Mâu thuẫn học đường, nếu thiếu quan tâm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Những mâu thuẫn của tuổi học trò mới lớn bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ, nhưng nếu các cá nhân, tập thể liên quan thiếu sự quan tâm, thiếu sự nắm bắt diễn biến tâm lý của các em sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Chỉ đạo từ toàn ngành muốn không để 'trên nóng, dưới lạnh' phải sát sao ở từng lớp học, từng nhà trường và có sự phối hợp hàng ngày của các phụ huynh.

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả nghiêm trọng

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các đơn vị, cơ quan có liên quan điều tra, làm rõ vụ việc nam sinh Phan Thanh Lâm bị hành hung chấn thương sọ não vào ngày 14-1.

Công văn nêu rõ, trường THPT Lang Chánh, khẩn trương thực hiện tốt các nội dung như: Tiếp tục quan tâm, động viên học sinh và gia đình học sinh Phan Thanh Lâm, để học sinh Lâm nhanh chóng phục hồi, ổn định tâm lý và sức khỏe, sớm trở lại học tập; Ổn định tình hình hoạt động của Nhà trường, không để sự việc vừa qua ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, học tập, giáo dục trong trường; Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Công an huyện và chính quyền địa phương làm rõ sự việc, trách nhiệm các bên liên quan; xử lý kỷ luật đối với học sinh, cán bộ (nếu có) liên quan đến vụ việc theo quy định; báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 30-1.

Trước đó, vào khoảng 11g30 phút ngày 14-1, khi vừa tan học, em Phan Thanh Lâm (SN 2004; học sinh lớp 11A6, trường THPT Lang Chánh) vừa tan học ra về tới cổng trường thì bất ngờ bị một học sinh cùng khối, cùng trường cầm gậy sắt vụt thẳng vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Em Lâm sau đó đã được thầy cô, nhà trường đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh cấp cứu.

Tuy nhiên, do bị thương nặng, Lâm được chuyển ngay xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu, điều trị. Qua chụp chiếu, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa xác định em Lâm bị vỡ sọ não.

Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và đảm bảo an toàn, an ninh trường học trên địa bàn toàn tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở về ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và đảm bảo an toàn, an ninh trường học, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cũng mới những ngày đầu năm 2021, Trường THCS Phú Cường, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội có báo cáo gửi lên Phòng GD&ĐT Hà Đông, Hà Nội về sự việc nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng.

Theo báo cáo, em Nguyễn Kim Ngân (14 tuổi, lớp 8) và em Đào Thủy Tiên (15 tuổi, lớp 9, là học sinh của trường THCS Phú Cường, trên đường về nhà sau tan trường thì bị một nhóm thiếu nữ khác chặn đầu, đánh tại khu đấu giá Trinh Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Toàn bộ sự việc được một người quay lại clip và đăng tải lên mạng xã hội. Theo nội dung clip, nạn nhân bị đánh, đá liên tục vào đầu và người. Một thiếu nữ còn dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu nạn nhân.

 Tuyên truyền thường xuyên giúp học sinh nâng cao nhận thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó là giải pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực học đường (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Tuyên truyền thường xuyên giúp học sinh nâng cao nhận thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó là giải pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực học đường (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Không thể một phút lơ là

Thực tế cho thấy, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị, trường học cụ thể hóa các giải pháp ngăn chặn bạo lực trong học sinh, quyết tâm không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhưng qua các vụ việc, có thể thấy rằng, một lúc nào đó, các cá nhân và tổ chức liên quan vẫn còn chưa theo sát được tâm lý của các em.

Để hạn chế tình trạng đánh nhau, bạo lực học đường, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu chấn chỉnh tình trạng học sinh ẩu đả nhau. Theo đó, sở yêu cầu các trường phải ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên...

Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các trường phải tạo ra nhiều kênh thông tin nhằm theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tại đơn vị mình, đồng thời có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, đúng quy định đối với học sinh, sinh viên vi phạm quy tắc ứng xử của nhà trường.

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các trường cần tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường thường xuyên cho học sinh, sinh viên giúp các em nâng cao nhận thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2 triệu học sinh, Sở đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục, coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: "Nắm bắt diễn biến tâm lý, kịp thời hóa giải để phòng ngừa những va chạm, mâu thuẫn và hỗ trợ, định hướng cho học sinh nhận thức, ứng xử đúng là cách làm cho thấy rõ hiệu quả. Để làm tốt việc này, nhà trường đã thành lập phòng tư vấn học đường, có chuyên gia tư vấn chuyên trách làm việc hằng ngày để không chỉ hỗ trợ học sinh, mà còn giúp giáo viên, phụ huynh giải quyết những vấn đề trong quản lý, giáo dục con em mình".

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mau-thuan-hoc-duong-neu-thieu-quan-tam-hau-qua-se-rat-nghiem-trong-225638.html