Dạy học tích hợp là xu hướng chung của chương trình môn học mới

Mới đây, Bộ GDĐT công bố chương trình môn học mới. Theo đó, trước khi đưa môn học vào dạy chính thức Bộ GDĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên.

Theo như đánh giá của Bộ GD-ĐT những thay đổi của môn học mới, giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu do có sự chuẩn bị mang tính bước đệm trong thời gian qua.

 Chương trình học môn Ngữ văn là chương trình mở nên liên quan đến thi cử, đề thi cũng bám sát tính mở. Ảnh Hải Nam.

Chương trình học môn Ngữ văn là chương trình mở nên liên quan đến thi cử, đề thi cũng bám sát tính mở. Ảnh Hải Nam.

Chia sẻ về những thuận lợi mà giáo viên dạy chương trình môn Toán nhận được trong quá trình giảng dạy chương trình mới, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt – thành viên môn Toán cho biết: “Trên cơ sở quá trình dạy học, giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được đổi mới. Quan trọng nhất là giáo viên được sự trợ giúp tập huấn, có định hướng thay đổi, cố gắng để giúp học sinh suy nghĩ cần học như thế nào, đi từ đâu, giúp người học kiến tạo nên kiến thức”.

“Chúng tôi tin rằng giáo viên với sự tập huấn chu đáo, cẩn thận của Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý địa phương thì hoàn toàn đáp ứng được”, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên môn Ngữ văn: “Chương trình học môn Ngữ văn là chương trình mở nên liên quan đến thi cử, đề thi cũng bám sát tính mở này chính vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của thi cử là căn cứ vào chuẩn chương trình. Yêu cầu cần đạt trong chương trình chứ không căn cứ vào bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào”.

“Môn Ngữ văn rất nhiều tác phẩm để tự chọn, giáo viên thấy tác phẩm nào hay, đáp ứng chương trình thì đưa vào dạy mà không cần phải lo lắng về việc ra đề. Vận dụng năng lực từ những lý thuyết được học mới là yếu tố quan trọng trong quá trình ra đề thi”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nói.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi kiểm tra, căn cứ vào yêu cầu cần đạt thì sẽ chọn văn bản không có trong sách giáo khoa, từ đó vận dụng các kỹ năng của học sinh. “Vì thế không cần phải lo về việc ra đề. Vận dụng năng lực từ những lý thuyết được học mới là yếu tố quan trọng trong quá trình ra đề thi”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Mai Sĩ Tuấn – Chủ biên chương trình Khoa học tự nhiên, khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình dạy môn Khoa học tự nhiên chính là: “Họ được đào tạo các môn học lẻ mà dạy kiến thức rộng và tổng hợp hơn nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn”, GS.TS Mai Sĩ Tuấn chia sẻ.

Đồng thời, cũng theo PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, một điểm khó khăn nữa là về cơ sở vật chất và sắp xếp thời khóa biểu. “Chúng ta đã quen với việc môn riêng rẽ, thí nghiệm riêng, nay tích hợp vào thì nhà trường cũng gặp khó khăn. Đồng thời, việc sắp đặt phân phối thời khóa biểu… cũng sẽ khá khó”, ông PGS.TS Mai Sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Còn đánh giá về thuận lợi, theo PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, số nước dạy môn Khoa học tự nhiên trên thế giới chiếm số đông nên học kinh nghiệm của họ cũng nhiều. Không phải bây giờ mới nói đến tích hợp mà khái niệm này đã dược đề cập trong thời gian nhất định, trong nhiều năm nay đã có một bước chạy đà. Mô hình VNEN đã xây dựng môn học này nên hoàn toàn ko phải là mới. Vì vậy lần này, nếu có quyết tâm ta sẽ thực hiện tốt.

Giáo viên sẽ được học tín chỉ về tích hợp đó là những chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới, liên quan đến đội ngũ giáo viên.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh: “Đối với những môn học mới ở bậc Trung học cơ sở là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có thể gây ra nhiều lo lắng băn khoăn về giáo viên. Tôi xin khẳng định là giáo viên sẽ được tập huấn, đồng thời cũng sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học. Từ nay đến lúc triển khai chương trình Trung học cơ sở còn 3 – 4 năm nữa nên hoàn toàn đủ sức để chuẩn bị cho đội ngũ này”.

Ngô Chuyên

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/day-hoc-tich-hop-la-xu-huong-chung-cua-chuong-trinh-mon-hoc-moi-241644.html