'Màu cỏ úa' - Những thước phim tự do về một ngọn gió phiêu bồng

Chúng tôi gọi 'Màu cỏ úa' là cuốn phim quay dài năm tháng, đó không phải là một hành trình làm nên một bộ phim, mà là hành trình tìm kiếm bản thân mình. Thật hạnh phúc khi người dẫn đường cho chúng tôi là Trần Tiến.

LTS.Cuối năm 2020, bộ phim tài liệu âm nhạc dài 80 phút Màu cỏ úa với nhân vật chính là “gã du ca” Trần Tiến đã được công chiếu ở nhiều tỉnh thành. Nhà làm phim Lan Nguyên (Nguyễn Thúy Lan), sinh năm 1990, tuy chưa học qua trường lớp điện ảnh chính quy nào nhưng đã liều lĩnh kiên trì theo đuổi mong ước được trò chuyện cùng Trần Tiến qua ống kính máy quay.

Lan Nguyên cùng với những người bạn của mình đã thực hiện bộ phim với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm. Dưới đây là bài viết Lan Nguyên gửi đến Người Đô Thị để chia sẻ những ngày làm phim, về nhân vật chính của Màu cỏ úa.

***

Có một câu mà tôi liên tục được hỏi sau khi hoàn thành cuốn phim Màu cỏ úa, đó là: bạn nhận được điều gì sau bộ phim này?

Những ngày đầu năm 2021, khi có thời gian suy ngẫm lại hành trình 5 năm gắn bó với bộ phim, tôi thấy mình nhận được quá nhiều, những giá trị về tinh thần mà chắc chắn không phải bạn trẻ làm phim nào cũng nhận được. Màu cỏ úa không phải là một bộ phim về Trần Tiến, mà là tất cả những điều chúng tôi đã nhận được từ Trần Tiến trong suốt 5 năm, đúc kết lại và gửi đến khán giả.

Cuối năm 2020 chứng kiến những sự ngã ngựa của nhiều bộ phim Việt, có những cái tên lớn, có những cái tên trẻ, trong đó có nhiều người mà tôi ngưỡng mộ, vài người bạn mà tôi biết, họ cùng thế hệ với tôi. Màu cỏ úa ra mắt trong thời điểm không ai trông đợi điều gì, bởi chúng ta đã trải qua những thời khắc chậm chạp, buồn bã thê lương nhất, cái người ta trông đợi có lẽ là một niềm hy vọng, một điều ủi an, và phải chăng đó là điều may mắn của cuốn phim này, của chính chúng tôi, và tôi nhận ra rằng tôi là một người trẻ đã quá may mắn trong bộ phim đầu tay.

Bạn biết không, chúng tôi có một trang fanpage tên là Du Côn Ca - đó là cái tên mà bác Trần Tiến đã đặt cho chúng tôi, tôi gọi vui nôm na là “bọn du côn yêu ca hát”. Đối với tôi, Du Côn Ca là một tinh thần, cái tinh thần mà êkip chúng tôi được truyền lại từ Trần Tiến. Đó hẳn là giá trị lớn nhất mà tôi nhận được. Tinh thần của một cơn gió.

Người bạn trong êkip đã vẽ lại hình ảnh chúng tôi ngồi trên chiếc xe jeep với người cầm lái là bác Tiến, chúng tôi như bay qua những cánh đồng, qua khắp mọi miền đất nước, bỏ lại sự tàn úa sau lưng, đó hẳn là ước vọng của chúng tôi, ước vọng về bầu trời, về sự tự do, ước vọng được sống một đời vẻ vang và trọn vẹn - như Trần Tiến.

Giá trị thứ hai tôi nhận được, hẳn là kỷ niệm.

Tháng 5.2015. Tôi còn nhớ chuyến bay đầu tiên của chúng tôi tới Quảng Bình, ở sân bay, ai ai cũng nhận ra Trần Tiến, rôm rả mỗi nơi bác Tiến đi ngang qua. Chúng tôi tránh sự chú ý bằng cách trốn vào phòng hút thuốc, căn phòng toàn đàn ông, một mình tôi ngồi đó, tất cả mọi người ngồi quanh gã du ca, phì phèo thuốc lá, hòa giọng vào giai điệu tếu táo của ca khúc Cho tôi xin một đứa con trai, rồi chúng tôi trễ giờ lên máy bay, nhưng chẳng sao cả, nhân viên sân bay bỏ qua hết vì đó là Trần Tiến. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp chỉ có trong ký ức chúng tôi, bởi lúc đó chúng tôi - những đứa trẻ quá hạnh phúc khi được theo chân người nhạc sĩ nên đã quên ghi hình.

Tháng 6.2015. Bác Tiến gọi cho tôi, nói rằng: “Đi du ca nhé”.

Sáng hôm đó, tôi nhận nhiệm vụ ra sân bay đón đoàn tài tử. Kia là Ngũ Cung. Rồi chúng tôi đi đón Đoan Trang. Và rồi, Hà Trần xuất hiện.

Chúng tôi đến với trang trại cá tầm, một bình nguyên mát lạnh thuộc khu vực thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi.

Không ánh đèn sân khấu.

Không ban nhạc hoành tráng.

Không khán giả mộ điệu.

Tất cả chỉ là những người lao động, công nhân chân lấm tay bùn của khu bình nguyên.

Họ còn không biết trong số những ca sĩ đến đây hát cho họ nghe, có nàng sôcôla nổi tiếng, có ban nhạc rock trẻ tuổi, có những nhạc công hàng đầu Hà Nội, có một diva của âm nhạc Việt Nam... Đó là cách gã du ca kỷ niệm “50 năm đi và viết”.

Giá trị thứ ba tôi nhận được - là lòng can đảm.

Bác Tiến viết ca khúc đầu tiên khi còn chưa biết một nốt nhạc, chỉ yêu nhạc, chả học hành gì vẫn sáng tác, vẫn vác cây đàn đi khắp nước Việt, vẫn viết những câu từ nói lên “sự thật”, vẫn gàn, vẫn hiên ngang.

Và tôi - một đứa con gái không học hành cũng không liên quan đến phim ảnh, không tài trợ, không một xu dính túi, chỉ yêu phim, vẫn rủ rê bạn bè vác máy quay lên và làm phim.

Ngày công chiếu phim ở Hà Nội, chị Trần Thu Hà nói rằng chị bị sốc khi xem phim, vì chị không hề biết chúng tôi ghi hình lúc nào. Lúc đó, tôi sợ chị giận, vì theo luật làm phim thì chúng tôi đã sai khi quay mà chưa xin phép, nhưng chị Hà đã ôm tôi, nhạt nhòa nước mắt, và chị cảm ơn tôi.

Hà Trần và Lan Nguyên.

Hà Trần và Lan Nguyên.

Tôi cho rằng mình đã quá liều lĩnh, dám đụng đến những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam khi còn quá trẻ, cũng chưa có gì trong tay, tôi chả là ai cả, nhưng những người đàn anh thì nói với tôi rằng đó là lòng can đảm. Làm phim cần can đảm!

Giá trị thứ tư - đó là tình yêu thương.

Chúng ta tồn tại bằng tình yêu thương, ai có thể sống khi không có tình yêu?

“Chỉ cần một người yêu ta, cũng quá đủ lý do để sống”, nếu như thế thì tôi có thể sống đến 100 tuổi, bởi sau bộ phim này tôi đã nhận được quá nhiều tình yêu thương.

Những cô những chú cảm ơn tôi vì đã trân trọng người nhạc sĩ mà họ hằng ngưỡng mộ, cảm ơn vì hóa ra thế hệ trẻ vẫn còn nhớ đến thế hệ của họ.

Những người bạn trẻ cảm ơn tôi vì đã mang đến cho họ một ông chú nhạc sĩ quá thú vị, quá tuyệt vời. Họ cảm ơn bộ phim, bởi họ được động viên, họ tìm thấy một niềm an ủi, một nguồn động lực để vượt qua khó khăn của tuổi trẻ.

Một số người lớn hơn cảm ơn tôi vì đã mang họ trở về tuổi thơ.

Ngàn lời cảm ơn, vô số cái ôm, trăm lời động viên, những cuộc gặp gỡ với những con người mà tôi đã ngỡ rằng chỉ có thể gặp họ qua màn hình tivi… tất cả là nguồn năng lượng quá lớn để tôi tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và tiếp tục làm phim.

Bác Tiến đã sống - là một ngọn gió tự do.

Một người nghệ sĩ với vạn ngàn cảm xúc nhưng không ủy mị.

Một người làm bạn với nỗi cô đơn để nhìn cuộc đời.

Một người đong đầy tình yêu, yêu loài người và hát cho con người.

Liệu còn ai dành hơn nửa cuộc đời đi khắp nước Việt để viết, để hát, để ngợi ca, để thấy, để cảm và để đau.

Liệu còn ai leo lên nóc cầu Long Biên hát vang bài ca chiến thắng khi máy bay đang bắn phá Hà Nội.

Liệu còn ai viết và hát về thân phận những con người nhỏ bé nhất.

Liệu còn ai đi lượm buồn vui trong cõi nhân gian!

Chúng tôi gọi Màu cỏ úa là cuốn phim quay dài năm tháng, đó không phải là một hành trình làm nên một bộ phim, mà là hành trình tìm kiếm bản thân mình. Thật hạnh phúc khi người dẫn đường cho chúng tôi là Trần Tiến.

Tất cả, là những kỷ niệm, là những chiêm nghiệm cá nhân của bọn trẻ mới sống được 1/3 cuộc đời như chúng tôi, với người du ca đã đi qua hai thế kỷ.

Có lẽ khán giả đã nhìn thấy và đã đồng cảm.

Những ngày cuối năm 2020, ngồi nghe Tạm biệt chim én, tôi hiểu rõ được điều mình muốn: tôi muốn sống như là gió và làm những bộ phim khiến con người cảm thấy đáng sống.

Bài: Lan Nguyên - Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mau-co-ua-nhung-thuoc-phim-tu-do-ve-mot-ngon-gio-phieu-bong-27701.html