Mẩu nhựa cây bí ẩn làm 'sống dậy' thiếu nữ xinh đẹp 5.700 tuổi

Một mẩu nhựa cây bạch dương được xác định là... miếng kẹo cao su lâu đời nhất thế giới, và người ăn nó là một thiếu nữ mang vẻ đẹp hoang dã sống trên đất Đan Mạch 5.700 năm trước.

Một mẩu nhựa cây xám màu, nhỏ xíu được các nhà khảo cổ nhặt ở Đan Mạch đã ẩn chứa trong nó đầy đủ thông tin để nhóm nghiên cứu từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) giúp người đã nhai nó "sống dậy từ cõi chết".

Bởi lẽ, mẩu nhựa cây ấy đã được người tiền sử dùng như... một viên kẹo cao su, để rồi nó bảo tồn nguyên vẹn một thứ quan trọng sau tận 5.700 năm bị vứt bỏ: nước bọt mang DNA hoàn chỉnh của người nhai nó.

Thiếu nữ Đan Mạch thời đồ đá rất khác so với các thiếu nữ da trắng, tóc sáng màu sống trên đất nước này ngày nay - Ảnh đồ họa từ Tom Bjrklund

Thiếu nữ Đan Mạch thời đồ đá rất khác so với các thiếu nữ da trắng, tóc sáng màu sống trên đất nước này ngày nay - Ảnh đồ họa từ Tom Bjrklund

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi phó giáo sư Hannes Schroeder đã lần lượt tìm ra các đặc điểm rõ ràng của người nhai miếng kẹo: một thiếu nữ tóc gợn sóng thẫm màu, làn da tối màu, đôi mắt xanh. Thậm chí họ còn khẳng định cô thiếu nữ đã ăn thịt vịt và hạnh nhân trước khi nhai "kẹo cao su", giống như cách người hiện đại nhai kẹo sau bữa ăn.

Bổ sung thêm nhiều chi tiết đặc sắc mà DNA cổ xưa mang lại, họ đã trình làng với thế giới chân dung cô thiếu nữ Đan Mạch thời đồ đá mang vẻ đẹp hoang dại và bí ẩn.

Miếng "kẹo cao su" từ nhựa cây bạch dương - Ảnh: Theis Jensen

Theo phó giáo sư Schoroeder, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được một bộ DNA hoàn chỉnh của người tiền sử từ một thứ gì không phải là xương. Ngoài ra, họ còn tìm được trong miếng kẹo DNA của các vi khuẩn đường miệng và của một số mầm bệnh, những thứ rất quan trọng để tạo nên chân dung chuẩn xác của những con người thời đó.

Nơi cô thiếu nữ sống là đảo Lolland, địa điểm chứa nhiều di chỉ thời đồ đá nhất ở Đan Mạch. Bộ tộc của cô gái là những người săn bắt hái lượm. Khi định cư ở đây, họ đã khai thác được rất nhiều tài nguyên và đã đem các kỹ thuật canh tác cây trồng, chăn nuôi động vật đầu tiên đến phổ biến ở phía Nam bán đảo Scandinavia.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

Theo A. Thư/Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/mau-nhua-cay-bi-an-lam-song-day-thieu-nu-xinh-dep-5-700-tuoi/20200416045357066