Mẫu máy thở nghi gây hỏa hoạn ở bệnh viện Nga từng được gửi sang Mỹ

Mẫu máy thở bị nghi có liên quan tới 2 vụ hỏa hoạn ở các bệnh viện Nga từng nằm trong các lô hàng viện trợ Matxcơva gửi qua Mỹ giúp chống dịch.

Nga bắt đầu điều tra mức độ an toàn của loại máy thở do nước này sản xuất sau 2 vụ hỏa hoạn liên quan tới thiết bị này làm 6 người thiệt mạng, theo Reuters.

Các thông tin sơ bộ về vụ hỏa hoạn khiến 5 bệnh nhân mắc COVID-19 chết tại bệnh viện Saint George ở St.Petersburg hôm 12/5 cho thấy, nguyên nhân của tai nạn ban đầu được xác định là do máy thở chập điện.

Một vụ hỏa hoạn tương tự được cho là do cùng một loại máy thở gây ra khiến 1 phụ nữ ở bệnh viện Matxcơva thiệt mạng hôm 9/5.

Roszdravnadzor, cơ quan giám sát chăm sóc sức khỏe của Nga cho biết họ sẽ kiểm tra chất lượng và mức độ an toàn của máy thở ở 2 bệnh viện nói trên. Riêng bệnh viện St.Petersburg nói họ sẽ ngừng sử dụng loại máy thở đang bị nghi ngờ.

Lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường vụ cháy ở bệnh viện Saint George. (Ảnh: Reuters)

Lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường vụ cháy ở bệnh viện Saint George. (Ảnh: Reuters)

Ít nhất 2 khu vực của Nga cho biết sẽ ngừng sử dụng máy thở. Về phần mình, các nhà sản xuất kêu gọi đừng vội vàng đưa ra kết luận.

Loại máy thở có liên quan tới 2 vụ hỏa hoạn trên là Aventa-M, do Radio-Electronic Technologies Concern (KRET) sản xuất. Một số máy này được Nga gửi sang Mỹ để giúp đối phó với COVID-19 hồi đầu tháng 4.

Tuy nhiên, theo bà Janet Montesi, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA), chúng chưa được chuyển tới các bệnh viện ở Mỹ.

Số máy thở trên ban đầu dự định được gửi đến New York và New Jersey, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 ở Mỹ. Nhưng do dịch bệnh lây lan chậm lại ở nên giới chức quyết định không dùng tới các thiết bị trên.

Theo bà Montesi, các tiểu bang đang gửi trả lại số máy này cho FEMA và cuộc điều tra của chính quyền Nga sẽ giúp cơ quan này quyết định về việc có sử dụng chúng trong tương lai hay không.

Nhà máy kỹ thuật dụng cụ Ural (UPZ) ở Chelyabinsk, cách Matxcơva 1.500km về phía đông xác nhận Aventa-M là một những sản phẩm của họ và một số máy thở loại này được cung cấp cho Bệnh viện Saint George.

"Chúng tôi không có dữ liệu chính thức về thiết bị được lắp đặt trong khu vực xảy ra hỏa hoạn", phát ngôn viên của UPZ cho hay.

Cùng với lượng máy thở dự trữ ổn định, Nga tăng cường sản xuất thiết bị kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Một số chuyên gia cho biết nhiều máy thở được sử dụng bên ngoài các thành phố lớn ở Nga đã khá cũ. Tuy nhiên Tass cho hay, các máy thở ở St Petersburg vẫn còn mới, vừa được lắp đặt trong tháng này.

KRET cho biêt máy thở của họ vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết và được sử dụng tại các cơ sở y tế của Nga từ năm 2012 mà không có bất cứ lo ngại nào về độ an toàn.

"Chúng tôi đang xem xét các kịch bản khác nhau như tình trạng mạng điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tổ chức y tế, thiết bị y tế và việc tuân thủ các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy", KRET cho hay.

"Chúng tôi kêu gọi truyền thông và các bên quan tâm khác không vội kết luận và chờ kết quả kiểm tra chính thức", công ty này nói thêm.

Song Hy (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/mau-may-tho-nghi-gay-hoa-hoan-o-benh-vien-nga-tung-duoc-gui-sang-my-ar545668.html