Mâu thuẫn từ cuộc trưng cầu dân ý đổi tên nước Macedonia

Ngày 30-9, Macedonia đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đổi tên nước nhằm mở đường cho quá trình gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, kết quả tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục đã tạo ra những rào cản mới cho đất nước Balkan gia nhập liên minh quân sự phương Tây này.

Một số người dân Macedonia biểu tình tại thủ đô Skopje phản đối việc đổi tên nước. Ảnh: Sputnik

Trước ngày bỏ phiếu, thủ tướng Macedonia Zoran Zaev bày tỏ sự lạc quan về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với việc chấp nhận thỏa thuận đạt được từ tháng 6 năm nay với Hy Lạp, theo đó đổi tên nước Macedonia thành Bắc Macedonia. Kết quả trưng cầu dân ý sẽ giúp ông Zoran Zaev giành được sự ủng hộ tiếp theo tại Quốc hội trong đề xuất yêu cầu sửa đổi hiến pháp.

Tại hơn 97% điểm bỏ phiếu thông báo khoảng 91,3% cử tri đi bỏ phiếu đồng ý việc đổi tên nước. Nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 36,8% trên 1.8 triệu cử tri cả nước - con số thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của Chính phủ Macedonia.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được thông báo, ông Zoran Zaev cho biết sẽ tìm cách đảm bảo có được 2/3 số ghế trên tổng số 120 ghế trong Quốc hội vào tuần tới để bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp. Nếu thất bại, theo ông, tổ chức bầu cử sớm sẽ là phương án duy nhất.

Phần lớn người dân tại biên giới hai nước phản đối thỏa thuận giữa Hy Lạp và Macedonia, đa số cho rằng chính phủ hai nước đã nhượng bộ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và bản sắc quốc gia. Cuộc trưng cầu dân ý cũng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ phương Tây. Đích thân thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis, cùng một số quan chức nước ngoài đã đến thăm thủ đô Skopje trước thềm cuộc bỏ phiếu để thúc đẩy Macedonia đổi tên nước.

Tại Athen, Bộ Ngoại giao Hy Lạp ghi nhận sự mâu thuẫn trong kết quả cuộc trưng cầu dân ý - số cử tri đi bỏ phiếu thấp nhưng đa số đều đồng ý với việc đổi tên nước; đồng thời cho biết hai nước sẽ cần phải có những động thái cẩn trọng để duy trì tính tiềm năng của thỏa thuận. Thỏa thuận giữa hai nước đang phải đối mặt với nhiều rào cản trước khi được thực thi. Nếu việc sửa đổi hiến pháp được quốc hội Macedonia chấp thuận, thì sau đó Hy Lạp cũng cần phải tổ chức thảo luận và phê chuẩn thỏa thuận.

Thỏa thuận hồi tháng 6 được đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp xảy ra kể từ khi Macedonia tuyên bố độc lập khỏi liên bang Nam Tư (Yugoslavia) năm 1991. Hy Lạp cho rằng tên nước Macedonia được đặt hàm ý tham vọng chiếm lãnh thổ của tỉnh có cùng tên Macedonia của Hy Lạp, do đó nước này liên tục ngăn chặn nỗ lực gia nhập NATO của Macedonia. Theo thỏa thuận, nước Cộng hòa Macedonia sẽ đổi tên thành Bắc Macedonia và Hy Lạp sẽ từ bỏ việc ngăn cản đất nước Balkan gia nhập NATO.

Chính quyền thủ tướng Zoran Zaev đã hy vọng cuộc trưng cầu dân ý sẽ tạo nền tảng cho sự thịnh vượng, và là chìa khóa cho tương lai gia nhập các thể chế quốc tế của Macedonia. Nhưng thất bại của cuộc bỏ phiếu đã tạo ra những trở ngại mới. Chính phủ Macedonia cho biết cuộc trưng cầu dân ý đơn thuần là việc phản ánh công bằng ý kiến của người dân và không mang tính ràng buộc vì vậy tiếng nói của số cử tri đi bỏ phiếu vẫn cần được xem xét.

Nền kinh tế Macedonia đang gặp khó khăn sau hai năm rơi vào khủng hoảng tài chính kéo dài khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, mức cao nhất trong lịch sử đất nước, và mức lương trung bình hàng tháng của người dân chỉ khoảng 400 USD - mức thấp nhất trong khu vực. Những người dân ủng hộ đổi tên nước cho rằng khi trở thành một nước thành viên trong khối EU, Macedonia sẽ có cơ hội phát triển kinh tế do không còn rào cản thuế quan và vận chuyển hàng hóa. Theo một số chuyên gia, một số quốc gia phía Tây Balkan như Macedonia gia nhập các thể chế châu Âu và xuyên Đại Tây Dương là cách tốt nhất để phát triển kinh tế và bảo đảm sự ổn định.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mau-thuan-tu-cuoc-trung-cau-dan-y-doi-ten-nuoc-macedonia/