Mâu thuẫn với mẹ vợ, con rể ngán không muốn về nhà

Em hỏi đi đâu thì chồng nói ở nhà khó chịu nên ra quán ngồi. Nếu cứ mâu thuẫn mẹ vợ con rể thế này, mọi chuyện rồi sẽ về đâu?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 32 tuổi, đã lập gia đình và vừa có bé thứ hai. Vợ chồng em tự lập nên khá vất vả, mọi việc đều phải tự lo lấy. Thời gian này em sinh con nên phải nhờ mẹ em từ quê lên chăm nom em và bé lớn vì chồng em thường xuyên tăng ca không nghỉ được.

Mẹ em đã phải hy sinh rất nhiều, bỏ nhà cửa vườn tược, để ba em với các em của em tự xoay xở mà lên đây với em. Thế nhưng, chồng em hình như không hiểu được chuyện đó. Tính anh xưa nay ăn nói cụt lủn, hay làm mất lòng người khác.

Bây giờ có mẹ lên ở cùng lẽ ra anh phải giữ ý, thưa gửi đàng hoàng nhưng anh xưa nay vẫn vậy, đi làm không chào, về nhà không hỏi, có hỏi chuyện gì cũng nói năng ngang ngang. Em có nói chuyện với mẹ về tính tình của chồng em, coi vậy thôi, cộc tính nhưng tốt bụng.

Mẹ em ban đầu cũng cố gắng hiểu, nhưng sau đó thì bực bội. Mẹ nói mẹ lên đây nuôi con gái, chứ mẹ không việc gì phải nuôi con rể. Quần áo anh tự giặt tự ủi, sáng tự ra ngoài ăn sáng, về nhà tự tìm đồ ăn còn dư trong tủ lạnh, hâm lên mà ăn. Mẹ nấu cơm cho em và đón cháu về nhà, chơi với cháu, cho cháu ăn đã hết thời gian.

Hơn hai tuần nay chồng em về nhà trễ, thứ Bảy, Chủ nhật cũng đi, em hỏi đi đâu thì anh nói ở nhà khó chịu nên ra quán ngồi. Em lo lắm. Bây giờ nếu không có mẹ thì một mình em không thể lo cho hai đứa, mà mẹ lại mâu thuẫn với con rể, chồng em không muốn xung đột nên bỏ nhà đi. Rồi mọi chuyện sẽ về đâu?

Thanh Lương (TP.HCM)

Mẹ vất vả nuôi cháu, chăm con gái ở cữ, nhưng chồng em cứ lầm lì, khó chịu, khiến mẹ nổi giận - Ảnh minh họa

Em Thanh Lương thân mến,

Hoàn cảnh em lúc này đang khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của mẹ. Hãy cố gắng nói chuyện với mẹ nhiều hơn và nói chuyện với chồng em nữa, để hai người chấp nhận nhau được chừng nào tốt chừng ấy.

Qua thư, Hạnh Dung thấy chồng em có vẻ chịu nhún nhường trước mẹ vợ, cố gắng né bớt để không gây thêm xung đột. Đó cũng là điểm tốt. Nếu có thể, em chủ động tham gia thêm chút nữa: những việc nào chồng cần bàn tay chăm sóc, em cố gắng làm, ví dụ chồng về nhà thì vợ dọn cơm, rảnh rỗi được lúc nào tranh thủ ủi cho chồng cái áo… để chồng em vẫn thấy mình được vợ quan tâm, không đến nỗi bị “ra rìa, hắt hủi”.

Những việc đó không thể phó mặc chồng tự xoay xở hay bắt mẹ phải làm. Mối quan hệ gắn kết hai người ấy bền chặt đến đâu tùy vào em. Em có cố gắng thì mối quan hệ ấy mới tốt lên được.

Thực ra, “mẹ lên nuôi con” là một cách để nói chuyện mẹ lên ở với con, chăm sóc con, chứ chưa hẳn là “nuôi” đúng nghĩa. Vợ chồng em vẫn phải lo chi phí trong ngoài, vẫn phải có đủ tiền thì mới yên ổn. Mặt khác, cái gốc rễ cốt lõi của gia đình là vợ chồng, mẹ chỉ giúp một thời gian, không thể thay thế hoàn toàn vai trò của ai trong gia đình em.

Em nên nghĩ khó khăn này chỉ là tạm thời, đến khi em có thể tự xoay xở được việc nhà thì mẹ cũng phải về quê chứ đâu ở mãi với em. Nhận thức vậy để có chuyện gì thì mình cố bỏ qua, mọi chuyện có lệch pha một chút cũng ráng kê cho bằng, giữ không khí trong nhà hòa thuận.

Phụ nữ thường vất vả, nhiều lúc, tưởng là có người chăm sóc, có mẹ nâng niu, chồng yêu thương nhưng xét cho cùng, để giữ được hòa khí trong nhà, mình lại là người phải nắm đầu này kéo đầu kia, mệt mỏi hơn cả.

Thêm một điều nữa, từ quê lên sống ở phố, có thể rất nhiều việc mẹ chưa quen, cần hướng dẫn. Nếu chồng em không khéo trong việc hướng dẫn, có thể gây cảm giác khó chịu, mặc cảm cho mẹ. Người mẹ nào cũng thương con. Em nên thủ thỉ hướng dẫn mẹ. Khi mẹ cảm thấy thoải mái hơn, quan hệ mẹ vợ chàng rể cũng sẽ được cải thiện. Vẫn biết vậy là quá nhiều việc cho một bà mẹ mới sinh nhưng cố gắng một chút em nhé, để giữ được tình cảm giữa những người thân yêu của mình.

Theo Infonet.vietnamnet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/mau-thuan-voi-me-vo-con-re-ngan-khong-muon-ve-nha-1464615.html