Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc nóng gấp 7 lần Mặt trời thật

Trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển 'Mặt trời nhân tạo' đạt tới mức nhiệt độ 100 triệu độ C, nóng gấp 7 lần Mặt trời thật.

Viện Vật lý Plasma thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm Lò phản ứng thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak (EAST).

Đây được xem là bước tiến đột phá mở đường cho việc phát triển năng lượng sạch thông qua phản ứng nhiệt hạch, trong bối cảnh các nguồn năng lượng dự trữ trong thiên nhiên của Trái đất đang dần cạn kiệt.

Lò phản ứng thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak, với chiều cao 11m, đường kính 8m và trọng lượng 400 tấn, nhằm mục đích cung cấp năng lượng sạch bằng sử dụng deuterium và tritium có sẵn trong nước biển để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân trong điều kiện nhiệt độ cao.

Bên trong khoang từ tính dùng để chế tạo Mặt trời nhân tạo. (Ảnh: CNS)

Bên trong khoang từ tính dùng để chế tạo Mặt trời nhân tạo. (Ảnh: CNS)

Lò phản ứng nhiệt hạch còn được biết đến với biệt danh “Mặt trời nhân tạo” do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo này đạt nhiệt độ lên tới 100 triệu độ C với công suất sinh nhiệt 10 megawatt.

EAST là một chiếc máy lớn hình tròn đặt bên trong một chiếc hộp tròn. Nó được thử nghiệm ở đảo Khoa học, tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc.

Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc có thể đạt tới mức nhiệt độ đáng kinh ngạc là 100 triệu độ C, nóng gấp 7 lần Mặt trời thật. Lõi Mặt trời thật có nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C.

Trước đó, hồi đầu năm 2017, tờ International Business Times cho hay, Đức khởi động “Mặt trời nhân tạo lớn nhất thế giới” có thể tạo ra năng lượng lớn gấp 10.000 lần bức xạ Mặt trời chiếu đến Trái đất và đạt nhiệt độ 3.000 độ C.

Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công “Mặt trời nhân tạo”.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mat-troi-nhan-tao-cua-trung-quoc-nong-gap-7-lan-mat-troi-that-a411008.html