Matthew Shepard - Vụ án làm thay đổi nước Mỹ

Cái chết của một sinh viên đồng tính, bị tra tấn và trói vào hàng rào thảo nguyên ở bang Utah hai thập niên trước, đã gây chấn động nước Mỹ.

Ngày 6-10-1998, Matthew Shepard đi bộ vào một quán bar ở Laramie. Sinh viên năm nhất Đại học Wyoming bang Utah vừa gặp gỡ bạn bè để lên kế hoạch tuần nhận thức về người đồng tính và chuyển giới (LGBT) trong khuôn viên của thị trấn.

Sau đó, chàng trai 21 tuổi uống bia một mình trong quán và trò chuyện làm quen với hai công nhân lợp mái tên Russell Henderson và Aaron McKinney - cả hai cùng tuổi với Shepard…

Án mạng do thù ghét

Dave O'Malley, cảnh sát trưởng hạt Albany và người điều tra chính trong vụ án, nói: “McKinney khai anh ta và Russell đi vào phòng tắm tại quán bar và họ cố hành động như họ là gay để lấy lòng tin của Matthew. Và vì vậy, vấn đề định hướng tình dục bắt đầu ngay khi họ bắt đầu làm quen với nhau”. Hai kẻ giết người khai họ có kế hoạch dụ dỗ Shepard vào xe tải của McKinney để cướp.

Khi ở trong xe, McKinney đã rút súng, đánh đập Shepard và thu giữ ví của nạn nhân, trong đó chỉ có 20 USD. Tiếp đến, họ lái xe ra khỏi thị trấn đến một vùng thảo nguyên. Henderson sử dụng dây phơi quần áo để buộc Shepard vào hàng rào gỗ. McKinney bắt đầu dùng súng đánh đập Shepard một cách dã man…

Bố mẹ Shepard tại Quỹ Matthew Shepard ở Denver.

Bố mẹ Shepard tại Quỹ Matthew Shepard ở Denver.

Cảnh sát trưởng O'Malley cho biết Shepard “bị đánh vào đầu và mặt từ 19 đến 21 lần bằng báng của khẩu súng lục rất lớn. Tôi từng thấy những chấn thương kịch tính đó trong các vụ va chạm giao thông tốc độ cao với những vết nứt cực kỳ dữ dội nơi hộp sọ”.

McKinney và Henderson đánh cắp đôi giày da của Shepard rồi bỏ mặc nạn nhân cho đến chết. Shepard bị trói vào hàng rào suốt 18 giờ trong cái lạnh cắt da. Tối hôm sau, một thiếu niên đi xe đạp leo núi và nhận thấy gần đó có những gì giống như là một con bù nhìn hoặc trang phục Halloween. Cậu bé nhận ra đó là một người.

Cựu nữ sĩ quan cảnh sát tuần tra Reggie Fluty, hiện đã 58 tuổi, nhớ lại: “Shepard nằm ngửa với hai cánh tay trói sau lưng” Fluty cố gắng mở miệng của Shepard để làm thông đường thở nhưng không được.

Ngày nay, hàng rào nơi Shepard bị trói đã biến mất từ lâu. Hiện trường vụ án vẫn còn là một cánh đồng lộng gió với cây xương rồng nhưng không có dấu vết gì cho thấy đây là nơi từng xảy ra một cuộc tấn công chết người đã thay đổi nước Mỹ. Shepard bị 4 vết nứt xương sọ do những cú đánh mạnh từ khẩu súng của McKinney.

Cha mẹ nạn nhân nhanh chóng đáp chuyến bay từ Arab Saudi đến bệnh viện Poudre Valley ở Fort Collins bang Colorado. Nhưng, con trai họ không bao giờ tỉnh lại. Shepard chết lúc chỉ mới 21 tuổi, vào ngày 12-10-1998 – chỉ vài ngày kể từ sau vụ tấn công tàn bạo. Cách thức sát hại Shepard đã gây ra sự phẫn nộ quốc gia.

Hai ngày sau khi Shepard qua đời, các chính khách và người nổi tiếng tập trung trên các bậc thang Tòa nhà Quốc hội Mỹ để tiến hành buổi cầu nguyện cùng với hàng ngàn người khác. Tổng thống Bill Clinton lên án những kẻ tấn công là “đầy thù hận hoặc đầy sợ hãi hoặc cả hai”. Đêm thắp nến được tổ chức trên toàn nước Mỹ.

Hàng rào nơi Matthew Shepard bị bỏ lại cho đến chết vào năm 1998.

Tháng 10-2018, một bộ sưu tập các đồ vật cá nhân của Matthew Shepard - do gia đình tặng - được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Viện Smithsonian ở thủ đô của Mỹ. Những bài học đại học của Shepard, kịch bản sân khấu, hình ảnh và đôi dép là một trong những đồ vật xuất hiện trong triển lãm.

Ngày 12-10-2018, hài cốt Shepard được an táng tại Nhà thờ Quốc gia Washington - ngôi nhà tinh thần của quốc gia. Shepard nghỉ ngơi trong hầm mộ của kiến trúc tân gothic bên cạnh những người như cựu Tổng thống Woodrow Wilson, Helen Keller - nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ; và là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật; bà được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20 - và Đô đốc George Dewey, sĩ quan Hải quân Mỹ duy nhất từng đạt được thứ hạng đó. Đó là một vinh dự thậm chí không dành cho nhân vật đồng tính nổi tiếng khác là Harvey Milk - chính trị gia San Francisco bị ám sát năm 1977.

Hai vợ chồng già Judy và Dennis Shepard đã giữ tro cốt của con trai họ ở nhà cho đến năm 2018, một phần do lo ngại bất kỳ đài tưởng niệm nào cũng có thể bị mạo phạm. Judy nói: “Đây là một ân huệ to lớn cho chúng tôi bởi vì Shepard sẽ an toàn và được bảo vệ mãi mãi”. Bà nhớ lại Matt, khi còn là một cậu bé luôn hỏi: “Mẹ có nghĩ rằng con sẽ nổi tiếng vào một ngày nào đó không?”.

Tại thời điểm Shepard qua đời, Judy cho biết con trai bà vừa mới trở lại cuộc sống bình thường sau khi bị tấn công tình dục trong một chuyến đi do trường học tổ chức đến Morocco. Shepard bị một số người dân địa phương cưỡng hiếp ở đó.

Mẹ Shepard nói: “Chúng tôi chỉ cảm thấy như cuối cùng con trai đã trở lại là chính mình. Và rồi chuyện khủng khiếp xảy ra”. Shepard đang học ngành khoa học chính trị và mơ ước trở thành nhà ngoại giao làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Judy cũng chỉ ra rằng con trai bà không được tìm thấy trên hàng rào trong tư thế đóng đinh, như đã được báo cáo sai vào thời điểm đó.

Sự ra đời của “Đạo luật Matthew Shepard và James Byrd Jr.”

Wyoming được coi là một vùng nông thôn cực kỳ bảo thủ. Vụ giết hại Shepard đã cho thấy Wyoming là một khu vực nguy hiểm cho người đồng tính. Tại văn phòng của mình ở thành phố Cheyenne, Dion Custis – luật sư đại diện cho McKinney – vẫn cố lập luận đó là một vụ cướp đã trở nên tồi tệ, ngay cả khi ông chấp nhận xu hướng tính dục là một yếu tố dẫn đến án mạng.

Luật sư nói: “Họ (McKinney và Henderson) về cơ bản chỉ là hai đứa trẻ bị lạc lối. Họ đang sử dụng ma túy đá hàng ngày, ít nhất là hàng tuần trong một khoảng thời gian dài. Những người sử dụng ma túy đá mãn tính bị mất khả năng hành động đúng đắn và có vấn đề về mặt tâm thần”. Tuy nhiên, McKinney vẫn là kẻ tấn công đáng bị nguyền rủa trong mắt nhiều người.

Một buổi cầu nguyện cho Shepard tại thành phố New York năm 1998.

Trong một lần thú nhận với cảnh sát, McKinney khai bắt đầu tấn công khi Shepard có cử chỉ va chạm tay chân trong khi đi xe. Trong một lời khai khác với cảnh sát, McKinney cũng nói rằng Shepard đơn giản trông giống như có ý đồ mò mẫm.

Tại phiên tòa, các luật sư của McKinney lập luận rằng Shepard đã khiến thân chủ của họ nổi cơn cơn thịnh nộ vì hành vi va chạm cơ thể. Nhưng thẩm phán đã bác bỏ tuyên bố có tính “hoảng loạn đồng tính” này.

Một chiến lược pháp lý như vậy - nơi mà các bị cáo hình sự trong các vụ tấn công bạo lực cho rằng họ bị kích động bởi một hành vi tình dục đồng giới không mong muốn - vẫn được chấp nhận ở đa số bang nước Mỹ - theo Viện Williams tại Trường Luật UCLA (Đại học California, Los Angeles).

Gia đình của Matthew Shepard thành lập Quỹ Matthew Shepard, giúp vận động mở rộng luật về tội phạm thù ghét ra cấp liên bang – trong đó bao gồm các hành vi phạm tội bị thúc đẩy bởi khuynh hướng tình dục, giới tính hoặc khuyết tật.

Năm 2009, hai vợ chồng Judy và Dennis đã có mặt ở Nhà Trắng cùng với Tổng thống Barack Obama để chứng kiến “Đạo luật Matthew Shepard và James Byrd Jr.” phòng chống tội phạm thù ghét được ký. Đạo luật - thường được gọi tắt là “Đạo luật Matthew Shepard” hoặc “Đạo luật Shepard/Byrd” – được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 22-10-2009 và Tổng thống Barack Obama đặt bút ký ban hành vào ngày 28-10-2009.

Đạo luật cung cấp điều kiện tài chính và giáo dục cho các cơ quan thực thi pháp luật để đầu tư và truy tố những tội ác có yếu tố thù ghét. James Byrd Jr. là một người đàn ông da đen bị sát hại ở Texas vào tháng 6-1998 bởi 3 đối tượng da trắng tôn sùng thuyết “da trắng thượng đẳng”. Byrd bị xích vào một chiếc xe tải nhỏ rồi kéo lê đi tới chết.

Hàng ngàn người tập trung bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ để cầu nguyện sau cái chết của Shepard.

Cha mẹ của nạn nhân Matthew Shepard cũng đã đi khắp nước Mỹ và hơn hai chục quốc gia khác để vận động ủng hộ quyền LGBT. Nỗ lực của họ đã tạo ra một sự thay đổi lớn lao trong hai thập niên qua ở Mỹ. Khi con trai họ qua đời, hôn nhân đồng giới bị cấm ở mọi bang nước Mỹ. Bây giờ đã có luật bảo vệ người đồng tính. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng cuộc chiến giành quyền bình đẳng của họ chưa kết thúc.

Wyoming nằm trong số 5 bang của Mỹ không có luật hình sự hóa loại tội phạm thù ghét. Ở 15 bang khác, luật hình sự hóa loại tội phạm thù ghét lại không thể hiện rõ ràng xu hướng tình dục của nạn nhân, theo Chiến dịch Nhân quyền - nhóm vận động LGBTQ lớn nhất và tổ chức vận động hành lang chính trị tại Mỹ.

Tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc bảo vệ và mở rộng quyền cho các cá nhân LGBTQ, đáng chú ý nhất là ủng hộ bình đẳng hôn nhân, chống phân biệt đối xử và tội phạm thù ghét và tuyên truyền về HIV/AIDS. Tổ chức cũng tuyên bố rằng người Mỹ thuộc cộng đồng LGBT có thể bị sa thải vì giới tính của họ ở 29 bang.

Nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật

Elton John sáng tác bài hát “American Triangle” (tạm dịch: Tam giác nước Mỹ) so sánh vụ giết người với việc một con nai bị sát hại bởi hai con sói. Đây là ca khúc nhạc phim “The Matthew Shepard Story” (tạm dịch: Câu chuyện Matthew Shepard).

Bộ phim “The Matthew Shepard Story” của đạo diễn Roger Spottiswoode ra mắt trên kênh NBC ngày 16-3-2002; và đoạt một giải Primetime Emmy năm 2002 và giải thưởng của Hội Diễn viên Điện ảnh năm 2003. Bộ phim “The Laramie Project” (Dự án Laramie) của đạo diễn Moises Kaufman ra mắt trên kênh HBO ngày 16-3-2002 - trùng với ngày ra mắt “The Matthew Shepard Story” trên NBC – và đoạt giải NBR năm 2003.

Vở kịch “The Laramie Project” của tác giả Moises Kaufman được diễn lần đầu tại Ricketson Theatre vào tháng 2-2000, sau đó được diễn tại Quảng trường Thống Nhất (Union Square) thành phố New York và tiếp đến ở Laramie, Wyoming. Vở kịch cũng được diễn tại nhiều trường trung học, cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ; cũng như tại những nhà hát chuyên nghiệp ở Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Australia và New Zealand.

Vở kịch đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên “The Meaning of Matthew: My Son's Murder in Laramie, and a World Transformed” (tạm dịch: Ý nghĩa của Matthew: Vụ ám sát con trai tôi ở Laramie, và một thế giới tỉnh giấc, phát hành năm 2009) là tên cuốn tự truyện của Judy Shepard, mẹ của Matthew.

Trong cuốn sách, Judy Shepard kể về những ký ức của gia đình về Matthew, sự kiện bi thảm đã làm thay đổi cuộc đời của gia đình Shepard và cả nước Mỹ, những ngày cuối cùng của Matthew trên giường bệnh viện, ảnh hưởng của truyền thông, và những khó khăn bà đã gặp phải khi làm việc với hệ thống luật pháp Mỹ.

An An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/matthew-shepard-vu-an-lam-thay-doi-nuoc-my-573209/