Mặt trời – Nguồn năng lượng bất tận

Những ngày hè oi bức ngột ngạt khiến các thiết làm mát tiêu tốn một lượng điện khổng lồ. Trong khi đó, hóa đơn điện tăng là chủ đề còn nóng hơn thời tiết. Nhưng tất cả sẽ được giải quyết khi mỗi gia đình, mỗi cá nhân biết tận dụng nguồn năng lượng bất tận từ mặt trời.

Israen quốc gia nhỏ bé ở vùng Trung Đông nổi tiếng với kỷ lục tháp pin mặt trời Ashalim cao nhất thế giới. Mặc dù phải bỏ ra chi phí tới 570 triệu USD nhưng chính phủ Israen vẫn quyết tâm chuyển dịch dần từ nhiệt điện sang điện mặt trời. Tính tới năm nay, điện năng lượng mặt trời đã cung cấp được 10% trong tổng số điện năng tiêu thụ của nước này.

Năng lượng mặt trời, bức xạ ánh sáng và nhiệt từ Mặt trời, đã được con người khai thác và sử dụng theo nhiều cách khác nhau từ thời cổ đại tới nay. Bức xạ mặt trời, cùng với tài nguyên phái sinh như sức gió và sức sóng, sức nước và sinh khối, tạo nên nguồn năng lượng tái tạo bất tận của Trái Đất. Tuy nhiên, con người mới chỉ có thể khai thác và sử dụng một phần rất nhỏ của năng lượng mặt trời có sẵn trong tự nhiên.

Tưởng như rất dễ nhưng việc xây dựng hệ thống khai thác năng lượng mặt trời gặp phải vô vàn cản trở. Thứ nhất là về chi phí đầu tư, việc xây dựng một nhà máy điện mặt trời đắt gấp 2-3 lần so với xây dựng một nhà máy thủy điện cùng công suất. Thứ hai, việc khai thác năng lượng mặt trời đã đành nhưng việc lưu trữ nguồn năng lượng này không hề đơn giản bởi lẽ ban đêm làm sao có nắng. Điều đó làm cho nhiều quốc gia, nhiều tổ chức ái ngại khi đầu tư vào việc khai thác nguồn năng lượng sạch này.

Tại Việt Nam mặc dù chính phủ, các bộ ngành và địa phương có những chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời. Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch và mục tiêu cho điện mặt trời quyết định này đã nêu rõ: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030; Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Tuy nhiên, cho tới nay việc phát triển nguồn năng lượng sạch này hầu như chưa được quan tâm đúng mức và phát còn khiêm tốn. Tính tới cuối năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 8 nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời và chưa đầy 50 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất vỏn vẹn 2.300MW đấu nối vào lưới điện quốc gia. Thực tế này còn cách xa so với kế hoạch và kỳ vọng của chính phủ.

Rõ ràng nhu cầu sử dụng điện năng của đất nước sẽ ngày một tăng cao, trong khi đó các nhà máy thủy điện hay nhiệt điện đã xây dựng quá nhiều và bị lên án mạnh mẽ do gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến hệ sinh thái. Chính vì thế những nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo như điện mặt trời sẽ là hứa hẹn giúp cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Tuy vậy, việc đầu tư xây dựng những khu khai thác năng lượng mặt trời tầm cỡ như Israen sẽ rất khó huy động vốn.

Giải pháp tối ưu nhất hiện nay để phát triển việc khai thác năng lượng mặt trời ở Việt Nam đó là xã hội hóa: các công sở, trường học, công ty, đường phố… triển khai lắp đặt các thiết bị chiếu sáng công cộng sử dụng pin mặt trời; mỗi gia đình nên đầu tư trang bị và lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời và các tấm pin mặt trời kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực, toàn xã hội sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ và giảm đi sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng khác.

Trong những ngày qua, dư luận xã hội không ngừng xôn xao bàn tán về tình trạng hóa đơn điện tăng bất thường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể và quyết liệt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy vậy, sự phụ thuộc quá lớn vào các nguồn năng lượng truyền thống cộng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện sẽ là một bài toán khó trong việc giảm chi phí cho điện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện nay các thiết bị khai thác năng lượng mặt trời rất đa dạng với nhiều mẫu mã có cả sản phẩm sản xuất trong nước lẫn sản phẩm nhập khẩu. Tính trung bình theo giá thị trường hiện nay, một đèn led chiếu sáng công cộng sử dụng pin mặt trời có giá giao động trên dưới 1 triệu đồng, một bình nước nóng năng lượng mặt trời 200L có giá từ 6-7 triệu đồng, một tấm pin mặt trời cung cấp 200W/giờ có chỉ từ 3,2 triệu đồng, một chiếc quạt năng lượng mặt trời cũng chỉ hơn 1 triệu đồng.

Như vậy chỉ cần bỏ ra chừng 12-13 triệu đồng là một gia đình đã có thể đáp ứng các nhu cầu điện sinh hoạt cần thiết hàng tháng. Nếu đấu nối vào lưới điện quốc gia, nguồn điện năng lượng mặt trời dư thừa còn là nguồn thu đáng kể cho gia đình. Hoặc nếu có điều kiện, các gia đình có thể đầu tư thêm điều hòa sử dụng năng lượng mặt trời 12.000BTU với giá chỉ từ 15 triệu đồng.

Khi những cột đèn cao áp được thắp sáng mỗi đêm bằng năng lượng mặt trời, những mái nhà được phủ kín tấm pin mặt trời và các gia đình sử dụng nước nóng từ thái dương năng thì chắc hẳn giấc mơ về một xã hội phát triển bền vững sẽ dần trở thành hiện thực trên mảnh đất hình chữ “S”. Xã hội thay đổi khi mỗi người thay đổi, xã hội phát triển bền vững khi mỗi thành viên biết sống cho tương lai.

Nhật Nguyên - Hàn Sơn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mat-troi-%E2%80%93-nguon-nang-luong-bat-tan-77637