Mặt trái khi trẻ tham gia Gameshow

Thị phi, áp lực, chiêu trò, nổi tiếng sớm, mất tuổi thơ… là những gì mà trẻ có nguy cơ phải gánh chịu khi tham gia vào các game show truyền hình thực tế, bất chấp thắng hay thua cuộc.

Thí sinh chương trình Model Kid Vietnam 2019.

Thí sinh chương trình Model Kid Vietnam 2019.

Trẻ cần trải nghiệm để trưởng thành?

Đọc nhầm kết quả chung kết Giọng hát Việt nhí là câu chuyện đang gây ồn ào thời gian qua. Khán giả xem chung kết có lẽ đều không khỏi bức xúc và cả xót xa cho cậu bé Chấn Quốc, sau niềm vui vỡ òa được xướng tên Quán quân, lại ngỡ ngàng, thất vọng khi Ban tổ chức cuộc thi đính chính giải Quán quân thuộc về thí sinh nhí khác là Kiều Minh Tâm.

Sau sự cố, đối mặt với phản ứng của dư luận, Lưu Thiên Hương, huấn luyện viên (HLV) chương trình chia sẻ: "Tôi buồn và thương Chấn Quốc bởi nếu tôi trải qua cảm giác đó thì cũng khó nói trước cảm xúc ra sao. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó không quá nghiêm trọng và là một trải nghiệm để các bé sau này trưởng thành, đứng vững trên đôi chân của mình”. Tuy nhiên, chia sẻ này khiến sự phẫn nộ của dư luận đi xa hơn.

Với bất cứ một chương trình truyền hình, một cuộc thi nào dành cho người lớn, thì việc đọc sai kết quả rồi đính chính đều gây ra những tổn thương không nhỏ cho những người trong cuộc, huống chi đây lại là một chương trình dành cho trẻ.

Một đứa trẻ phải đối mặt với một sự hụt hẫng, một cú sốc như thế, ảnh hưởng đến tâm lý các em là không nhỏ, không dễ dàng để vượt qua, không phải một vài lời phủi của người lớn, thế là xong. Trên thực tế, không cần phải có scandal đọc nhầm giải thưởng cao nhất thì game show truyền hình thực tế cũng đã quá đủ chất liệu để cho trẻ trải nghiệm những cảm giác “làm người lớn” và “trưởng thành” là thế nào.

Nhiều khán giả xem Model Kid Vietnam 2019 (Người mẫu nhí Việt Nam 2019), mới phát sóng những tập đầu tiên đã không khỏi “giật mình” khi chứng kiến những cô bé, cậu bé năm, sáu tuổi đã trang điểm lòe loẹt, ăn mặc “sexy”, đi dáng “cat walk”, đánh hông, lắc vai như người lớn.

Được biết, nhiều em xuất hiện từ các “lò” đào tạo người mẫu nhí hẳn hoi. Hay như trong các cuộc thi âm nhạc, thật khó “nuốt” khi nghe các em nhỏ mười tuổi hát những tình ca sướt mướt, thậm chí những bài bolero ủy mị.

Một chương trình mới toanh đang được ưa thích là Shark nhí, phiên bản của Shark người lớn. Ở chương trình này, khán giả chứng kiến cảnh các em đưa những dự án kinh doanh ra phân tích, gọi vốn. Dù có thể kích thích tư duy độc lập, sáng tạo của trẻ, nhưng mặt trái của nó là những đứa trẻ bắt đầu biết toan tính ngay ở tuổi ngây thơ, toan tính ngay cả ở viên kẹo, thay vì cho bạn học ăn thì đem bán kiếm tiền.

Thiếu chương trình bổ ích

Trong những cuộc thi, trẻ học được phải nỗ lực để chiến thắng, nhưng đồng thời cũng học được cả sự bất công, chiến thắng nhờ ưu ái và thua cuộc không rõ lý do, mà điều này lại vốn luôn là một “vấn nạn” tồn tại đằng sau ánh hào quang của các game show.

Trẻ cũng đối mặt với hào quang của nổi tiếng nếu chiến thắng và cả áp lực của dư luận, áp lực của sự nổi tiếng. Đồng thời, trẻ cũng phải đối diện với cảm giác của người bị loại, thất bại và thua cuộc. Cùng với đó là áp lực của HLV, áp lực mà các bậc cha mẹ thích danh tiếng áp đặt lên những đứa con của mình.

Tất nhiên, không phải bé nào cũng thế, nhưng không thể phủ nhận được, game show đã góp phần làm “già” hóa không ít thí sinh nhí. Thất bại, thua cuộc là một lẽ, nhiều thí sinh thắng cuộc, thành công thì từ đó khó mà có những ngày tháng ngây thơ, hồn nhiên trẻ thơ nữa, cuộc đời bước sang ngã rẽ mới, mang tên nghệ sĩ nhí.

Không thể kể hết hiện nay có bao nhiêu chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi. Nhưng có một cách thức dễ dàng nhận ra trong việc xây dựng các chương trình game show nhí, đó là, khi một game show dành cho người lớn bắt đầu trở nên nhàm chán, người ta sản xuất ra phiên bản “nhí” để hút khán giả, lấy lại rating bằng cái mới, lạ.

Bởi vậy mà hàng loạt phiên bản nhí của các chương trình người lớn như Giọng hát Việt nhí, Shark nhí, Người mẫu nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… Chương trình thì “đẻ” ra liên tục, nhưng sản phẩm âm nhạc, sản phẩm nghệ thuật và những chất liệu tương ứng thì đâu có ra đời để đáp ứng các em dự thi.

Thế là tình trạng các em nhỏ uốn éo trên nền nhạc xập xình, diễn vai người lớn trong các tiểu phẩm hài hay nhắm mắt, bặm môi hát những ca khúc não tình trở thành “chuyện thường” trên sóng truyền hình.

Chương trình truyền hình thực tế nặng tính giải trí, “câu kéo” thiếu nhi vào trò chơi người lớn thì dư thừa, trong khi đó, những sản phẩm nghệ thuật bổ ích, cần thiết cho tâm hồn, dành riêng cho lứa tuổi các em như kịch, phim, sản phẩm âm nhạc… lại rất hiếm hoi, ít ỏi. Phải chăng, đó chính là sự thiệt thòi của những đứa trẻ sinh ra vào cái thời truyền hình thực tế phát triển quá đà?

Chị Mai Thị Thu, giáo viên, ngụ quận 5, TP.HCM, mẹ một thí sinh tham gia cuộc thi thần tượng âm nhạc dành cho thiếu nhi: “Thấy con có khả năng ca hát nên tôi mới đăng kí tham gia cho con thử thể hiện năng khiếu. Nhưng sau khi chứng kiến áp lực mà các thí sinh nhí phải chịu, tôi quyết định cho con rút lui khỏi cuộc thi.

Tôi thấy hầu hết các bậc cha mẹ có con tham gia dự thi game show không mấy ai lên tiếng, nhưng thực tế, game show dành cho trẻ con cũng có những áp lực rất lớn, là một cuộc chạy đua nơi hậu trường chứ không đơn giản. Nhiều bậc cha mẹ còn phải bỏ tiền ra “mua” các tin nhắn bình chọn, đi thuyết phục khắp nơi để con mình lọt vào các vòng trong.

Thế nên, khi con thua cuộc là cay cú, bực dọc lắm. Tôi từng chứng kiến những cha mẹ vì con thua điểm bạn trong màn thi, đã quát nạt, tát tai con sau khi dẫn con ra ngoài. Có bé bị loại, trở về buồn mất một thời gian, học hành sa sút”.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/mat-trai-khi-tre-tham-gia-gameshow-478069.html