Mâu thuẫn trong từng nước thành viên – mối lo lớn của EU

Ngày 5/12 trang mạng www.aspistrategist.org.au đã đăng bài viết của chuyên gia Mark Leonard, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hội đồng Chính sách đối ngoại châu Âu, về các cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong nội bộ Liên minh châu Âu.

Sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU ngày càng làm gia tăng mối đe dọa đối với các giá trị cốt lõi của dự án “một EU gắn kết hơn bao giờ hết”. Nguồn ảnh: theguardian.com

Mark Leonard khẳng định: Sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU ngày càng làm gia tăng mối đe dọa đối với các giá trị cốt lõi của dự án “một EU gắn kết hơn bao giờ hết”. Năm 2015, khi cuộc khủng hoảng nhập cư nổ ra, nhiều chuyên gia phân tích chính trị đã nhận thấy rõ sự khác biệt giữa “văn hóa chào đón” của Thủ tướng Đức Angela Merkel với quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Hungary Victor Orbán. Đó là sự đối lập giữa chính sách “bắc cầu” của một nước Tây Âu với chính sách “xây tường rào” của một nước Đông Âu.

Tuy nhiên, sự đoàn kết trong EU cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa khác, xuất phát từ sự chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên của Liên minh. Tại Đức cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ liên minh gồm các đảng trung tả và trung hữu đã đổ vỡ. Tại Hà Lan Thủ tướng Mark Rutte cũng phải mất tới 208 ngày mới thành lập được chính phủ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/2017. Tại Anh các đảng phái chính trị mâu thuẫn liên quan đến việc nước này rời EU (Brexit). Còn ở Ba Lan các lực lượng theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, phát-xít mới đã tiến hành các cuộc tuần hành lớn trên đường phố thủ đô Vacsava gần đây.

Điều có ý nghĩa quan trọng là xác định và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Đâu mới là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong EU? Nếu vấn đề lớn nhất của EU hiện nay là sự chia rẽ liên quan đến biên giới quốc gia thì các nước lớn như Pháp và Đức có thể giúp giải quyết thông qua điều chỉnh cán cân quyền lực trong EU. Tất cả các quốc gia thành viên EU đều nhất trí với các tiêu chí liên quan đến dân chủ, tự do (Tiêu chuẩn Copenhagen) khi gia nhập Liên minh. Tuy nhiên, qua thời gian, các chính phủ ở Hungary và Ba Lan đã thay đổi, không muốn tuân thủ các quy định này. Một trong những giải pháp cho thực trạng này có thể là việc lập các nhóm nước nhỏ hơn với lợi ích lớn hơn. Các quốc gia muốn tham gia nhóm này cần phải chấp nhận các quy định mới mà thực chất chính là các quy định ban đầu trong Tiêu chuẩn Copenhagen. Các quốc gia vi phạm sẽ bị loại ra. Điều này sẽ khiến các nước phải trả giá nếu vi phạm các quy định, tiêu chuẩn của EU. Mặc dù vậy, giải pháp này chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu vấn đề lớn nhất của EU hiện nay là sự chia rẽ giữa các nước thành viên.

Trong thực tế vấn đề chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên EU cũng đang nổi lên. Tại Đức sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9/2017 Thủ tướng Merkel đã tiến hành thử nghiệm của mình khi cố gắng đoàn kết đảng trung tả Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đảng liên kết của CDU là Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đảng ủng hộ tự do kinh doanh Tự do Dân chủ Đức (FDP) và đảng Xanh theo khuynh hướng cánh tả. Mặc dù là một nhà thương thuyết tài năng với “nghệ thuật đàm phán” đỉnh cao nhưng bà Merkel đã thất bại trong việc hình thành “Liên minh Jamaica”. Các đảng phái tham gia đàm phán vẫn có nhiều mâu thuẫn bất đồng. Trong khi đảng Xanh mong muốn tiếp tục duy trì “văn hóa chào đón” thì quan điểm đối với người nhập cư của CSU lại tương đồng hơn với các nước nhóm V4 (CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia). Tại thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015 CSU từng tiếp đón Thủ tướng Hungary Orban tham dự đại hội do đảng này tổ chức.

Ngoài ra, trong khi đảng Xanh ủng hộ sự đoàn kết và hỗ trợ về kinh tế đối với Italy và Hy Lạp thì FDP lại ủng hộ chính sách thắt chặt kỷ luật tài chính. FDP cũng phản đối mạnh mẽ việc hội nhập sâu hơn về kinh tế trong EU. Đảng FDP rút khỏi đàm phán với sự thất vọng khi “bốn đảng phái không có quan điểm trung liên quan đến việc hiện đại hóa đất nước cũng như thiếu cơ sở lòng tin lẫn nhau” như thủ lĩnh đảng này Christian Lindner tuyên bố. Cho đến nay giới quan sát vẫn chưa rõ liệu bà Merkel có thành công trong việc xóa bỏ sự chia rẽ trên chính trường nước Đức nay không.

Nếu không có “Liên minh Jamaica” thì Đức vẫn có đa số các nghị sỹ theo tư tưởng tự do trong Quốc hội. Tuy nhiên, thực trạng ở các nước thành viên khác trong EU lại không giống như vậy khi ở đa số nước tỉ lệ này là 50-50. Tại các nước này chính phủ luôn đại diện cho bên thắng thế trong cuộc “xung đột về văn hóa” giữa một bên là các lực lượng ủng hộ hội nhập với một bên là các lực lượng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Chẳng hạn, tại Anh 52% cử tri đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU. London hiện đang dần trở thành một quốc gia biệt lập theo chủ nghĩa vùng miền và bài ngoại. Mặc dù vậy, các lãnh đạo chính trị ở Anh vẫn tuyên truyền với người dân nước này về tương lai tươi sáng hơn ở phía trước. Đối với những người tin tưởng vào các tuyên bố này thì nền kinh tế Anh không bị tác động lớn từ việc Anh không còn tiếng nói trong các quyết định của EU.

Tại Pháp vị tổng thống trẻ tuổi, ủng hộ EU mạnh mẽ mới được bầu là Emmanuel Macron đã cam kết sẽ thúc đẩy sự phát triển của nước Pháp trong những năm tới. Tuy nhiên, thực trạng ở Pháp cũng tương tự Anh khi trong vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống có tới 46% cử tri ủng hộ cho các ứng viên Marine Le Pen, Jean-Luc Mélenchon và Nicolas Dupont-Aignan, gần tương đương với tỉ lệ ủng hộ việc Anh rời EU.

Châu Âu là cộng đồng của cả các quốc gia thành viên và của người dân. Điều này có nghĩa là sự chia rẽ trong nội bộ quốc gia cũng không kém phần quan trọng so với tranh cãi ngoại giao giữa các nước thành viên. Báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu Brookings cho thấy, sự khác biệt về văn hóa và thể chế giữa các quốc gia thành viên EU không thay đổi nhiều trong hơn ba thập kỉ qua kể từ ngày thành lập Liên minh. Viện này cũng phát hiện ra rằng mức độ chia rẽ giữa các nước thành viên EU nhỏ hơn nhiều so với trong nội bộ của mỗi quốc gia. Nói cách khác, sự chia rẽ trong nội bộ nước Anh liên quan đến vấn đề tự do đi lại lớn hơn nhiều so với bất đồng giữa Anh và Ba Lan.

Việc xây dựng một cộng đồng linh hoạt với nhiều nhóm khác nhau có thể sẽ giúp giải quyết các tồn tại trên trong EU trong ngắn hạn thông qua việc tập hợp, thống nhất ý chí của các nhóm trong giải quyết các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đưa lại các nguy cơ mới. Sau tất cả, đa số các nước EU, bất chấp việc thuộc về nhóm nào, cũng có thể lựa chọn hội nhập sâu hơn hoặc rời khỏi EU thông qua một cuộc bầu cử hay trưng cầu ý dân. Trong tương lai không loại trừ bà Le Pen có thể được bầu làm Tổng thống của Pháp hay Phong trào 5 sao chống EU sẽ lên nắm quyền ở Italy. Ở chiều ngược lại, đảng Diễn đàn Công dân (PO) theo tư tưởng ôn hòa hơn cũng có thể trở lại cầm quyền ở Ba Lan.

Giải quyết thách thức chia rẽ trong nội bộ xã hội các nước thành viên EU sẽ không dễ dàng bởi đây là vấn đề ăn sâu vào nhiều thế hệ liên quan đến bản sắc quốc gia, lịch sử và yếu tố địa lý. Không có giải pháp nào có thể nhanh chóng giải quyết được vấn đề này trong thời gian tới.

Nguyễn Hồng Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/mau-thuan-trong-tung-nuoc-thanh-vien-moi-lo-lon-cua-eu-20171206201456166.htm