Mát trong giếng nước quê nhà

Ở quê, bà nội sống một mình trong căn nhà 5 gian dưới bóng cây nhãn già râm mát. Qua khoảng sân rộng lát bằng gạch bát là tới chiếc giếng khơi tròn vành vạnh như cạp nia xảy thóc.

Mỗi lần về quê, Tú thích được chụm tay vục những vốc nước mát lạnh múc từ giếng lên ấp vào mặt. Bà khẽ gọi vào nhà nhưng Tú vẫn đặt đôi bàn tay trong chiếc thau đồng để cảm giác thích thú cứ mơn man lấy da thịt như thuở còn thơ bé.

Ngày trước, cứ mỗi dịp hè là bố lại đưa Tú về thăm ông bà. Được về quê như chim sổ lồng, tha hồ chơi cùng anh em họ hàng. Khoảng sân, khu vườn rộng là nơi cậu bé thành phố thỏa sức khám phá nô đùa. Duy chỉ có sân giếng bé con con cạnh cây bưởi quả sai lúc lỉu là ông bà cấm Tú ra nếu không có người lớn ở bên. Nhưng cái trò trẻ con càng cấm thì chúng lại càng tò mò. Tú nghe theo các anh, đúng hôm ông bà đi vắng thì bắt cóc thả xuống giếng rồi dùng dây để câu. Lúc sau, bố Tú về, thấy cu cậu cùng đám trẻ hí hoáy bên thành giếng liền quát lớn. Bọn trẻ sợ quá chạy tán loạn, còn Tú đứng chơ vơ bên thành giếng. Vì trò nghịch dại ấy mà Tú bị bố... dọa thả xuống giếng. Sau lần ấy, Tú sợ lắm, chẳng còn dám ra sân giếng nữa. Thương đứa cháu nhỏ, bà an ủi rồi kể lại câu chuyện về chiếc giếng khơi của gia đình.

Ngày bà về làm dâu chiếc giếng đã có rồi. Cụ nội là thầy đồ lại biết cả địa lý. Ngắm nghía mãi mảnh đất hương hỏa, cụ mới chọn được vị trí đào giếng ở trước nhà chếch về hướng Đông Nam. Cụ thuê thợ đến đào chỉ độ dăm mét đã thấy nước rỉ ra. Đất đào đến đâu là quây đá ong đến đó. Ngày hoàn thiện, cụ cẩn thận thả kim ngân, gạo, muối, cầu cho mạch nước được khơi thông, giếng đầy ăm ắp. Quả đúng là mạch quý nên nước ngon nức tiếng cả làng. Ngày ấy, cụ Cử cáo quan về quê mê uống chè pha nước giếng khơi. Nhưng ngặt nỗi đào được giếng nào là hỏng giếng ấy. Biết nhà cụ Đồ có giếng nước quý liền cẩn thận bưng trầu cau mang sang nhà khấn các cụ gia tiên, thưa chuyện xin nước giếng. Cảm cái sự trịnh trọng ấy, cụ Đồ đáp lễ bằng việc hằng tháng đôi dịp tự tay quạt nước pha trà mời bạn đồng môn. Rồi cụ dặn con cháu khi người nhà cụ Cử sang thì múc nước giúp, đồng thời phải giữ gìn cẩn thận không được làm vấy bẩn nguồn nước.

Câu chuyện xưa cứ theo Tú suốt những năm tháng tuổi thơ. Lớn lên một chút, ông bà không còn giữ Tú ra giếng nữa. Khi Tú theo chú thím ra đồng về, chân tay lấm lem, bà liền múc cho gàu nước đầy để rửa. Chiều xuống, sau khi đẩy xe rơm về, Tú lại ra sân giếng giội những gàu nước mát lạnh lên người xua tan bao ngứa ngáy bụi bặm. Nhớ ngày cưới cô Út, sân giếng nhộn nhịp người qua lại múc nước rửa rau, thịt lợn, làm gà. Đám cỗ mấy chục mâm, vợi bao nhiêu mà nước giếng không bị đục. Có năm nắng hạn, mưa ít, người trong xóm mang thùng lớn thùng bé đến xin nước giếng về dùng. Cả xóm ăn chung mà nước giếng vẫn cứ đầy ăm ắp.

Trải qua năm tháng, thành giếng mọc nhiều rêu, bong tróc, nhưng mạch nước vẫn vậy. Mấy lần về quê, bố Tú nói: “Thời này ai còn dùng đèn dầu, nước giếng nữa”. Bà tủm tỉm bảo rằng: “Tôi dùng lâu quen rồi, ăn nước giếng ngon hơn, không lờ lợ nước máy như trên nhà anh”. Chiều bà nội, bố cũng không nỡ bỏ giếng nhưng lắp trên thành chiếc máy bơm, chỉ bật tách một cái là hút được nước lên, không phải nhọc công múc từng gàu. Giếng cũ không bị lấp đi, Tú vẫn còn niềm vui nho nhỏ được dùng nước giếng khơi mỗi dịp về quê. Cạnh sân giếng nhỏ, giàn thiên lý vẫn nở đầy hoa soi bóng rung rinh dưới nước. Tú đứng bên thành giếng rửa mặt rồi nghển cổ hít thật sâu hương hoa để cảm nhận cái thư thái thanh bình nơi quê nhà, lòng thêm yêu bà, yêu giếng nước...

DUY NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mat-trong-gieng-nuoc-que-nha-598555