Mặt trận K5 - Khúc tráng ca về một thời hoa lửa

Năm 1968, phỉ Vàng Pao dồn lực lượng tổ chức khu hậu cứ ở khu vực Mường Chuồn (tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào) để chống phá cách mạng Lào. Cùng với đó, chúng tung các toán gián điệp, biệt kích đi quấy phá biên giới phía Tây Nghệ An. Nhận được báo cáo tình hình phỉ của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nghệ An, Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ Tư lệnh CANDVT đã báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đề nghị cho mở mặt trận K5 để giúp bạn Lào diệt địch.

Các cựu chiến binh tham gia chiến dịch K5 xem bản đồ khu vực Phân đội 56 hoạt động. Ảnh: Lê Đồng

Đề nghị thành lập K5 được đồng ý, Tỉnh ủy Nghệ An xúc tiến thành lập Đảng ủy, Ban Chỉ huy mặt trận K5 và lực lượng tham gia chiến dịch, gồm: Một bộ phận của CANDVT Nghệ An, Đại đội 6 Đặc công và Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 12 cơ động của Bộ Tư lệnh CANDVT. Mặt trận K5 có nhiệm vụ tổ chức lực lượng sang hoạt động ở các vùng Mường Chuồn, Phà Hom, Phà Cạt (tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào); dùng các hình thức truy kích, phục kích, đặc công kết hợp với binh, địch vận để tiêu diệt các hang ổ và làm tan rã hàng ngũ của địch; giúp bạn Lào mở rộng và củng cố vùng giải phóng; đồng thời, tạo điều kiện để ta bảo vệ biên giới từ xa.

Ngày 2-12-1968, Bộ Tư lệnh CANDVT phê duyệt kế hoạch và Phân đội 56 chính thức được thành lập, trực tiếp làm nhiệm vụ mở mặt trận tiễu phỉ, tiêu diệt căn cứ phỉ ở Mường Chuồn. Lực lượng của Phân đội 56 gồm: 1 trung đội của Đại đội 5 cơ động, thuộc Tiểu khu 78, 1 trung đội của Đại đội 6 cơ động, CANDVT tỉnh Nghệ An và một số cán bộ, chiến sĩ được rút ra từ các đồn, trạm Biên phòng trong tỉnh. Thượng úy Nguyễn Đình Bá, Phó Tham mưu trưởng CANDVT Nghệ An làm Phân đội trưởng. Quân số của Phân đội 56 là 170 người chia thành nhiều đội công tác. Đến ngày 14-1-1969, tất cả các kế hoạch, phương án tác chiến đều được Ban chỉ huy mặt trận thông qua, đồng thời xuất quân đánh Đồn Phà Hom của địch.

Phà Hom là một trong những đồn trọng điểm của địch, có vị trí và giá trị chiến thuật hết sức quan trọng đối với toàn bộ khu vực Mường Chuồn. Đồn Phà Hom cách biên giới Việt - Lào 24km. Khu vực đồn đóng quân có các điểm chốt trên những ngọn đồi cao từ 1.000 - 1.200m. Đây chính là cửa ngõ phía Đông Nam khu vực Mường Chuồn. Các điểm chốt giữ của bọn phỉ đóng rải rác ở nhiều nơi, tạo thế án ngữ một vùng rộng lớn, đối diện biên giới nước ta. Tại khu vực Phà Hom, địch bố trí một sân bay dã chiến để tiếp tế hậu cần. Quân số của Đồn Phà Hom có 70 tên, do tên Ga Nênh làm Đồn trưởng.

Sau khi nghiên cứu, nắm bắt tình hình, Ban Chỉ huy chiến dịch vạch ra phương án tác chiến, bố trí sử dụng lực lượng, phân chia hỏa lực... chọn thời cơ nổ súng tấn công. Với quyết tâm tiêu diệt Đồn Phà Hom, sáng 17-1-1969, 2 tổ trinh sát do đồng chí Túc và đồng chí Trịnh Thọ chỉ huy, cải trang thành lính người Mông, kiểm tra lại khu vực địch có thể lui quân đến Đồn Phà Hom, để hoàn chỉnh việc bố trí lực lượng. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, 2 tổ trinh sát thống nhất với cơ sở nội tuyến ở Đồn Mường Chuồn chờ cho địch ra khỏi đồn, đi càn, ta cùng lúc nổ súng tấn công Đồn Phà Hom và Đồn Mường Chuồn.

17 giờ, ngày 17-1-1969, quân ta chia thành 4 mũi áp sát đồn và các điểm chốt xung quanh Đồn Phà Hom. Trong đó, 3 mũi tấn công chính diện, 1 mũi đón lõng hướng địch rút chạy. Đúng 4 giờ 50 phút, ngày 18-1-1969, các mũi tấn công của ta đồng loạt nổ súng. Bị tấn công bất ngờ, địch hoảng loạn tháo chạy, vấp phải mìn và hỏa lực của ta, nhiều tên bị tiêu diệt tại chỗ. Trận đánh kết thúc vào lúc 5 giờ 30 phút. Quân ta đã tiêu diệt được 59 tên địch, thu 1 khẩu súng ĐKZ, 1 cối 60 ly, 30 khẩu súng các loại. Trận đánh mở màn tiêu diệt Đồn Phà Hom thắng lợi giòn giã, làm rung chuyển hệ thống đồn, bốt của địch ở dọc biên giới. Bọn địch ở các đồn còn lại hết sức hoang mang, lo sợ.

Đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10-2-1969, Trung úy Trịnh Thọ và Trung úy Nguyễn Oanh nhận lệnh chỉ huy một trung đội tiến đánh Đồn Phà Cạt. Khi các cánh quân ta chuẩn bị áp sát địch, cách đồn 700m thì 5 đồng chí vấp phải mìn địch, hi sinh vào lúc 3 giờ sáng. Ban chỉ huy mặt trận lệnh nhắc đồng chí Trịnh Thọ phải quyết tâm vây đánh Đồn Phà Cạt, đồng thời tăng cường cho đơn vị một tiểu đội làm nhiệm vụ chiến đấu và tải thương.

5 giờ 13 phút, ngày 10-2-1969, quân ta nổ súng tấn công Đồn Phà Cạt. Địch chống trả quyết liệt nhưng chúng đã rơi vào thế bị bao vây từ các hướng của quân ta. Bộ đội ta dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập vào đồn. Sau 40 phút giao tranh ác liệt, Đồn Phà Cạt đã bị xóa sổ, 5 tên phỉ bị tiêu diệt, 18 tên ra đầu hàng, ta thu được 15 khẩu súng các loại... Tà Xẻng Mường Chuồn và Tà Xẻng Phà Cạt được giải phóng hoàn toàn, nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức của địch, phấn khởi làm ăn xây dựng cuộc sống mới.

4 năm chiến đấu ở mặt trận K5 giúp bạn Lào, các đơn vị của ta đã đánh 10 trận tập kích, 19 lần đánh thọc sâu, 39 trận phục kích, tiêu diệt 327 tên địch, bắn bị thương 32 tên, bắt sống 32 tên, bức hàng tại trận 30 tên, phá hủy 10 sân bay dã chiến, 24 kho vũ khí, quân trang, quân dụng; đập tan hệ thống đồn bốt, giải phóng Tà Xẻng, Mường Chuồn, Mường Xằng, Phà Cạt với diện tích trên 5.000km2, giải phóng 18 bản, 387 hộ dân với 2.316 nhân khẩu. Thắng lợi của chiến dịch K5 được các đồng chí cán bộ lãnh đạo phía bạn Lào khâm phục và đánh giá cao “lực lượng nhỏ, diệt được nhiều địch, giữ được dân, giữ được đất, chiến đấu dũng cảm”.

Ghi nhận những chiến công oanh liệt của mặt trận K5, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Phân đội 56; tặng 8 Huân chương Chiến công và 70 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tham gia chiến đấu trong chiến dịch K5. Những tấm gương chiến đấu quả cảm của các anh mãi mãi đi vào lịch sự dân tộc, là bài học có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào.

Thành Chung (Theo Lịch sử BĐBP Nghệ An)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mat-tran-k5-khuc-trang-ca-ve-mot-thoi-hoa-lua