Mẫu súng trường tiến công thất bại thảm hại nhất của Ấn Độ

Súng trường tiến công Insass là vũ khí do Ấn Độ tự phát triển, từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng nước này; mặc dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng Insass đã bộc lộ quá nhiều điểm yếu.

Sau khi giành được độc lập năm 1947, Quân đội Ấn Độ đã trang bị súng trường bán tự động L1A1. Đến năm 1980, Ấn Độ đã quyết định phát triển súng trường tiến công cỡ nòng 5,56 mm, để thay thế các loại súng trường L1A1 đã bị lạc hậu.

Sau khi giành được độc lập năm 1947, Quân đội Ấn Độ đã trang bị súng trường bán tự động L1A1. Đến năm 1980, Ấn Độ đã quyết định phát triển súng trường tiến công cỡ nòng 5,56 mm, để thay thế các loại súng trường L1A1 đã bị lạc hậu.

Mẫu súng trường tiến công mới của Ấn Độ, được thiết kế dựa trên mẫu tiểu liên AKM của Liên Xô; với nhiều lý do, đến tận năm 1990, loại vũ khí nhỏ của Ấn Độ (INSAS) mới được quyết định thông qua.

Ban đầu, ba biến thể được lên kế hoạch trong loại vũ khí nhỏ INSAS gồm, súng trường tiến công, súng carbine và súng máy hạng nhẹ (LMG). Năm 1997, súng trường tiến công và LMG được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Năm 1998, những khẩu súng trường INSAS đầu tiên được trang bị cho các đơn vị lục quân Ấn Độ, tham gia duyệt binh trong ngày Quốc khánh Ấn Độ (26/01). Khẩu INSAS được dùng đầu tiên trong chiến đấu, là cuộc xung đột Kargil năm 1999.

INSAS được dựa trên thiết kế chính là tiểu liên AKM của Liên Xô, nhưng các kỹ sư Ấn Độ cũng “nhồi nhét” tất cả những “tinh hoa” của các mẫu vũ khí bộ binh nổi tiếng thế giới, như mẫu FN FAL của Bỉ, hay khẩu M-16 của Mỹ, thì đều có thể bắt gặp trên súng trường INSAS.

Mặc dù được chấp nhận đưa vào biên chế từ cuối thập niên 1990, tuy nhiên khẩu INSAS vẫn không thể trở thành vũ khí chủ lực của Quân đội Ấn Độ, do việc thiếu đạn SS109 5,56×45mm. Phải đến giữa thập niên 2000, vấn đề này mới được giải quyết, khi công ty IMI của Israel đồng ý cung cấp với số lượng lớn.

Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng đại trà, khẩu INSAS đã bộc lộ những điểm yếu, và không được binh lính Ấn Độ chấp nhận; chất lượng súng không đạt yêu cầu, thậm chí có những khẩu hỏng sau vài phát bắn, không có khả năng thực chiến và dễ bị hỏa lực đối phương chế áp.

Súng trường INSAS cơ bản được phát triển bởi một số công ty vũ khí của Ấn Độ, nhưng cũng có sự giúp đỡ của một số công ty nước ngoài. Mặc dù được thiết kế vào cuối thập niên 1980, nhưng thực chất, INSAS là mẫu vũ khí có thiết kế lạc hậu, bị hạn chế trong nâng cấp.

Súng không có ray Picatinny để lắp các phụ kiện như kính ngắm, đèn pin; thậm chí trong tư duy của các nhà thiết kế INSAS, súng còn không có kính ngắm, mà chỉ có bộ phận ngắm thông thường; điều này đi ngược lại hoàn toàn của một súng trường tiến công hiện đại.

Ngoài ra, súng cũng không được thiết kế, để lắp súng phóng lựu dưới nòng, một thiết kế tiêu chuẩn của súng trường tiến công hiện đại; vì vậy binh lính Ấn Độ thiếu hỏa lực quan trọng, giữa tầm của lựu đạn cầm tay và súng cối.

Chưa hết, thiết kế của INSAS sử dụng cỡ nòng 5,56 mm theo tiêu chuẩn NATO, khi sử dụng ở các khu vực có độ cao lớn, nòng súng sẽ nở rộng và biến dạng. Cùng với đó là trọng lượng đầu đạn nhẹ và không đủ động năng, nên hoạt động kém trong môi trường cao nguyên có không khí loãng.

Lực lượng chiến đấu chuyên biệt ở vùng cao nguyên của Quân đội Ấn Độ cho rằng, thà sử dụng những mẫu tiểu liên AK-47 cũ, còn hơn sử dụng súng INSAS mới; như vậy thấy rằng, mẫu súng trường tiến công INSAS còn nhiều khiếm khuyết.

Vì những lý do trên, khẩu INSAS bị Quân đội Ấn Độ “tẩy chay”, và Ấn Độ lại quay lại con đường cũ, đó là nhập khẩu vũ khí của nước ngoài; hiện Ấn Độ đã ký với Nga một hợp đồng, xây dựng nhà máy tại Ấn Độ, để sản xuất khoảng 700.000 khẩu súng trường tiến công AK-203.

Còn đối với mẫu súng máy hạng nhẹ (LMG), Quân đội Ấn Độ cũng không thiết tha gì với mẫu LMC INSAS, mà mua súng máy Negev NG7 của Israel. Đầu tháng 2/2021, tờ India Today đưa tin, Ấn Độ đã nhận 6.000 khẩu Negev NG7, để trang bị cho các đơn vị sơn cước, giáp biên với Trung Quốc.

Tất nhiên, Quân đội Ấn Độ vẫn chưa thể thay thế khẩu INSAS trong thời gian ngắn, khi việc thiết kế một mẫu vũ khí của Ấn Độ không phải tính theo năm, mà tính bằng vài thập kỷ; ví dụ máy bay chiến đấu Tejas từ khi thiết kế, đến khi đưa vào sử dụng là 40 năm.

Do vậy, những ý tưởng khi bắt đầu thiết kế vũ khí của Ấn Độ là hiện đại, nhưng do thời gian phát triển quá dài, nên khi chấp nhận đưa vào biên chế, thì nó đã bị lạc hậu. Súng trường tiến công INSAS là ví dụ điển hình về một thiết kế thất bại của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Nguồn ảnh: Flickr.

Cận cảnh khẩu súng trường tiến công INSAS do Ấn Độ sản xuất. Nguồn: Kalot.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/mau-sung-truong-tien-cong-that-bai-tham-hai-nhat-cua-an-do-1507566.html