Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về việc thành lập 'Hội Phản đế Đồng minh'- một hình thức Mặt trận đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Hội bao gồm rộng rãi các thành phần yêu nước, cứu nước như công hội, nông hội, hội phụ nữ, cộng sản thành niên đoàn, tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, thậm chí cả những địa chủ, những binh lính địch giác ngộ, đều có thể đoàn kết tập hợp họ lại vào trong hàng ngũ chống thực dân Pháp. Hội Phản đế Đồng minh có các tổ chức cơ sở hội, bao gồm rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia. Với sự kiện trọng đại này, năm 1986, Bộ Chính trị đã có quyết định lấy ngày 18-11-1930 làm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Tháng 6-1936, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Sự ra đời của Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân chống Pháp xâm lược.

Tháng 10-1936, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân Đông Dương, nhằm thực hiện liên minh giữa nhân dân Pháp và nhân dân Đông Dương, đồng thời, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhưng trên thực tế lúc này, Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã thiết lập hệ thống tổ chức, còn Mặt trận Nhân dân Đông Dương chưa thiết lập được hệ thống tổ chức.

Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5-1941), quyết định thành lập “Việt Nam Độc lập Đồng minh”, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, còn gọi là Việt Minh. Sự ra đời của Việt Minh - một hình thức Mặt trận mới, nhằm mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, kêu gọi sự đồng thuận để cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc.

Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân với tinh thần đồng thuận, ngày 29-5-1946, “Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam”, gọi tắt là Hội Liên Việt, còn gọi là Mặt trận Liên Việt được thành lập. Như vậy, cho đến thời điểm 1946, tại Việt Nam có hai mặt trận: Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt. Cả hai mặt trận này đều tồn tại và hoạt động song song với tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.

Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951. Như vậy, đến thời điểm tháng 3-1951, Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt hợp nhất lại thành một mặt trận lấy tên là Mặt trận Liên Việt (mới).

Bốn năm sau, từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tên của Mặt trận này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Như vậy là, từ năm 1930 đến nay, nước ta đã thành lập 7 mặt trận (hội), tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là: Mặt trân (Hội) Phản đế Đồng Minh; Mặt trận Dân chủ Đông Dương; Mặt trận Nhân dân Đông Dương; Mặt trận Việt Minh; Mặt trận Liên Việt; Mặt trận Liên Việt mới (sáp nhập trên cơ sở Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt cũ); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tuy tên gọi của Mặt trận có khác nhau của mỗi thời kỳ, nhưng có một cái tên chung cho tất cả các thời kỳ đều là Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Từ khi ra đời cho đến nay, hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nổi bật những điểm sau đây:

Trước hết, Mặt trận Dân tộc thống nhất ra đời sớm, cùng với năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ( năm 1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặt trận đã đi theo con đường cách mạng chân chính, phát huy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, cùng toàn dân chiến đấu và phấn đấu hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một trong những tình cảm đặc sắc nhất đã tồn tại trong lòng dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Khi được ngọn gió của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thổi vào, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng của Mặt trận là đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành biểu tượng và phẩm chất yêu nước và cách mạng sáng ngời của Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Đoàn kết là vấn đề sống còn của dân tộc khi đất nước ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” (1945-1946), khi thù trong giặc ngoài “đông như ruồi muỗi”, điên cuồng chống phá nhà nước cách mạng còn non trẻ.

Ngày 25-4-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, có bài nói tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai về vấn đề đại đoàn kết. Người nói:

“Năm 1951, cuộc kháng chiến của chúng ta tuy gặp những điều kiện cực kỳ gay go, nhưng trong cuộc Đại hội hợp nhất Việt Minh – Liên Việt, tôi có nói:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”.

Những thắng lợi chúng ta giành được trong mấy năm qua đã chứng thực điều đó. Ngày nay, đồng bào miền Bắc thì hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng bào miền Nam ruột thịt thì anh dũng phấn đấu giành dân chủ tự do, vậy để kết luận, tôi xin phép nhắc lại:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”1..

Một chiếc đũa có thể bẻ gãy, nhưng một bó đũa thì không thể bẻ gãy. “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả”2.

Đó là sức mạnh của tư tưởng trở thành sức mạnh đạo đức đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn kết trong khuôn khổ một nước đã khó, đoàn kết mở rộng ra phạm vi quốc tế càng khó. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhằm đoàn kết dân tộc mà còn nhằm đoàn kết quốc tế, nhất là đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thành một khối thống nhất, cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Tinh thần đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào, Campuchia và bầu bạn quốc tế là chân thành và tôn trọng lẫn nhau.

Hoạt động của Mặt trận mang tính chất hiệp thương dân chủ, thể hiện ở chỗ khi liên hệ công tác với các tổ chức, đoàn thể, với các thành viên của Mặt trận, thì bao giờ Mặt trận cũng bàn bạc trên tinh thần dân chủ bàn bạc, tôn trọng nhau, thật sự cầu thị. Hiệp thương thể hiện ở chỗ hợp tác và thương lượng, không gò bó, không áp đặt, không trịch thượng. Vì vậy, xét cho cùng, hiệp thương cũng là dân chủ.

Cùng với đó, hoạt động của Mặt trận mang tinh thần hợp tác, bình đẳng. Các tổ chức thành viên của Mặt trận có rất nhiều, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban đoàn kết công giáo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… Tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận đều hoạt động mang tinh thần hợp tác, bình đẳng, cùng nhau làm việc, cùng nhau học tập, cùng nhau nghiên cứu, giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động của Mặt trận mang tính chất phối hợp và thống nhất hành động. Mặt trận không bao giờ hoạt động riêng rẽ, “một mình”, mà có sự phối hợp cùng nhau hành động vì lợi ích chung của dân tộc. Chính nhờ có phối hợp hành động nên nó đã tạo thành sức mạnh vô dịch, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là bản chất cách mạng và khoa học của Mặt trận trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường vẻ vang của cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

---

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 21.

2 Hò Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 78-93 - Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 12, tr. 549.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mat-tran-dan-toc-thong-nhat-viet-nam-tieu-bieu-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-644234