'Máu rừng' vẫn chảy - Những bất cập trong chính sách giao khoán, bảo vệ rừng

Hàng chục cây gỗ lớn, với khối lượng khoảng 90 m3 gỗ bị chặt hạ trái phép tại khu rừng tự nhiên, thuộc địa bàn xã Thượng Quan (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Điều đáng nói ở đây là vụ phá rừng này được lực lượng công an huyện Ngân Sơn phát hiện chứ không phải là lực lượng kiểm lâm.

“Máu rừng” vẫn chảy

Trung tuần tháng 7/2018, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Cơ quan công an huyện Ngân Sơn phát hiện nhiều cây gỗ lớn trong khu vực rừng tự nhiên thuộc địa phận 2 thôn Ma Nòn và Khau Liêu, xã Thượng Quan bị chặt hạ trái phép. Nhiều thân cây có giá trị đã bị các đối tượng lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Vụ việc được báo cáo lên UBND huyện Ngân Sơn.

Ngày 30/7/2018, UBND huyện Ngân Sơn đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo phòng Nông nghiệp, phòng Tài nguyên – Môi trường, CA huyện, Kiểm lâm và xã Thượng Quan tiến hành kiểm tra tại 2 khu vực rừng bị chặt hạ trái phép.

Cây chò chỉ có đường kính lớn bị hạ gục. Ảnh: Hoàng Long

Cây chò chỉ có đường kính lớn bị hạ gục. Ảnh: Hoàng Long

Kết quả kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện 24 cây gỗ lớn bị chặt hạ trái phép, với tổng khối lượng khoảng 90 m3. Trong đó, 7 cây đã bị các đối tượng lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng, còn 17 cây vẫn nằm tại hiện trường, chưa bị lấy đi. Khu vực các cây gỗ bị chặt hạ là rừng tự nhiên sản xuất, đã được giao cho các hộ gia đình ông Bàn Văn Phong, Triệu Văn Chòi, Bàn Sinh Nghiêm và Bàn Đức Nhất quản lý, bảo vệ. Các cây gỗ bị chặt hạ trái phép tại đây được xác định thuộc nhóm III, IV, VII, chủ yếu là cây dổi, dẻ, chò chỉ, kháo, vầu… nhiều gốc cây có đường kính lớn trên 1 mét, với những dấu vết cắt hạ còn tươi rói để lại hiện trường, cho thấy vụ việc chặt phá rừng trái phép tại đây mới vừa xảy ra.

Phần thân cây dổi đã bị các đối tượng lấy đi, hiện trường chỉ còn trơ lại phần gốc tươi rói. Ảnh: Hoàng Long

Ngoài ra, trên đường vào khu vực rừng bị chặt phá trái phép, tổ công tác còn phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 132, thôn Khau Liêu có 1 đám rừng tự nhiên sản xuất, diện tích khoảng 1 héc-ta,bị phát phá trái phép. Các cây gỗ tại đây chủ yếu gỗ vầu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chưa xác định được các đối tượng chặt phá rừng trái phép. Kết quả kiểm tra đã được UBND huyện Ngân Sơn báo cáo lên UBND tỉnh Bắc Kạn.

Tỉnh nghèo, khó thực hiện chính sách?

Xã Thượng Quan có diện tích tự nhiên hơn 16 nghìn héc-ta, trong đó có trên 11 nghìn héc-ta là rừng. Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, từ năm 1993, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành giao nhiều diện tích rừng tự nhiên cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, trong đó có diện tích rừng tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết: Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, việc để xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, khu vực phát hiện vụ phá rừng trái phép rất hẻo lánh, chỉ có 2 con đường mòn đi đến đó và phải đi bộ hơn 3 giờ liên tục mới tới nơi. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm mỏng, chỉ có 1 Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, số cây gỗ bị chặt hạ nằm rải rác trong rừng sâu, xa khu vực dân cư nên khó phát hiện.

Một vạt rừng vầu cũng bị chặt hạ trái phép. Ảnh: Hoàng Long

Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2015, quy định về Cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, thì những hộ dân được nhận trông coi quản lý, bảo vệ rừng sẽ được nhận tiền từ ngân sách nhà nước là 300 nghìn đồng/1héc-ta/năm. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc và ngân sách của từng địa phương. Với đặc thù là tỉnh miền núi, Bắc Kạn có diện tích rừng rất lớn, nhưng nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh còn hạn hẹp. Vì vậy, 2 năm qua, nguồn ngân sách của tỉnh Bắc Kạn dành cho chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã không còn.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thắng, diện tích rừng giao khoán bảo vệ cho các hộ gia đình là rất lớn, nếu tính trên toàn tỉnh thì mỗi năm Bắc Kạn phải bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng để trả cho các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, tương đương bằng 1/6 số tiền thu ngân sách của tỉnh này.

Ngoài khoản tiền nói trên, những người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được nhận thêm khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và được phép thu hái một số lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ và lâm sản tỉa thưa trong giới hạn quy định.

Ông Hoàng Văn Trường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ngân Sơn cho biết: Đầu tháng 6/2018, Hạt kiểm lâm huyện Ngân Sơn đã bắt giữ được một vụ vận chuyển gỗ trái phép ở khu vực xã Thượng Quan. Hiện nay, rừng đã giao khoán cho các hộ gia đình quản lý bảo vệ, Hạt kiểm lâm Ngân Sơn chỉ làm công tác tham mưu, giúp việc là chính, ông Trường cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, ngoài vai trò tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì lực lượng kiểm lâm còn có vai trò giám sát, kiểm tra công tác này. Vì vậy, trong vụ phá rừng nói trên không thể không đề cập đến trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là Hạt kiểm lâm Ngân Sơn.

Một cây chò chỉ bị chặt hạ tại hiện trường. Ảnh: Hoàng Long

Bà Chu Thị Huyền - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng. UBND huyện đã chỉ đạo Cơ quan điều tra CA huyện Ngân Sơn điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng phá rừng, và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Từ thực tế những vụ việc chặt phá rừng trái phép tại Bắc Kạn thời gian qua cho thấy, công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương này còn nhiều hạn chế. Chủ trương của tỉnh và các cấp chính quyền là rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại thiếu hụt hoặc không có ngân sách dành cho công tác này. Người dân nơi đây nhận khoán quản lý bảo vệ rừng theo kiểu quyền lợi không được hưởng thì trách nhiệm cũng chỉ qua loa.

Vì vậy, đây phải chăng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng những cánh rừng tự nhiên tại Bắc Kạn này sẽ còn bị “chảy máu”.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/mau-rung-van-chay-nhung-bat-cap-trong-chinh-sach-giao-khoan-bao-ve-rung-57896.html