cậu Tít, thật tự hào. Cậu cứ chịu khó quảng bá cho làng ta nhé. Ðến khi nào chim chóc về tạo thành rừng tiếng chim thì thôi"- chị bưu tá vui tính nói thế. Nhưng chị không đợi được đến khi quê tôi có cả rừng tiếng chim, bởi bệnh tật đã mang chị về thế giới bên kia. Sau này, một người khác thay chị làm bưu tá, nhưng khó tính, mặt mũi lúc nào cũng đăm đăm…

Tôi vẫn có thói quen thả diều. Con diều mùa hạ gác trên cánh gió, vi vu đó, nhưng gợi về bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Lòng người vẫn xa xăm nhớ và chắt chiu từng giọt kỷ niệm, để làm đẹp mãi cho tâm hồn.

Ðể níu giữ mầu xanh cho quê hương, cho cánh đồng và những rẻo đất ven đê, bà nội đã tình nguyện đi trồng cây. Nội cần mẫn làm một mình, như để khỏa lấp nỗi nhớ và sự đau khổ. Hay là để vững tin hơn? Tôi không biết, nhưng mỗi khi trồng xong một cây, nội đều rất vui. Niềm vui phảng phất trên khuôn mặt đầy nếp nhăn.

Và một ngày đang thả diều trên đê thì không gian như nhẹ bẫng. Một tiếng sáo vi vu vừa lạ vừa quen, mỗi lúc một rõ ràng vọng về. Một ông lão già nua với cây sáo vừa đi vừa thổi. Ông dừng lại dưới gốc cây xà cừ đầu làng và tiếp tục thổi. Bà con dừng lại xem rất đông. Tôi cũng bỏ mặc con diều gác trên mây, chạy đến chiêm ngưỡng ông già và tiếng sáo. Bỗng có tiếng người thốt lên: "Ông Ngân!". Người vừa thốt lên, không ai khác, chính là bà nội tôi. Một số người cũng nhận ra người con của làng năm xưa đi bộ đội nay đã trở về.

Ự đợi chờ và hy vọng của bà nội cuối cùng cũng được đền đáp. Và bỗng nhiên, đàn chim qua mùa hạ trở về làng, ríu rít trên những cành cây bà nội trồng, đang cho mầu xanh. Buổi sớm ấy, tôi đã dậy sớm và là người phát hiện ra chúng sớm nhất. Tôi chạy về loan báo cho ông bà nội.

Ông bảo: -Ừ, mình đi đón chim thôi. Mùa chim mới đang về.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40601002-mau-xanh-que-huong.html