Mẫu vật cụ rùa Hồ Gươm giữ nguyên được thần thái khi còn sống

Sáng qua (16/3), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đơn vị chế tác và bảo quản cụ rùa đã bàn giao mẫu vật cùng tủ trưng bày cụ rùa ở Đền Ngọc Sơn, chính thức giới thiệu đến người dân thủ đô và khách tham quan.

Mẫu vật cụ rùa tại đền Ngọc Sơn Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Mẫu vật cụ rùa tại đền Ngọc Sơn Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Lần đầu tiên, chi tiết về quá trình chế tác cụ rùa theo phương pháp hiện đại nhất thế giới đã được Sở KH&CN Hà Nội hé mở. Sau hơn 3 tháng bảo quản lạnh ở nhiệt độ -20 độ, quá trình chế tác bắt đầu bằng việc mổ lấy nội tạng, lưu giữ mẫu vật AND và mô sống trong điều kiện tiêu chuẩn, phân tích AND và chế tác bằng công nghệ nhựa hóa, phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Theo PGS.TS Phan Kế Long, Phó Tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, nhựa hóa là công nghệ bảo quản mẫu vật phổ biến ở các nước tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Đây là công nghệ mới, chưa từng thực hiện ở Việt Nam. Vì thế, hai chuyên gia người Đức là ông Macro Fischer (Bảo tàng Erfurt) và ông Jurgen Fiebig (Bảo tàng Berlin), những người từng đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi chế tác mẫu vật quốc tế được mời sang chế tác cụ rùa.

Theo PGS Long, mẫu vật cụ rùa quá lớn, gây bất ngờ cho chính hai chuyên gia chế tác thế giới. Trước đó, hai ông thường làm việc với các mẫu vật rùa từ 20-30kg. Trong khi cụ rùa có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay. Vì thế, để chế tác cụ rùa mất tới 2 năm, với 4 lần các chuyên gia Đức sang Việt Nam thực hiện từng khâu trong quá trình chế tác. Cũng do cụ rùa là mẫu vật lớn, độc, đặc biệt quý hiếm nên vật liệu chế tạo được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều bộ phận phải đặt hàng, sản xuất đơn chiếc như mắt. Riêng tủ kính để trưng bày cụ rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức.

Ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm chia sẻ, để bảo quản mẫu vật, Quận Hoàn Kiếm đã mua tủ trưng bày do Công ty Glasbau Hahn chế tạo, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Bảo tàng Berlin và Bảo tàng Erfurt với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng. Đây là tủ chuyên dụng bảo quản mẫu vật kính siêu trắng, chống phản quang, chống tia UV, hệ thống lọc không khí và hút ẩm theo cơ chế thụ động và chủ động. Để đảm bảo thẩm mỹ, giá trị văn hóa và tâm linh, phù hợp với không gian trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, một hệ thống tủ gỗ hương đỏ có chạm sắc tinh xảo được bao quanh lớp tủ kính bên trong.

Sau hơn 2 năm chế tác cùng 6 tháng chờ hoàn thiện tủ bảo quản, mẫu vật rùa Hoàn Kiếm đã trưng bày tại Đền Ngọc Sơn để người dân tham quan cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng của Hồ Gươm.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội chia sẻ, sau khi mẫu vật cụ rùa được hoàn thiện, Sở đã lập Hội đồng nghiệm thu với thành viên là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực chế tác, bảo tàng. Các thành viên Hội đồng đánh giá chất lượng mẫu vật giữ nguyên được thần thái cụ rùa khi còn sống.

Để có được thần thái như vậy, nhiều người yêu mến cụ rùa như PGS.TS Hà Đình Đức, nhà báo Hà Hồng (Báo Nhân dân) đã cung cấp ảnh, tư liệu, video để chuyên gia chế tác nắm bắt được thần thái, hình dáng cụ rùa khi chế tác. PGS Đức chia sẻ, mỗi lần chuyên gia Đức sang Việt Nam ông đều có mặt để quan sát quá trình chế tác, hội ý cùng nhà chế tác để làm sao cho cụ rùa chân thực nhất, gần với tự nhiên nhất. Là người có nhiều năm quan sát cụ rùa, ông Đức đánh giá mẫu vật rất giống với cụ rùa ngoài tự nhiên, từ màu da đến vết bớt.

Cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Sau khi cụ rùa qua đời, thế giới chỉ còn ghi nhận 3 cá thể cùng loài, một cá thể ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội và hai cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Vì thế, hy vọng có thể khôi phục loài rùa là biểu tượng tâm linh của thủ đô rất thấp. Tuy nhiên, mới đây, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) đã ghi nhận thêm một cá thể mới ở hồ Xuân Khanh, Hà Nội, dấy lên hy vọng có thể khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới này.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/mau-vat-cu-rua-ho-guom-giu-nguyen-duoc-than-thai-khi-con-song-1389596.tpo