Mặt trời sẽ hóa thành quả cầu pha lê khổng lồ?

Mặt trời sẽ hóa thành quả cầu pha lê tinh khiết, rực rỡ giữa trời đêm qua ống kính viễn vọng của một nền văn minh ngoài trái đất nào đó 10 tỉ năm sau.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature đã tiết lộ cái chết lộng lẫy có thể xảy đến với mặt trời, thông qua các dữ liệu thu thập được từ cái chết của hàng vạn ngôi sao lớn khác.

Một ngôi sao lùn trắng kết tinh - ẢNH ĐỒ HỌA CỦA TIẾN SĨ MARK A. GARLICK

Một ngôi sao lùn trắng kết tinh - ẢNH ĐỒ HỌA CỦA TIẾN SĨ MARK A. GARLICK

Nhờ vào siêu vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nhóm khoa học gia từ Đại học Warwick (Anh) đã nghiên cứu 15.000 ngôi sao lùn trắng trong bán kính khoảng 300 năm ánh sáng kể từ trái đất và phát hiện một số ngôi sao đã có kết thúc tuyệt đẹp khi kết tinh thành một khối pha lê tinh khiết khổng lồ.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy khi một ngôi sao giống như mặt trời dần tàn lụi, nó sẽ biến thành sao lùn trắng. Nhưng nhóm nghiên cứu Anh phát hiện rằng hình dạng sao lùn trắng có thể chỉ là một phần của một quá trình biến chuyển tuyệt đẹp.

"Tất cả các sao lùn trắng sẽ kết tinh tại một số điểm trong quá trình tiến hóa của chúng" – tiến sĩ vật lý thiên văn Pier-Emmanuel Tremblay, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong giai đoạn đầu của cái chết, nhiệt lượng tiềm ẩn sẽ được giải phóng khỏi lõi của chúng với số lượng lớn, làm chậm đáng kể quá trình tự lạnh đi của sao lùn trắng. Nhưng ngôi sao vẫn sẽ lịm dần đi và đến một mức độ nào đó, chất lỏng nóng chảy trong lõi sẽ bắt đầu đông đặc lại, carbon và oxy của ngôi sao bắt đầu chuyển sang dạng tinh thể.

Quá trình kết tinh này sẽ mặc chiếc áo pha lê tuyệt đẹp cho ngôi sao khiến nó đủ sức tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời dù đã chết. Các bước nghiên cứu về tiến hóa sao cho thấy quá trình ngôi sao phải đối đầu với nhiệt từ bên trong lõi để lạnh đi có thể kéo dài đến 2 tỉ năm. Đó là lý do chỉ những ngôi sao đã chết rất lâu mới có được vẻ ngoài như quả cầu pha lê.

Một trong những ví dụ tuyệt hảo cho quá tình kết tinh này là Van Maanen's Star, tức ngôi sao của Van Maanen – tên người phát hiện ra nó vào năm 1917. Từ trái đất, chúng ta có thể quan sát quả cầu tuyệt đẹp và rất sáng này trong chòm Song Ngư. Ước tính cả thiên hà Milky Way của chúng ta có hàng tỉ ngôi sao pha lê như thế.

Hình ảnh thực chụp một phần chòm Song Ngư với Van Maanen's Star là ngôi sao nhỏ được khoanh tròn. Nhìn từ trái đất, ngôi sao trông rất nhỏ vì nó cách chúng ta đến 14.02 năm ánh sáng - ảnh: ASTRONOMY

Khả năng mặt trời – ngôi sao mẹ của trái đất – hóa thành quả cầu pha lê lên đến 97%. Sự biến đổi này sẽ mất đến 10 tỉ năm. Khi đó, sự sống trái đất đã tàn lụi từ lâu theo cái chết của ngôi sao mẹ, nhưng nếu một nền văn minh ngoài trái đất nào phát triển ở mức độ như chúng ta bây giờ, họ có thể quan sát thấy mặt trời pha lê tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm y như cách chúng ta đang ngắm Van Maanen's Star.

A. Thư (Theo The Telegraph, Live Science)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/mat-troi-se-hoa-thanh-qua-cau-pha-le-khong-lo-20190110153051407.htm