Mất vài tháng để lắp tên lửa chống bức xạ Mỹ vào máy bay chiến đấu Ukraine

Người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu ngày 19/9 cho biết chỉ mất vài tháng để các nhà thầu quốc phòng trang bị cho các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 thời Liên Xô của Không quân Ukraine loại tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM do Mỹ sản xuất.

Tại cuộc họp bàn tròn hôm 19/9, tướng James Hecker - Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu, phát biểu: “Chúng tôi có một số nhà thầu thông minh có thể biến điều này thành hiện thực (lắp tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM trên máy bay cũ thời Liên Xô). Bây giờ, tên lửa có được tích hợp như trên F-16 không? Dĩ nhiên là không. Tên lửa không có đủ tính năng như được lắp trên F-16”.

Tên lửa chống radar đã tham chiến ở Ukraine?

Trên chiến trường, Nga có thể ngăn cản việc sử dụng tên lửa HARM bằng cách tắt các radar của họ, nhưng điều đó cũng có thể có lợi cho Ukraine, tướng Hecker nói. “Bạn có thể có được ưu thế trên không cục bộ trong một khoảng thời gian, nơi bạn có thể làm những gì bạn cần làm”, ông nói.

Tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận họ đã cung cấp tên lửa tốc độ cao chống bức xạ cho Ukraine. Vài ngày trước đó, các hình ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội Telegram cho thấy các mảnh vỡ của một tên lửa AGM-88 đã phát nổ. Tên lửa này được cho là được Ukraine sử dụng để chống lại các mục tiêu Nga.

Mảnh vỡ của một tên lửa nghi là AGM-88 đã phát nổ ở Ukraine. Ảnh: USAF/Twitter.

Mảnh vỡ của một tên lửa nghi là AGM-88 đã phát nổ ở Ukraine. Ảnh: USAF/Twitter.

Khi đó, ông Colin Kahl - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã đưa vào một số tên lửa chống bức xạ có thể bắn từ máy bay Ukraine. Chúng có thể ảnh hưởng đến radar của Nga và những mục tiêu khác”.

Thời điểm đó, dư luận rất quan tâm việc liệu Mỹ có hỗ trợ Ukraine trang bị tên lửa HARM trên máy bay Su-27 và MiG-29 của họ hay không, hoặc liệu một bệ phóng trên mặt đất mới đã được xây dựng hay chưa.

Các bức ảnh từ trang web RevengeFor - công ty đang gây quỹ cộng đồng để cung cấp vũ khí cho Ukraine - cho thấy một chiếc MiG 29 được trang bị AGM-88. Có thể nhìn thấy bộ điều hợp cho phép tên lửa HARM kết nối với trụ LAU-118 của máy bay, The War Zone đưa tin ngày 16/9.

Quân nhân Mỹ cố định một tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 trước khi đưa nó lên máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 tại Căn cứ Không quân Misawa, Nhật Bản, ngày 6/12/2021. Ảnh: US Air Force.

Ngày 19/9, tướng Hecker từ chối bình luận về việc nhà thầu nào đã tích hợp tên lửa HARM vào máy bay Ukraine. Ông cười hỏi: “Nếu bạn là nhà thầu đó, bạn có muốn Nga biết không?”.

Trong suốt cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã bắn hạ ít nhất 55 máy bay Nga, chủ yếu sử dụng tên lửa đất đối không SA-10 và SA-11, tướng Hecker nói. Nếu tính các tổn thất trên mặt đất, con số đó lên tới hơn 60 máy bay chiến đấu.

Một máy bay chiến đấu phản lực MiG-29 của Không quân Ba Lan được chụp ngày 21/9/2021. Ảnh: US Air Force.

Trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, một trong những yêu cầu lớn nhất của Ukraine là bổ sung các tên lửa SA-10 và SA-11, tướng Hecker cho biết. Tuy nhiên, loại tên lửa đó do Liên Xô sản xuất và không có trong kho dự trữ của Mỹ.

Những tổn thất trong chiến đấu của Không quân Nga trước Ukraine - một lực lượng nhỏ hơn và ít nguồn lực hơn đáng kể - là minh chứng cho mối đe dọa từ tên lửa đất đối không, khi được triển khai với số lượng lớn.

Nga đã thất bại chiến thuật quan trọng khi không thực hiện nỗ lực tập trung để đánh bại các hệ thống phòng không của Ukraine ngay từ đầu cuộc xung đột. “Đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, tướng Hecker nói.

Một tên lửa AGM-88 HARM gắn trên cánh chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm F/A-18C. Nguồn: Wikipedia.

Tên lửa không đối đất tìm diệt radar

AGM-88 HARM (HARM: High-speed Anti Radiation Missile: Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ) là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để dẫn đến mục tiêu dựa vào phát xạ điện tử kết hợp với hệ dẫn radar của tên lửa không đối đất, theo Wikipedia.

Tên lửa này ban đầu do hãng Mỹ Texas Instruments (TI) phát triển nhằm thay thế cho các thế hệ tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard ARM. Việc sản xuất sau đó được thực hiện bởi Raytheon Corporation khi hãng này mua TI.

AGM-88 có thể phát hiện, tấn công và phá hủy một ăng ten radar hoặc một trạm phát. Hệ thống dẫn, hướng đến trạm phát radar của đối phương, có một ăng ten cố định và một bộ tìm kiếm nằm ở phía đầu của tên lửa. Một động cơ rốc-két sử dụng thuốc phóng rắn, không khói đẩy tên lửa đạt đến tốc độ Mach 2. HARM là chương trình được phục vụ Hải quân Mỹ.

Tên lửa HARM được phê chuẩn chính thức sản xuất vào tháng 3/1983 và được triển khai vào cuối năm 1985. Lần đầu tiên nó được sử dụng chiến đấu là để chống lại vị trí đặt tên lửa SA-5 của Libya vào tháng 3/1986. HARM được sử dụng rộng rãi bởi Hải quân Mỹ và Không quân Mỹ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Tên lửa AGM-88 đang trên đường vận chuyển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Loại mới nhất đã được nâng cấp là tên lửa AGM-88E AARGM (viết tắt của Advanced Anti Radiation Guided Missile: tên lửa dẫn hướng chống bức xạ tiên tiến). Đây là dự án kết hợp giữa Bộ quốc phòng Mỹ và Bộ quốc phòng Ý.

Thái An (theo Breaking Defense, War Zone)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mat-vai-thang-de-lap-ten-lua-chong-buc-xa-my-vao-may-bay-chien-dau-ukraine-post1471090.tpo