Mẫu áo cũ trở thành mốt, bị tăng giá mạnh trên mạng

Một số thiết kế ra mắt từ những năm 2000 bỗng được giới trẻ Mỹ yêu thích trở lại.

Theo Input Mag, những chiếc áo hoodie GAP đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ Mỹ ưa chuộng. Trang này cho biết trào lưu Y2K đã ảnh hưởng không ít đến việc lựa chọn quần áo của giới trẻ. Họ bắt đầu tìm kiếm những món đồ cũ, có kiểu dáng cổ điển.

Các loại áo phông, áo hoodie, áo nỉ có in logo GAP trước ngực thường được học sinh Mỹ mặc. Gần đây, chúng bỗng được các tín đồ thời trang lăng xê qua mạng xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là mẫu áo hoodie màu nâu.

 Những chiếc áo cũ được giới trẻ săn tìm. Ảnh: @_anai.dg.xo_.

Những chiếc áo cũ được giới trẻ săn tìm. Ảnh: @_anai.dg.xo_.

Theo đó, một chiếc áo hoodie GAP có giá lên kệ khoảng 60 USD. Tuy nhiên, các thiết kế có màu sắc cổ điển, đúng chuẩn phong cách Y2K đã ngừng sản xuất từ lâu. Điều đó khiến cho áo cũ tăng giá mạnh.

Vài tháng qua, áo hoodie có logo GAP có giá bán cao trên các nền tảng thương mại trực tuyến. Trên Grailed, những chiếc áo hoodie đã qua sử dụng có giá lên tới 300 USD, bất kể màu sắc nào.

Ngoài ra, áo hoodie GAP màu nâu nổi tiếng được rao bán với giá 70-250 USD trên trang Depop. Một số người bán còn để chế độ đấu giá.

Mẫu áo hoodie được rao bán với nhiều mức giá, tùy theo tình trạng và màu sắc. Ảnh: Input Mag.

"GAP vốn là thương hiệu bình dân. Giá đồ đã qua sử dụng đến từ nhãn hàng này chỉ khoảng 10 USD. Xu hướng thời trang giúp chúng trở nên giá trị hơn", cây bút Giovanna Osterman lý giải sự tăng giá nhanh của mẫu hoodie cũ.

Maryam Dust - một người bán được chiếc áo hoodie GAP màu nâu với giá 210 USD - chia sẻ thiết kế này hot nhờ các video thịnh hành. Trước đó, cô bỏ ra 125 USD để mua nó và có ý định bán lại với giá chỉ 70 USD.

Dust bày tỏ: "Không ít người sẵn sàng bỏ số tiền lớn so với giá trị thật của mặt hàng để chạy theo trào lưu. Họ bị ảnh hưởng bởi các gương mặt nổi tiếng trên mạng. Khi một thiết kế khác nổi lên, giá của những sản phẩm thuộc xu hướng cũ sẽ giảm".

Ngọc Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mau-ao-cu-tro-thanh-mot-bi-tang-gia-manh-tren-mang-post1193868.html