Mặt trận mới trong cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump cản trở dịch vụ bưu chính để ngăn việc bỏ phiếu qua thư còn ông Trump cho rằng hình thức bỏ phiếu này dễ gây gian lận.

Phe Dân chủ Mỹ hôm qua (16/8) đã gia tăng sức ép đối với chiến dịch cắt giảm chi phí bưu chính của Tổng giám đốc Cơ quan Bưu chính Mỹ (USPS) Louis Dejoy do Tổng thống Trump bổ nhiệm, vì lo ngại khả năng các lá phiếu gửi qua thư sẽ bị chuyển phát chậm trong cuộc bầu cử sắp tới.

Một điểm bỏ phiếu qua đường bưu điện tại bang Maryland. Ảnh: Getty Images.

Một điểm bỏ phiếu qua đường bưu điện tại bang Maryland. Ảnh: Getty Images.

Phe Dân chủ đòi điều tra

Cùng với đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã kêu gọi các nghị sỹ Mỹ nhóm họp trong những ngày tới để bỏ phiếu về một dự luật bảo vệ Cơ quan Bưu chính Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi USPS cảnh báo một số lượng lớn phiếu bầu gửi qua thư có thể không đến kịp thời để được tính vào cuộc bầu cử

Các nghị sỹ Dân chủ hàng đầu tại Quốc hội đã kêu gọi ông Louis Dejoy và một quan chức bưu chính khác ra điều trần vào ngày 24/8 về làn sóng cắt giảm kinh phí đã làm chậm quá trình chuyển phát thư qua bưu điện trên khắp đất nước, đồng thời cảnh báo rằng trước cuộc bầu cử ngày 3/11, sẽ có tới khoảng một nửa số cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư.

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump cố gắng cản trở dịch vụ bưu chính để ngăn chặn việc bỏ phiếu qua thư. Tổng thống Trump nhiều lần bày to lo ngại, hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ gây ra tình trạng gian lận. Theo Reuters, hình thức bầu cử này không hề mới tại Mỹ vì trước đó vào năm 2016, cứ 4 cử tri thì có một người bỏ phiếu qua thư.

Tổng chưởng lý của một số bang cho biết, họ đang thảo luận về những hành động pháp lý tiềm năng để ngăn chặn những thay đổi trong Cơ quan Bưu chính có thể gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Phát biểu với Reuters, Tổng chưởng lý bang Massachusetts, bà Maura Healey đã cáo buộc ông Trump đang cố gắng phá vỡ hệ thống bưu chính để giành lợi thế trong cuộc bầu cử, nói rằng hành động của Tổng thống đảng Cộng hòa đã làm dấy lên các câu hỏi về hiến pháp, quy định, thủ tục. Bà Maura Healey cho biết thêm, Tổng chưởng lý tại các bang khác như Virginia, Pennsylvania, Minnesota, Bắc Carolina, Washington cũng đồng tình với ý kiến này.

Tổng chưởng lý bang Bắc Carolina Josh Stein từ chối tiết lộ có bao nhiêu bang tham gia thảo luận hành động pháp lý và cho biết các lá phiếu sẽ được gửi đến các cử tri của bang này vào ngày 4/9.

“Có nhiều bang đang cùng chung mối lo ngại về những gì mà Tổng thống và người đứng đầu Cơ quan Bưu chính đang làm. Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn pháp lý sẵn có để bảo vệ sự toàn vẹn của cuộc bầu cử”, ông Josh Stein nói với Reuters.

Cũng vào hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát quay trở lại làm việc vào cuối tuần này để bỏ phiếu về dự luật bảo vệ Cơ quan Bưu chính tránh khỏi cái mà bà cho là “chiến dịch của Tổng thống Trump nhằm hủy hoại cuộc bầu cử bằng cách thao túng dịch vụ bưu chính để tước bỏ quyền lợi của cử tri”.

Một trợ lý cấp cao của đảng Dân chủ cho biết các nghị sỹ tại Hạ viện sẽ trở lại làm việc vào ngày 22/8 để bỏ phiếu về dự luật cấm cải cách dịch vụ bưu chính. Trong khi đó, người phát ngôn của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, vẫn chưa có thời hạn cụ thể để bỏ phiếu về dự luật này tại Thượng viện.

Tuy nhiên, trong một thông báo trên trang Twitter cá nhân, Thượng nghị sỹ bang Maine, bà Susan Collins cho hay, Thượng viện sẽ nhóm họp trong tuần này để xem xét một dự luật cung cấp cho Cơ quan Bưu chính khoản tiền hỗ trợ 25 tỷ USD khắc phục ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Cảnh báo của Cơ quan Bưu chính trước bầu cử

Hiện tại, bộ phận giám sát nội bộ của Cơ quan Bưu chính Mỹ đang điều tra việc cắt giảm kinh phí dẫn đến việc chuyển giao phiếu bầu chậm. Tổng thanh tra của Cơ quan Bưu chính sẽ xem xét khả năng xảy ra xung đột lợi ích liên quan đến việc Tổng giám đốc Louis DeJoy tài trợ 2,7 triệu USD cho Tổng thống Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa của ông, bà Saloni Sharma - phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren, người yêu cầu điều tra cho biết.

Ông Louis DeJoy sở hữu hàng triệu USD dưới hình thức cổ phiếu tại Cơ quan quan Bưu chính, theo một tiết lộ từ bản báo cáo tài chính do vợ ông này đưa ra.

Cuộc điều tra diễn ra sau khi Cơ quan Bưu chính cảnh báo rằng có nguy cơ các cử tri tại một số bang sẽ không đủ thời gian để hoàn thành và gửi lại lá phiếu của họ. Điều này nêu bật khả năng một số lượng lớn lá phiếu gửi qua thư có thể không đến kịp thời để được tính vào cuộc bầu cử. Theo Cơ quan Bưu chính, một số bang cho phép cử tri bỏ phiếu chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử, vì thế sẽ không kịp thời gian để in phiếu bầu, gửi lá phiếu cho các cử tri và nhận lại.

“Các quan chức bầu cử của tiểu bang và các địa phương phải hiểu và tính đến các tiêu chuẩn hoạt động cũng như mốc thời gian khuyến nghị của chúng tôi”, người phát ngôn của Cơ quan Bưu chính Martha Johnson cho biết.

Các quan chức phụ trách bầu cử hiện đang chuẩn bị một lượng lớn lá phiếu bầu gửi qua thư vì nhiều bang đang tạo điều kiện cho hình thức bỏ phiếu này nhằm hạn chế tình trạng tụ tập đông người có thể gia tăng lây nhiễm Covid-19.

Vấn đề đang trở nên cấp thiết trong thời gian gần đây, khi các biện pháp cắt giảm kinh phí mà ông DeJoy đưa ra dẫn đến chậm trễ trong chuyển phát phiếu bầu trên diện rộng. Trong số các biện pháp này có chính sách bỏ làm ngoài giờ hay bỏ các hòm thu gom thư ở một số tiểu bang. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/8 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump bênh vực Tổng giám đốc Louis DeJoy và khẳng định ông này đang "làm dịch vụ bưu chính vĩ đại trở lại".

Trái lại, Phe Dân chủ yêu cầu ông DeJoy giải thích về việc đưa ra những thay đổi nói trên. Người phụ trách lĩnh vực đối ngoại bang Arizona, cho biết, những thay đổi này đã vi phạm luật lệ của bang, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra hình sự./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/mat-tran-moi-trong-cuoc-chien-giua-tong-thong-trump-va-phe-dan-chu-1084383.vov