'Máu' rừng vẫn... chảy

Rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt cháy... Nhiều vụ vận chuyển gỗ rừng trái phép liên tiếp xảy ra... Thực trạng này chứng tỏ rằng, nhiều khu rừng ở TT- Huế vẫn đang chảy 'máu'...

Rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt cháy... Nhiều vụ vận chuyển gỗ rừng trái phép liên tiếp xảy ra... Thực trạng này chứng tỏ rằng, nhiều khu rừng ở TT- Huế vẫn đang chảy "máu"...

Một trong những cây rừng to bị đốn hạ ở phía đầu nguồn thủy điện Hương Điền.

Một trong những cây rừng to bị đốn hạ ở phía đầu nguồn thủy điện Hương Điền.

Rừng đầu nguồn thủy điện bị xâm hại

Những ngày gần đây, người dân ở thị xã Hương Trà vào rừng trồng keo tràm, phát hiện, khu rừng phòng hộ nơi đầu nguồn thủy điện Hương Điền (Hương Trà, TT-Huế) mới xanh tươi ngày nào giờ đã bị chặt phá nghiêm trọng. Có mặt tại khu vực này vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi phát hiện dấu cưa hạ của nhiều cây rừng vẫn còn tươi mới. Tại hiện trường la liệt cây gỗ, gốc cây với đường kính lớn, một số khúc gỗ vẫn chưa kịp đưa ra khỏi khu vực này. Hàng chục cây gỗ bị đốn hạ có đường kính khoảng từ 30 - 50cm, có những gốc cây lên đến gần 80cm. Không chỉ rừng bị chặt phá mà cả cánh rừng bạt ngàn này còn nhiều dấu hiệu bị đốt khiến cho nhiều diện tích rừng xung quanh bị cháy xém, cây cối héo khô.

Theo tiết lộ từ một người dân địa phương, việc chặt phá rừng này diễn ra công khai giữa ban ngày, "lâm tặc" mang cả máy cưa vào khu rừng để chặt phá và đốn hạ những cây gỗ lớn rồi vận chuyển ra ngoài. Đáng nói, việc cưa cây, đốt rừng diễn ra trong nhiều ngày nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Trong khi đó, chỉ cách nơi khu rừng bị đốt phá khoảng hơn 2km, tính theo đường chim bay là Trạm kiểm tra liên ngành bảo vệ rừng thị xã Hương Trà. Điều này khiến dư luận nghi vấn về sự tắc trách trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Ngô Hữu Phước- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Hương Trà xác nhận, có sự việc rừng nơi đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị xâm hại. Theo cơ quan chức năng thị xã Hương Trà, sau khi nhận được phản ánh của người dân, đoàn liên ngành kiểm tra hiện trường và xác định diện tích rừng đã bị chặt phá thuộc khoảnh 2, tiểu khu 109, nằm trong địa phận P. Hương Vân. Qua thống kê, có hơn 2 ha rừng tự nhiên bị cưa hạ và đốt phá. Cũng theo thông tin của từ ông Ngô Hữu Phước, khu rừng này do UBND P. Hương Vân quản lý, giao cho ông T. V. Ng. khoán bảo vệ và hưởng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Khối lượng và loại cây gỗ bị triệt hạ chưa xác định được. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn- Phó Giám đốc Sở NN & PTNT TT-Huế cho rằng, từng xảy ra nhiều vụ chặt phá, vận chuyển gỗ rừng trên địa bàn TT-Huế nhưng vụ phá rừng đầu nguồn thủy điện Hương Điền này có quy mô lớn, nhiều vấn đề phức tạp. Hiện, cơ quan chức năng đang phối hợp truy tìm thủ phạm và điều tra nguyên nhân, động cơ cùng lúc vừa đốn hạ cây lấy gỗ vừa đốt phá rừng; đồng thời truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm các lực lượng liên quan, tắc trách để xảy ra vụ phá rừng đáng tiếc trên.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở đầu nguồn thủy điện vừa bị chặt phá vừa bị đốt.

Gỗ lậu tung hoành trên đường Hồ Chí Minh

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp phát hiện, bắt giữ khoảng 150 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Chỉ trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6-2020, lực lượng kiểm lâm liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ rừng trái phép. Vào lúc 22 giờ ngày 4-6, lực lượng Hạt Kiểm lâm H. A Lưới đang làm nhiệm vụ nơi khu vực giáp ranh Huế - Quảng Trị thì nhận được tin báo xe tải BKS 84C-06017 đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Bắc- Nam vận chuyển gỗ trái phép. Sau hơn 30km truy đuổi, khi đến địa phận xã Hồng Hạ (H. A Lưới, TT-Huế), chiếc xe tải chở gỗ đã bị lực lượng chức năng áp sát và bắt giữ. Kiểm tra ban đầu, lực lượng kiểm lâm phát hiện trên xe tải đang vận chuyển 40 phách gỗ (khoảng 3m³ gỗ). Tài xế Nguyễn Ngọc Hải trú H. Bố Trạch (Quảng Bình) đã không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc số gỗ nói trên và khai nhận là chở thuê. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện để điều tra, xử lý theo quy định ngay sau đó.

Trước đó, tối 10-5, trong quá trình thực thi công vụ tại địa bàn đường Hồ Chí Minh, Hạt Kiểm lâm H. A Lưới đã kiểm tra ô-tô mang BKS 53L-8876, do tài xế A Kiêm Hiêm (trú xã A Ngo, H. A Lưới) điều khiển chạy từ hướng xã Trung Sơn vào thị trấn A Lưới. Qua kiểm tra trên xe có 18 phách gỗ gáo, phò lái không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp. Trước đó, ngày 6-5, Phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT- Huế phối hợp Hạt Kiểm lâm H. Nam Đông tuần tra ở xã Thượng Quảng và bắt giữ 11 phách gỗ kiền, dổi do ông Lê Công M. (trú xã Thượng Quảng) tàng trữ lâm sản trái phép. Sau khi điều tra, xác minh, Hạt Kiểm lâm H.Nam Đông đã quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và tịch thu 11 phách gỗ nói trên nhập kho Nhà nước...

Nói về việc nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu liên tiếp bị phát hiện, ông Lê Nhân Đức- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. A Lưới cho rằng, ngoài sự manh động, tinh vi của "lâm tặc", lực lượng Kiểm lâm mỏng, phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, không đảm bảo bố trí Kiểm lâm địa bàn chuyên trách là trở lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm của các chủ rừng về QLBVR tại một số địa phương còn nhiều hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, không có việc làm, nghề nghiệp ổn định nên chủ yếu sống dựa vào rừng. Trong khi các đối tượng vi phạm thường cố tình trốn tránh, chây ì, không hợp tác trong công tác điều tra, xử lý...

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_226243_-mau-rung-van-chay.aspx