Mặt trái tăng phí dịch vụ

Kể từ ngày 1-3, Vietcombank điều chỉnh một loạt biểu phí với khách hàng cá nhân, trong đó một số loại phí dịch vụ NH điện tử tăng đáng kể.

Mặc dù đã thực hiện đúng quy định thông tin về sự điều chỉnh này nhưng vẫn không tránh khỏi sự phản ứng từ khách hàng. Theo đó, nhiều NH có mức phí thấp hoặc miễn phí dịch vụ chuyển tiền qua NH điện tử, trở thành những cái tên thu hút người dùng.

Phản ứng với tăng phí

Từ ngày 1-3-2018, Vietcombank điều chỉnh tăng phí dịch vụ SMS Banking từ 8.800 đồng/tháng lên 11.000 đồng/tháng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng; chuyển khoản nội mạng qua ứng dụng Mobile Banking dưới 50 triệu đồng chịu phí 2.200 đồng mỗi giao dịch, thay vì được miễn phí như trước, trên 50 triệu đồng chịu phí 5.500 đồng/giao dịch trong khi trước đó chỉ 3.300 đồng.

Phí chuyển khoản liên NH qua thẻ dưới 10 triệu đồng là 7.700 đồng/giao dịch, còn trên 10 triệu đồng là 0,02% giá trị số tiền, tối thiểu 12.100 đồng/giao dịch, tăng 1.100 đồng so với trước. Thông tin Vietcombank tăng phí dịch vụ liên tục được chia sẻ, lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, kèm theo hàng loạt lời bày tỏ không hài lòng của khách hàng về mức phí mới, nhất là đối với các khoản phí liên quan đến dịch vụ NH điện tử.

Với biểu phí mới, Vietcombank đang nằm trong nhóm NH có phí dịch vụ NH điện tử cao nhất. Hiện đa số các NH khác chỉ thu phí SMS Banking từ 8.800-10.000 đồng/thuê bao/tháng, phí chuyển khoản thông qua NH điện tử cũng thấp hơn.

Tại BIDV, chuyển khoản trên NH điện tử nội mạng từ 10-30 triệu đồng thu 1.100 đồng/giao dịch, trên 30 triệu đồng thu 0,01% số tiền chuyển, chuyển liên NH chịu phí 7.700 đồng cho giao dịch dưới 10 triệu đồng và 0,02% đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên.

Vietinbank hiện tại vẫn miễn phí chuyển khoản cùng hệ thống qua Internet Banking và Mobile Banking, phí chuyển khoản khác hệ thống dưới 50 triệu đồng là 9.900 đồng, trên 50 triệu đồng là 0,01%/giá trị giao dịch. Nhiều NHTMCP như ACB, VIB, SHB, VPBank hiện cũng đang miễn phí chuyển tiền qua Internet Banking trong cùng hệ thống và cùng tỉnh, thành phố…

Phía Vietcombank cho biết, biểu phí trước đó duy trì từ năm 2009 đến nay mới điều chỉnh. Trong khi đó từ giữa những năm 2000 đến nay, Vietcombank đã không ngừng hoàn thiện các dịch vụ NH điện tử và là một trong số ít các NH cung cấp đầy đủ các hạng mục từ Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Phone Banking với nhiều tính năng từ cơ bản đến hiện đại nhất, hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ lớn trên toàn quốc và danh sách đối tác liên tục được mở rộng, hoàn thiện.

Ngoài ra, Vietcombank cũng chỉ thu phí quản lý tài khoản 2.000 đồng/tháng, thuộc mức thấp nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, do Vietcombank vẫn là một trong những NH có số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking lớn nhất trong hệ thống, nên lần thay đổi mức phí này đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng đang sử dụng dịch vụ của NH này trong những ngày qua.

Cạnh tranh phí hút người dùng

Vài năm trước, người dân cũng nhiều lần phản ánh về vấn đề phí NH, lúc đó là phí ATM. Theo quy định, thẻ ghi nợ nội địa (ATM) thông thường sẽ có 6 loại phí cơ bản là phí phát hành thẻ, thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin tài khoản, in sao kê.

Trong đó, phí phát hành thẻ được thu 1 lần khi phát hành thẻ, phí thường niên được thu hàng năm, các loại phí khác sử dụng đến đâu thu đến đó. Nhưng sau đó khách hàng phản ánh khi sử dụng thẻ có thể đối mặt đến 20-25 loại phí và NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM rà soát lại vấn đề này. Đến năm 2017, một số NHTM đã đề xuất nâng mức phí dịch vụ thẻ để bù đắp một phần chi phí đầu tư hệ thống ATM do chi phí mỗi máy chiếm khoảng 400-600 triệu đồng. Tuy nhiên, NHNN đã bác đề xuất này. Sau đó, một số NH đã chuyển hướng tăng phí dịch vụ NH điện tử.

Theo một chuyên gia tài chính, đối với mức phí dịch vụ, NHTM phải tuân thủ biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo Thông tư 35/2012 của NHNN. Còn các dịch vụ khác không có quy định cụ thể bao nhiêu, các TCTD được tự quyết định, bởi phí dịch vụ thanh toán chính là giá của sản phẩm, dịch vụ do NH cung ứng. NHNN chỉ can thiệp, điều tiết loại, mức phí của NH trong trường hợp có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Các NH cũng đầu tư chi phí khá nhiều vào công nghệ để cải tiến dịch vụ, theo đó, mức phí dịch vụ của NH cũng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay thương mại điện tử phát triển nên khách hàng sử dụng dịch vụ NH điện tử để chuyển khoản nhanh ngày càng gia tăng, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phản ứng từ khách hàng, nhất là đối với NH có lượng khách hàng lớn như Vietcombank.

Trong tuần qua, trước những thông tin về phí dịch vụ, nhiều khách hàng đã cho biết sẽ cân nhắc chuyển sang sử dụng dịch vụ của các NH có mức phí rẻ hơn. Theo đó, những NH như VPBank hay Techcombank đang trở thành tâm điểm chú ý. Nguyên nhân vì thẻ VPBank rút tiền tại ATM bất kỳ đều không mất phí, dịch vụ Mobile Banking và Internet Banking miễn phí chuyển tiền kể cả chuyển liên NH.

Tương tự, Techcombank cũng miễn phí chuyển tiền qua Internet Banking cho chủ thẻ của NH. Ngay tại thời điểm này có thể thấy, mức phí đang trở thành một công cụ để cạnh tranh của các NH trong mảng dịch vụ. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi một số NH vừa công bố giảm phí sau khi Vietcombank tăng phí gây tranh cãi.

Điển hình vào ngày 3-3, ABBank vừa thông báo miễn hoàn toàn phí giao dịch chuyển tiền trong hệ thống với tất cả các giao dịch cho dịch vụ Online Banking và dịch vụ ABBank Mobile. Khách hàng mở và sử dụng tài khoản cao cấp của ABBank và thực hiện chuyển tiền qua một trong hai dịch vụ này được miễn hoàn toàn phí chuyển tiền ngoài hệ thống bất kể giá trị giao dịch lớn hoặc nhỏ và miễn phí rút tiền tại các máy ATM.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, hiện nay đầu tư công nghệ là xu hướng chung, chi phí rất tốn kém nhưng các NH thường sử dụng các giải pháp như tăng vốn hoặc sử dụng nguồn lực của NH, còn việc tăng phí dịch vụ để bù đắp chi phí luôn được cân nhắc kỹ, nhằm đảm bảo lợi ích và tăng trưởng lượng người sử dụng dịch vụ. Theo đó, nhiều NH chọn cách tiết giảm chi phí để bù đắp phần này, thay vì tăng phí gây ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của khách hàng.

THIÊN MINH

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/mat-trai-tang-phi-dich-vu-54867.html