'Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng ngày càng lớn khi con ra đời'

Mẹ chồng – nàng dâu, vẫn biết câu chuyện không hề mới, thế nhưng, trong đời sống hàng ngày, mối mâu thuẫn ấy vẫn hằng ngày tiếp diễn, mang tới những câu chuyện đáng buồn.

“Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng ngày càng lớn khi con ra đời”

Chăm sóc con cái là nhiệm vụ của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trong mỗi gia đình, những đứa trẻ lại được nhận rất nhiều sự yêu thương từ cả phía cha mẹ lẫn ông bà. Đôi khi chúng lại là nguyên nhân gây mâu thuẫn trong gia đình bởi cách giáo dục của hai thế hệ là hoàn toàn khác nhau. Tranh cãi sẽ xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu khi không thể thống nhất được cách nuôi dạy trẻ.

“Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng ngày càng lớn khi con ra đời”

“Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng ngày càng lớn khi con ra đời”

Dạo quanh những hội, nhóm trên mạng xã hội về chủ đề nuôi con, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp vô vàn câu chuyện liên quan tới mẹ chồng – nàng dâu và những căng thẳng liên quan tới vấn đề này.

Có những bà mẹ vừa mới sinh con, chưa vượt qua được nỗi đau thể xác khi trải qua cuộc “vượt cạn” thì đã phải đối mặt với những căng thẳng tới từ mẹ chồng. Đó là những áp lực từ việc có sữa cho con bú, những món ăn trong cữ lặp đi lặp lại tới phát ngán, những kiêng cữ sau sinh với quan niệm cổ hủ mà mẹ chồng áp đặt…

Mâu thuẫn ấy tiếp tục lớn dần khi mẹ và bà nội có những quan điểm khác nhau trong việc nuôi dậy trẻ.

Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng ngày càng lớn khi con ra đời. Tôi và bà dường như không có chung tiếng nói khi chăm cháu. Bà rất thương cháu, thế nhưng có những cách chăm cháu mà tôi không thể áp dụng lên con tôi được. Ví dụ việc bà đòi cho cháu ăn dặm khi mới chưa tròn 4 tháng tuổi, đòi xi tè cho cháu khi mới được 1 tháng tuổi, rồi đòi cháu phải cách ly mẹ để cháu đỡ bị bện hơi… Tham khảo bác sĩ, tôi thấy những điều đó không hoàn toàn đúng” - Chị Hương (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ!

Có những bà nội, vì quá yêu cháu nên hay áp đặt, thích điều khiển, bà luôn can thiệp vào việc con dâu nuôi cháu. Từ cách con dâu cho cháu bú, đặt cháu nằm, mua quần mua áo cho cháu… cũng khiến bà nội không hài lòng, thậm chí chê ỏng chê eo. Khi con dâu không chịu được, phản kháng thì mẹ chồng lại “mặt nặng, mày nhẹ”.

“Mỗi lần con ốm, tôi và mẹ chồng lại căng thẳng”

Đặc biệt khi cháu ốm, sự bất đồng quan điểm và mâu thuẫn càng được đẩy lên cao. Trẻ nhỏ, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là những trẻ sinh ra nhẹ cân, thiếu tháng… ốm đau là điều khó tránh khỏi. Nhưng khi cháu ốm, bà lại đổ tại mẹ không biết chăm con, ép con dâu nghe theo những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian. Con dâu không đồng tình, chê mẹ chồng “cổ hủ, lạc hậu”.

Nhím nhà mình mới 5 tháng nhưng đã ốm đau liên tục. Gần như tháng nào con cũng ốm một lần, hết sốt rồi ngạt mũi, thở khò khè và ho. Mẹ chồng mình thì nhất quyết bắt chữa ho bằng cách cho uống chanh mật ong. Mà mình tìm hiểu thì không nên cho trẻ dưới 6 tháng uống mật ong. Thế là mẹ chồng, nàng dâu hậm hực nhau suốt đợt cháu ốm. Không bữa cơm nào thấy thoải mái cả” – Chị Hoa (Mỹ Đình, Hà Nội) tâm sự.

Thậm chí, có những mâu thuẫn khiến gia đình lục đục, con dâu căng thẳng tới mất sữa, cháu khát sữa khóc ngằn ngặt, mẹ chồng thì bực bội trong lòng, cả nhà “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Mẹ chồng tôi lúc nào cũng bắt tôi ủ thật ấm cho con dù thời tiết giữa mùa hè. Bất cứ lúc nào cũng phải mặc cho cháu 2-3 lớp, đắp chăn kín mít, lưng cháu lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Thế rồi một ngày, con tôi sốt cao, ho nặng, mang tới viện, bác sĩ chụp chiếu rồi kết luận cháu bị viêm phổi do tình trạng mồ hôi thấm ngược gây nhiễm lạnh”.

Chị Linh hậm hực đổ tội việc cháu ốm là do bà. Con nằm viện 10 ngày, truyền kháng sinh nặng, mẹ thì stress tới mất sữa, bà nội cũng bực mình vì thái độ con dâu mà không vào thăm cháu. Không khí gia đình ngột ngạt. Cũng kể từ đó, mỗi lần con ốm, chị Linh và mẹ chồng lại căng thẳng.

Đó chỉ là một vài trong vô vàn những câu chuyện về mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Mẹ chồng, với vốn kinh nghiệm chăm sóc nuôi nấng con cái mình trưởng thành, luôn lo lắng con dâu chưa hiểu biết. Con dâu thời hiện đại, với những thông tin tham khảo từ bác sĩ, Internet, sách báo… lại cho rằng, những kinh nghiệm của mẹ chồng đã không còn hợp thời.

Tuy vậy, tất cả những mâu thuẫn đó đều bắt nguồn từ tình yêu thương chung đối với em bé vừa mới chào đời. Lúc này, mẹ chồng – nàng dâu cần có sự bình tĩnh, trò chuyện, thấu hiểu và tìm ra một phương pháp chăm sóc, nuôi dậy trẻ khoa học. Một em bé khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của cả gia đình và sẽ là nhân tố tích cực hóa giải mối quan hệ muôn thuở giữa mẹ chồng – nàng dâu.

Xem thêm: Clip hướng dẫn bé cách đánh răng đúng cách

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/mau-thuan-giua-toi-va-me-chong-ngay-cang-lon-khi-con-ra-doi-d130541.html