Mất việc-thất nghiệp, lao động trầy trật mưu sinh

Đại dịch Covid-19 đang gây những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, mà rõ nhất là nỗi lo mất việc-thất nghiệp, vật lộn mưu sinh của người lao động.

Covid-19 gây nên hiện tượng chưa có tiền lệ là lao động mất việc-thất nghiệp tràn lan, cho thấy những “bóng ma” thất nghiệp đang lẩn khuất, có thể tái xuất hiện bất cứ lúc nào. Loạt phóng sự Ám ảnh “bóng ma” thất nghiệp do nhóm phóng viên VOV thực hiện hy vọng có thể chỉ mặt-đặt tên những vấn đề gây nên thực trạng này, tìm giải pháp góp phần hạn chế tối đa thực trạng tiếp diễn - xua đuổi “bóng ma” thất nghiệp quanh ta.

Bài 1: Mất việc-thất nghiệp, lao động trầy trật mưu sinh

Ngày nào cũng vậy, thấy anh em khối văn phòng đi làm về, chị Bùi Thị Nguyệt cũng lao ra cửa hỏi hỏi thăm công việc. Cứ vài ngày công ty Amacao chuyên về xây dựng có trụ sở ở huyện Đông Anh, Hà Nội lại gửi thông báo cắt giảm nhân sự. Ba ngày trước là 5 cán bộ kỹ thuật, trước nữa là 10 công nhân điều khiển máy móc…

Covid-19 gây nên hiện tượng chưa có tiền lệ là lao động mất việc-thất nghiệp tràn lan.

Covid-19 gây nên hiện tượng chưa có tiền lệ là lao động mất việc-thất nghiệp tràn lan.

Ám ảnh "bóng ma" thất nghiệp

Từng bị mất việc làm vì Covid-19 hồi tháng 4 nên chị Bùi Thị Nguyệt lo lắng sẽ thất nghiệp lần hai: "Công ty không có việc đã cho nghỉ hết một loạt, mãi sau mới cho đi làm lại. Covid-19 khiến công ty không lấy được hàng về nên lại cho nghỉ hết nửa tháng. Không có việc, không tăng ca. Cả tháng chỉ được 4,5 triệu chi tiêu trong nhà làm gì đủ. Tôi lên Hà Nội từ tháng 4. Giờ đang lo, lại mất việc ở đây nữa thì mình đi đâu hay trở về nhà nghỉ tạm".

Gần đó, anh Nguyễn Đình Dương cũng trở về phòng trọ sau một ngày dài vất vả làm việc. Ngồi sụp xuống ghế, anh thở dài: "Tôi làm ở một công ty chuyên về xây dựng. Lúc này ai cũng lo lắng. Công ty không nhận được thêm công trình thì mất việc, giờ tìm việc khác cũng vất vả. Về quê thì thêm gánh nặng cho gia đình, nên sẽ cố gắng tìm thêm việc ở ngoài này".

Khi nào thì công ty có thông báo mới? Ai sẽ là người nghỉ việc tiếp theo? Giờ mất việc, nên trở về quê nhà cho gần cha mẹ, vợ con hay lại tha phương tỉnh khác tìm công việc mới…? Hay là cứ tới Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp rồi nghỉ tạm một thời gian, tính tiếp?

Bao suy nghĩ, trăn trở cứ rối cuộn lên trong lòng anh Dương. Tâm trạng này cũng có trong gần chục người còn lại. Họ neo nơi phòng trọ - cùng anh Dương – bấu víu mảnh đất đô thị, vì miếng cơm, manh áo.

"Ngày trước ở đây hơn 40 người, rồi xuống 22 giờ chỉ còn 18-19 người. Có 4,5 người mới về quê tạm nghỉ. Mai kia mà công trình không nhận được việc thì chắc cũng phải tạm nghỉ đấy. Tầm cuối tháng hoặc 15 – 20 này thôi là tôi chắc cũng phải tạm nghỉ", anh Dương buồn bã nói.

Cùng lúc ấy tại thành phố Hồ Chí Minh, ở con hẻm 1047/16 đường Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu quận Thủ Đức, anh Lê Tấn Thiệp vừa soạn mâm cơm sau khi vợ tăng ca trở về. Câu chuyện mỗi tối trong căn phòng trọ 9m2 của vợ chồng anh là những tính toán chi tiêu, cân đo đong đếm để vừa gửi về quê Thái Bình cho ông nội nuôi con gái lớn, vừa đủ bỉm sữa cho em bé mới sinh.

Tình trạng lao động thất nghiệp tăng ở các thành phố lớn.

Trước dịch Covid-19, mỗi tháng anh Lê Tấn Thiệp tăng ca từ 60 - 70 giờ, tổng thu nhập của anh cũng được 11-12 triệu, đủ nuôi 2 con ăn học và chi trả 2 phòng trọ. Nhưng nay mức lương chỉ có 6,5 triệu đồng, không đủ chi phí. Rất may vợ anh làm ở công ty sản xuất xe đạp nên ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thi thoảng vẫn có thêm việc làm. Còn anh Thiệp ít đi làm, ở nhà phụ cùng bà ngoại chăm con, đang chờ sắp xếp để chạy Grab kiếm thêm thu nhập.

"Bây giờ nói thật lương có 6 triệu không đủ sống, còn nuôi vợ, nuôi con, rất khó khăn. Tôi đang tính chạy Grab mà giờ Grab nhiều quá, lại nguy hiểm. Còn vợ thì từ hồi bầu sinh xong, xin tăng ca. Có hôm con ốm, sốt rồi lại phải nghỉ, vẫn đang nằm trong chế độ thai sản mà", anh Thiệp cho hay.

May mắn hơn rất nhiều lao động bị cắt giảm nhân sự, chị Phan Thị Mỹ Duyên, 43 tuổi, công nhân Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Freetrend, Khu chế xuất Linh Trung II, thành phố HCM vẫn duy trì được công việc cũ. Chỉ là mỗi tuần đi làm 4 ngày, không có tăng ca. Hàng ngày chị vẫn đi tìm kiếm việc làm nhưng không ai thuê mướn.

Chồng chị Duyên cũng thất nghiệp mấy tháng qua. Hai vợ chồng chỉ trông cậy vào đồng lương 5,2 triệu đồng của chị để chi trả tiền nhà trọ, sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm chưa có con, chị Duyên dự tính dành dụm để đi điều trị hiếm muộn. Thế nhưng hàng tháng phải gửi tiền cho bố mẹ hai bên, lại phải sửa nhà ở quê nên ước mơ có tiền chạy chữa để tìm được một mụn con càng xa tầm với.

"Nhiều khi ngủ nằm mơ thấy mình có bầu. Cũng mơ ước có con lắm nhưng không được. Bây giờ hoàn cảnh công nhân thất nghiệp, không có tiền, chồng cũng thất nghiệp nên không thể có tiền để dành được. Tôi mong sau mùa dịch này sẽ ổn định hơn, dành dụm được tiền bạc để sinh một đứa con, hoặc xin con nuôi cũng được", chị Duyên bày tỏ.

“Lấy tiền đâu để sống, tiền đâu gửi về quê cho vợ đóng học cho các con…?” là trăn trở lớn nhất với những lao động ngoại tỉnh lúc này. Và họ, lực lượng lao động chính của gia đình vẫn cặm cụi miệt mài khắp các khu công nghiệp, công trường xây dựng, tựa như những con ong chăm chỉ, lăn xả khắp nơi: tìm việc, tìm cơ hội mới cho mình và tìm mang bữa cơm về cho gia đình...

Lao động phổ thông càng khó kiếm việc

Tính đến cuối tháng 6, cả nước có hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Chỉ riêng quý 2, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm hơn 2 triệu người so với cùng kỳ 2019. Đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ.

Lao động phổ thông, chưa có tay nghề kỹ thuật sẽ khó tìm việc hơn trước rất nhiều.

Dịch Covid-19 cũng đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch có nguy cơ lây lan cao.

Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành giáo dục và đào tạo; ngành bán buôn và bán lẻ...

“Lao động phổ thông, chưa có tay nghề kỹ thuật sẽ khó tìm việc hơn trước rất nhiều” là dự báo của Tổng cục Thống kê, Bộ kế hoạch và đầu tư. Còn “không biết ngày mai sẽ ra sao” là nhận định của bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan Hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

"Trước đây người lao động có thể chăm chỉ làm nhờ sức lao động của mình lo cho cuộc sống và cho con cái ăn học thì thời điểm này kể cả họ rất chăm chỉ thì cũng không có cách nào vì việc không có. Các công nhân khác lâm vào tình cảnh không biết ngày mai sẽ ra sao. Các bữa cơm người lao động đã phải giảm, có 21% người lao động phải đổi bữa cơm thành ăn mì tôm", bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

“Không biết ngày mai sẽ ra sao” – có nghĩa, “Bóng ma” thất nghiệp vẫn đang lẩn khuất, chực chờ hiện hữu. “Không biết ngày mai sẽ ra sao” có đồng nghĩa với việc: các ông chủ, bà chủ các công ty, doanh nghiệp và đường lối, chủ trương, chính sách đang “buông bỏ” hàng triệu công nhân-lao động?./.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mat-viecthat-nghiep-lao-dong-tray-trat-muu-sinh-1072141.vov