Máu khó đông, chàng trai 21 tuổi không thể đi lại, sinh hoạt

Bị chứng máu khó đông từ nhỏ, một thanh niên phải sống suốt trong bệnh viện hàng chục năm và đến nay 2 chân đã liệt

Chiều 24-10, Bệnh viện Thủ Đức (TP HCM) cho hay đang điều trị cho một thanh niên không thể đi lại, sinh hoạt từ nhỏ dù còn đủ chân tay. Đó là anh V.T.Đ. (21 tuổi), bị căn bệnh Hemophilia (máu khó đông) suốt hơn 20 năm qua.

Sinh ra được khoảng 3 tháng thì trên cánh tay Đ. tự nhiên có vết bầm tím dù không bị va đập gì. Anh trai Đ. đã mất từ lúc 4 tuổi cũng với những triệu chứng tương tự. Không muốn mất con thêm lần nữa, gia đình đưa đi thăm khám thì mới biết Đ. mắc bệnh di truyền Hemophilia.

Bệnh viện như trở thành ngôi nhà thứ 2 của Đ. Ngay từ nhỏ, Đ. bị liệt chân phải, cầm cự đến lúc 16 tuổi thì chân còn lại cũng teo tóp rồi liệt luôn.

Chân Đ. teo tóp, không thể đi lại

Chân Đ. teo tóp, không thể đi lại

Theo BS-CKI Võ Tấn Đạt, Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện quận Thủ đức, bình thường, khi bị chảy máu, cơ thể có một cơ chế tự nhiên để cầm máu. Người bị bệnh Hemophilia do thiếu yếu tố đông máu thì có thể bị chảy máu ngay cả khi không bị chấn thương. Trên cơ thể thường thấy tụ máu trong khớp, cơ...

Chảy máu tái diễn tại các khớp hay cơ có thể gây ra biến chứng như teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn tật vĩnh viễn hoặc chảy máu những vị trí nguy hiểm như não, nội tạng... Khi xảy ra tai nạn, nếu không được truyền yếu tố đông máu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc trị.

"Nếu phụ nữ là người mang gen bệnh, con trai của họ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Vì vậy, phụ nữ nếu mắc Hemophilia cần nhận thức đầy đủ về bệnh và nên đi khám để được tư vấn, tầm soát các bệnh di truyền trước hôn nhân và trước khi sinh con" - BS đạt khuyến cáo.

NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/mau-kho-dong-chang-trai-21-tuoi-khong-the-di-lai-sinh-hoat-20201024154035459.htm