Màu mắm ruốc

Sáng, tôi vác cuốc ra ruộng, bước qua bờ mương thì nghe có người hứ hé: Ở nhà quê mà mặc áo màu mè, lựa màu nào hợp với đất như đen, mốc, chớ màu mắm ruốc nhìn thấy gai tinh con mắt. Đầu tóc chờm bờm, diện áo cải lương ra ruộng. Hai người chê chớ không phải một.

Má mua về hai cái áo màu mắm ruốc, dặn: "Cái áo ngắn tay con mặc đi đám tiệc, còn áo dài tay mặc lao động". Má năm nay 80 rồi, còn đi đứng được, hôm má đi chợ thấy người ta bán đồ bành rẻ quá nên mua. Má mua về, tôi mặc cho má vui.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cánh đồng vừa gặt xong, bánh máy gặt đập liên hợp gặm nát bờ ruộng. Tôi mặc áo màu mắm ruốc ra bứng gốc rạ đắp lại bờ giữ nước để sạ lúa vụ tới.

Đắp xong bờ ruộng, trưa về nhận thiệp mời đám cưới. Hôm sau, từ Tuy Hòa, tôi với Sáu Phương, Tám Thắng vô Cà Ná. Đến nơi trời vừa sáng, ngồi uống cà phê vỉa hè thì nghe người gọi từ phía sau: "Anh mặc áo màu mắm ruốc ơi, cho hỏi thăm, đi xuống chợ mấy cây số nữa?". Tôi lưỡng lự thì Sáu Phương trả lời giùm: "3 cây". Tôi cười thầm, đó, màu mắm ruốc bắt mắt nên người lạ gọi nghe mùi tai "anh mặc áo màu mắm ruốc ơi!"; còn Sáu Phương, Tám Thắng mặc áo trắng, họ đâu thèm hỏi thăm.

Rời bàn cà phê, đi bộ trên vỉa hè đến nơi tổ chức đám cưới, chiếc xe tải chạy ngang qua tạt nước dơ dưới đường vô người. Sáu Phương, Tám Thắng đi phía ngoài mặc áo trắng dính nước dơ. Còn tôi đi phía trong cũng bị "văng mảnh" nhưng áo mắm ruốc ít thấy. Ngồi bàn ăn, áo trắng dính nước dơ "có phang có đốm", lạ mắt nên ai cũng nhìn. Tôi… mắc cỡ giùm.

Chỉ mặt luôn, bữa hai người hứ hé chê tôi mặc áo mắm ruốc ra ruộng là Sáu Phương, Tám Thắng, chớ ai!

Về lại nhà trời mưa to, nước từ thượng nguồn chảy xuống, nước lụt ngập đá mái nhà. Nhà Sáu Phương, Tám Thắng trúng luồng nước từ ngoài sông bứng hàng tre chảy đâm thẳng vào, mọi vật dụng trong nhà trôi sạch. Nước lụt rút, đoàn từ thiện đến phát quà mì tôm, áo quần… Sáu Phương, Tám Thắng trúng gói quà có cái áo màu mắm ruốc. Sáng "đồng phục màu mắm ruốc" ra đồng sạ ruộng… Đến giờ tôi mới tin câu "ghét của nào trời trao của nấy" là có thật.

***

Quê tôi ở miền núi, hồi đó đến mùa mưa lũ đường đi lại cách trở sông suối, mùa mưa không làm gì ra tiền, má đi chợ chỉ mua gói mắm ruốc. Bữa ăn hằng ngày "thường trực" mắm ruốc. Đu đủ trộn mắm ruốc. Dích chút mắm ruốc quậy trong nồi nước sôi rồi hái nắm lá giang vò nát bỏ vào thành nồi chua mắm ruốc…

Có lần ngoại bệnh, má lo thuốc thang, sai tôi đi chợ mua mắm ruốc. Bà bán dích cục mắm ruốc đặt lên tấm lá chuối rồi banh to ra bằng ba ngón tay, gói lại… dẹp lép.

Nhà có khách, má chế biến món tổng hợp mắm ruốc, mắm ruốc trộn cải chua, rau nấu canh với xác mỡ, nhưng mấy miếng mỡ heo người ta thắng lấy nước mỡ rồi bán xác lại nấu nồi canh không ngọt, má nêm thêm chút mắm ruốc.

Mắm ruốc lên mâm, bữa ăn cơm phát cho mỗi người cái đòn gỗ ngồi quanh mâm cơm. Mấy người khách ăn lạ miệng, khen ngon… Tôi mừng vì mình có công đi chợ mua mắm ruốc.

Khách đi rồi, bữa cơm chiều, má kể hồi năm một ngàn chín trăm lâu lắc, nhà đông con cháu, dọn cơm, bà ngoại hốt nắm muối hột vãi ra mâm cái rổn. Cả nhà ăn cơm với muối. Có năm mưa lụt kéo dài, đường sá chia cắt, miền núi đứt muối, bữa ăn, cơm cục chấm cơm rời…

Năm sau, ông khách "ngồi đòn" ghé thăm nhà, má né mắm ruốc. Má nấu canh rau lá sắn. Nồi canh tập tàng có lá sắn non, rau bồ ngót, cà giòn với ít thịt ba chỉ. Ngồi quanh bàn tròn ăn trưa, húp nửa chén canh, ông khách góp ý, quậy chút mắm ruốc vô nữa mới đúng bài canh lá sắn.

Về sau đường lên núi trải nhựa, kinh tế gia đình khá giả, má đi chợ mua thịt, cá về kho nấu, nhưng thật cắc cớ, ăn quen cái miệng, vắng vài ngày là thấy thèm mắm ruốc.

Mắm ruốc mới (ruốc đầu mùa) ăn vào ngọt ngay, còn mắm ruốc cũ để lâu ngày hôi kháng (mùi khai của ruốc) phải giã hành tiêu, ớt tỏi, chanh trộn vào.

Tôi lập gia đình, nàng là giáo viên tiểu học. Từ ngày về làm dâu, vợ tôi nắm quyền đi chợ. Lâu rồi không ăn mắm ruốc, tôi biết tháng này có mắm ruốc mới nên dặn vợ đi chợ mua. Nàng hứ: "Ăn cho sướng cái miệng rồi báo đời vợ con".

Tôi ngậm ngùi: "Trời ơi ăn mắm ruốc mà làm như ăn nồi sâm bổ lượng, sướng cái miệng?".

Nàng phân bua: "Không lẽ mua về lén ăn một mình, còn dọn ra, má tuổi già ăn vô tăng xông". Má tôi nghe xong thách: "Bỏ trong cối giã tao cũng chưa chết".

Tôi vẫn biết, mắm nêm, mắm mực, mắm thu…, kính thưa các loại mắm thì mắm ruốc ăn vào không bị tăng huyết áp, nàng kiếm chuyện cằn nhằn. Ăn miếng mắm ruốc không tới đâu mà mặt nặng mày nhẹ nên thôi. Thèm đứt lưỡi đành chịu.

Không biết nàng suy nghĩ gì, tuần sau, sáng nàng đi chợ về, cầm gói mắm ruốc đặt lên bàn chỗ tôi ngồi uống trà ở hàng ba, nói: "Mua về ướp cái miệng ông".

Tôi sững sờ, nàng nói câu đó quá dở, tôi ăn… chết liền.

Trời mưa rả rích, cô Ba hàng xóm (bạn già của má) đội nón mang áo tơi qua chơi. Ngồi ở hàng ba bay mùi mắm ruốc, má kể thường gió mùa đông bắc tràn về trời mưa dầm, ruốc đầu mùa xuất hiện. Đi chợ thấy người ta bán ruốc tươi, ba bữa sau có mắm ruốc mới.

Hồi cất nhà, kẹt tiền mua tôn cũ về lợp, mà tôn cũ đi lợp lại mấy lớp nhà có nhiều lỗ đinh. Tôn cũ thời gian sau mục rách chỗ lỗ đinh, trời mưa dầm, nhà dột ướt chiếu ướt mền, tối ngủ lạnh ngắt. Nhớ lại hồi còn ở nhà cũ, cơn mưa đầu mùa ruốc xuất hiện, nhà dột tứ tung, cái lạnh ngày nào còn chạy dọc sống lưng.

Cô Ba nghe xong nói: "Nghèo nhưng gia đình có phước. Con cái trong nhà hòa thuận, trên bảo dưới nghe, trong ấm ngoài êm…".

Nghe cô Ba nói, tôi buồn thúi ruột. Cô đâu có biết, lúc sáng tôi không nhịn thì trong nhà xung đột vì miếng ăn… mắm ruốc.

***

Tôi và nàng chia tay. Hạnh phúc gia đình đổ bể với 1.001 lý do. Cuộc sống hằng ngày, thấy nàng buồn, tôi kiếm chuyện vui kể cho nàng cười nhưng khi sắp cười thì nàng ráng bặm môi cho nụ cười "chết" trên nét mặt. Tháng đầu sống ly thân, tôi thấy nàng hay gọi điện thoại trực tuyến cho ai đó rồi cười móng chim (đưa cái miệng chếch sang một bên). Mặt nàng tròn mà cười đưa cái miệng sang một bên, giống như cái bánh bèo bị méo.

Nàng gợi ý ly hôn. Tôi làm căng. Bên chín, bên mười… Tôi và nàng chia tay, hàng xóm bất ngờ chuyện có một không hai, vì vợ giáo viên nhận lương hằng tháng mà sao tôi đâm đơn xuống tòa án, chớ phụ nữ ai cả gan chủ động ly hôn. Càng bất ngờ, vợ chồng mấy năm giờ chưa một lần cãi nhau lớn tiếng.

Chia tay, nàng về lại bên kia sông ở xã bên. Cuộc sống của tôi "lớn rồi tự lo". Thấy tôi thui thủi một mình, má đi chợ mua áo màu mắm ruốc cho tôi. Chắc ý má, trên người dính mắm ruốc, nhắc tôi nhớ lại ngày tháng gian khổ để vượt qua.

Buồn, tôi để đầu tóc chờm bờm, uống rượu nhiều. Chiều, bộ ba: Tôi, Sáu Phương, Tám Thắng cứ alô là nhậu. Trước đây, uống xị rượu là bỏ chạy, còn nay ngồi lai rai hai lít là… chuyện nhỏ.

Tôi với Sáu Phương, Tám Thắng có dây mơ rễ má, ba tôi với ba Sáu Phương, Tám Thắng "Ông cố, chung. Ông nội, riêng". Thế hệ chúng tôi, "bà con lâu lắc"!

Sáu Phương tính tình vui vẻ, còn Tám Thắng hơi nghiêm hơn, cả hai thấy tôi hiền nên lúc trước chọc ghẹo, chê tôi mặc áo mắm ruốc ra ruộng.

Hồi nhỏ, nhờ ăn mắm ruốc mà lớn, giờ tôi đã thành người đàn ông trung niên, ăn uống kiêng cữ, tránh xa các loại mắm.

Ở nhà quê uống rượu với mồi khô tự chế biến rồi bày cái bàn trước sân… nhậu. Bữa thì rang đinh 5, bữa thì rang đinh 10, bữa thì đinh chỉ (bộ ba thường gọi, cá cơm ngần là đinh chỉ, đinh năm là cá cơm săn, cá cơm trỏng là đinh mười). Cá cơm khô mặn chằn, tôi sợ tăng huyết áp nên mua ruốc khô về trộn chung với đậu phộng rang, rưới ít nước mắm hành tiêu, ớt tỏi, chanh đường, khử mặn cá cơm.

Chiều nay, Tám Thắng đi xa, thiếu tay nên không rang đinh. Tôi và Sáu Phương vào cái quán núp sau trụ sở thôn… nhậu.

Ngồi nhậu, mới cụng 3 ly, Tám Thắng về alô rồi đến. Bước vào quán, Tám Thắng đưa cho tôi gói quà. Tôi ngỡ ngàng, hỏi quà gì, ở đâu? Tám Thắng nói mở ra rồi biết. Tôi tháo gói quà, bên trong có cái áo màu… mắm ruốc, kèm theo mảnh giấy ghi dòng chữ: "Hôm nay là sinh nhật anh, em tặng chiếc áo".

Uống ly rượu, Tám Thắng kể chiều, chở vợ xuống chợ La Hai thì gặp vợ cũ tôi đi dạy về tranh thủ ghé chợ. Gặp nhau hỏi thăm một hồi, nàng bảo chờ nàng mua gửi món quà. Lúc đưa quà, nàng nói hôm rồi có dịp đi ngang qua cánh đồng, thấy anh Tư (là tôi) từ ruộng về, mặc áo màu mắm ruốc rách "hầm hố", tội quá.

Tôi nghĩ thầm, phụ nữ ra đường bịt mặt, đeo kính nên khó nhận ra ai.

Nhớ lại, hôm rồi tôi cuốc ruộng, nút áo dưới cùng sứt chỉ rớt chìm xuống bùn đâu mất, gió bay vạt áo lè phè, tôi gút hai lai áo lại ôm chặt cái bụng. Lúc cuốc ruộng, giơ hai tay lên cao, áo hơi chật, đồ bành nên chỉ bể rệt rách toạc bên nách. Những vết bùn đen to bằng bàn tay xòe văng lên bám vào hai vạt áo. Hôm đó trời nắng nóng, ngoài bùn đất, cái áo mắm ruốc nặng nửa lạng mồ hôi, nhìn từ xa thấy "hầm hố". "Mà áo lao động rách "hầm hố" là chuyện thường" - tôi tự trả treo với mình.

Xin nhắc lại một lần nữa, mua tặng áo màu mắm ruốc thì xưng anh, còn mua mắm ruốc thì gọi ông. Nói thiệt, vì mải lo cuộc sống làm ăn, buồn đời nữa nên tôi không nhớ ngày sinh nhật mình, vậy mà nàng nhớ.

Lúc ngà ngà say, tôi nhớ nụ cười trên môi nàng da diết.

Truyện ngắn của MẠNH HOÀI NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/mau-mam-ruoc-20191123205619528.htm