Mặt trăng thực sự có màu gì?

Khi đi dạo vào ban đêm, không khó để biết mặt trăng đang ở đâu khi ngước lên bầu trời. Giữa những vì sao lấp lánh tỏa sáng, mặt trăng vẫn là thiên thể nổi bật nhất trên bầu trời, là cảm hứng của biết bao bài hát và những người yêu nhau trên khắp địa cầu. Nếu bạn đã từng hỏi những người xung quanh về màu sắc của mặt trăng, bạn có thể nhận được nửa tá câu trả lời.

Khi đi dạo vào ban đêm, không khó để biết mặt trăng đang ở đâu khi ngước lên bầu trời. Giữa những vì sao lấp lánh tỏa sáng, mặt trăng vẫn là thiên thể nổi bật nhất trên bầu trời, là cảm hứng của biết bao bài hát và những người yêu nhau trên khắp địa cầu. Nếu bạn đã từng hỏi những người xung quanh về màu sắc của mặt trăng, bạn có thể nhận được nửa tá câu trả lời.

Vàng? Trắng? Da cam? Xám? Đỏ? Hay thậm chí cả xanh.

Sự thật là tất cả những câu trả lời trên đều đúng (cho mặt trăng) tùy thuộc vào bối cảnh, thời điểm về đêm, bạn ở đâu trên trái đất và cả mức độ sạch sẽ của không khí. Dù vậy, có lẽ bạn vẫn cần các chuyên gia từ ScienceABC giải thích thêm một chút.

Màu sắc thực sự

Mặt dù xuất hiện với nhiều màu khác nhau tại những thời điểm khác nhau, hình ảnh chính xác nhất về màu của mặt trăng lại đến từ việc… bạn đoán nó… là mặt trăng. Rắc rối quá phải không?

Khi xem lại những bức ảnh về sứ mệnh đổ bộ mặt trăng của tàu Apollo (1969-1972), cảnh quan trông khá ảm đạm. Không giống như trái đất với muôn vàn màu sắc và vô số dải quang phổ nhìn thấy được, chẳng hề có không khí, nước hay sự sống trên mặt trăng.

Trên mặt trăng, bạn sẽ tìm thấy magiê, sắt, canxi, nhôm, oxy, silic, tràng thạch và pyroxen. Điểm chung của những khoáng chất cơ bản này, giống như bụi, chúng là một màu xám tẻ nhạt. Khi bạn nhìn vào những bức ảnh, thật khó để tin rằng họ đã không chuyển những bức ảnh này sang trắng- đen, nhưng khi bạn nhìn thấy những màu sắc lấp lánh của lá cờ trên bộ trang phục của một phi hành gia, hoặc ánh đồng phản chiếu trên phi thuyền Apollo, chúng ta biết đây là thực tế. Và mặt trăng… có màu xám.

Trên bề mặt của mặt trăng, tất cả trông khá đồng nhất, nhưng khi nhìn từ trái đất, chúng ta thấy rất nhiều đốm đen và "địa hình" lồi lõm trên mặt trăng. Mặt trăng đã từng được đặc trưng bởi lượng lớn các hoạt động núi lửa, và hầu hết các loại đá được tìm thấy trên mặt trăng là núi lửa trong tự nhiên. Tuy nhiên, những đợt phun trào lớn cũng để lại "vết sẹo" trên bề mặt của mặt trăng (được biết đến với tên gọi The Lunar Maria). Những khu vực này ít phản chiếu hơn phần còn lại của mặt trăng, khiến mặt trăng "đầy sắc màu" đa dạng.

Không phải lúc nào cũng màu xám. Vì sao?

Mỗi màu sắc ta nhìn thấy trên hành tinh này đều là sự phản xạ ánh sáng từ vật chất đó. Thời điểm ban ngày, màu sắc được cung cấp bởi ánh sáng mặt trời. Không chỉ soi rọi và phản chiếu mọi thứ, ánh sáng mặt trời còn bị tác động bởi bầu khí quyển. Sự đa dạng của các hạt trong không khí có thể khúc xạ và tán xạ các bước sóng khác nhau của ánh sáng, do đó thay đổi màu sắc của ánh sáng chúng ta thấy.

Điều tương tự cũng xảy ra với ánh sáng từ mặt trăng. Ánh sáng mặt trời được phản chiếu từ bề mặt mặt trăng và sau đó chiếu xuống trái đất, rõ ràng là khá "vòng vèo".

Khi mặt trăng là là trên bầu trời, gần đường chân trời, ánh sáng từ nó đi qua nhiều lớp không khí, ánh sáng tím và xanh lục của quang phổ bị tán xạ. Do đó, chúng ta thấy mặt trăng có màu cam hoặc hơi đỏ. Còn khi mặt trăng ở xa hơn, ánh sáng ít bị ảnh hưởng bởi khí quyển, do đó, dường như mặt trăng có màu vàng, hoặc đâu đó giữa màu trắng và xám.

Vào ban ngày, mặt trăng vẫn hiện diện trên bầu trời. Lúc này, mặt trăng mang một màu trắng nhạt, chắc chắn không phải màu vàng. Nguyên nhân vì ban ngày, ánh sáng từ mặt trăng phải cạnh tranh với ánh sáng mặt trời (nghe qua có vẻ không cân sức rồi), ánh sáng mặt trời được tán xạ bởi các hạt trong khí quyển, do đó làm giảm đi tối đa sự hiện diện của mặt trăng.

Hỏi thật này, bạn đã từng nhìn lên bầu trời để tìm kiếm mặt trăng vào giữa trưa chưa?

Trăng tròn, trăng xanh, siêu trăng và các hiện tượng khác

Nhiều người ngay lập tức nghĩ đến trăng rằm trung thu và siêu trăng như một ví dụ để chứng minh sự "kỳ quái" của mặt trăng. Điều này quả không sai, màu sắc của mặt trăng thường có thể gây sốc. Tuy nhiên, sẽ luôn có những giải thích thỏa đáng, thậm chí cho cả trăng máu và trăng xanh.

Tùy thuộc vào thành phần của khí quyển ở một nơi nhất định, những quang phổ ánh sáng khác nhau có thể được phân tán, do đó thay đổi màu sắc của mặt trăng trong đôi mắt của bạn. Nếu bạn đang ở trong một thành phố bị ô nhiễm nặng nề, thường bạn sẽ chỉ thấy mặt trăng một màu vào mọi đêm trong năm.

Bởi vì ánh sáng từ Mặt trăng mà ta nhìn thấy từ Trái đất chỉ là phản chiếu của ánh sáng Mặt trời, nên phụ thuộc vào vị trí của ba thiên thể này trong quỹ đạo, kích thước, độ sáng hay màu sắc của Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất có thể khác biệt so với những ngày bình thường. Trăng tròn, trăng xanh, siêu trăng, trăng máu, nhật thực và cả nguyệt thực nữa đều chỉ là những trường hợp đặc biệt, không hơn không kém.

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi thú vị này thực sự là khá đơn giản. Mặt trăng trông xám trong các hình ảnh bởi vì nó thực sự như vậy, nhưng chúng ta có thể sẽ không bao giờ nhìn lên bầu trời và thấy một mặt trăng hoàn toàn màu xám. Vì bầu khí quyển luôn hiện diên quanh ta, cho đến khi con người tìm ra một cách để loại bỏ các chất ô nhiễm và bụi từ không khí, người hàng xóm thiên thể gần gũi nhất của chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi màu sắc.

Nhớ rằng, màu sắc- giống như rất nhiều những thứ khác trong cuộc sống - tất cả là về quan điểm!

Ngay cả điều bạn nhìn thấy, đôi khi cũng không phản ánh đúng đắn bản chất của hiện tượng.

James Binh

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2003756/mat-trang-thuc-su-co-mau-gi