Mặt trái của mạng xã hội

Với sự phát triển của các mạng xã hội (MXH), đặc biệt là facebook - đã trở thành thế giới phẳng kết nối cộng đồng. Nhưng có nhiều phần tử đã lợi dụng những tiện ích ấy cho mưu đồ xấu, đưa thông tin sai sự thật, lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ngay trên địa bàn tỉnh, một số vụ việc liên quan đến kêu gọi, biểu tình, đưa thông tin sai lệch qua MXH đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT). Điển hình như phản đối thu phí qua trạm BOT Biên Cương, TP Cẩm Phả vào tháng 3/2018; vụ việc các đối tượng xuyên tạc, ghép hình ảnh lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với phát ngôn về Biển Đông tháng 6/2018. Hay như vụ việc kêu gọi biểu tình, tụ tập đình công tại các chi nhánh công ty giày da Sao Vàng, từ đó lôi kéo biểu tình phản đối thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào tháng 5, 6/2018. Mới đây nhất là vụ việc liên quan đến hoạt động thỉnh oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng diễn ra vào tháng 3/2019...

Bên cạnh đó, nhiều trang MXH có xu hướng truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, bạo lực; phá hoại bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tuyên truyền các giá trị văn hóa và lối sống không lành mạnh; lừa đảo trên mạng... Hệ quả của những luồng thông tin này vô cùng khó lường, nhất là với nhận thức của người dân. Bà Đàm Thu Giang, khu 7, phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho biết: Vừa qua, có các thông tin về bắt cóc trẻ em, giết người cướp của khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Dù chưa biết đúng sai nhưng do tâm lý muốn thông báo cho mọi người cùng biết và cảnh giác nên tôi vẫn chia sẻ thông tin này trên MXH của mình. Tôi rất mong chính quyền có các kênh thông tin chính thống, phổ biến đến người dân để chúng tôi biết, cảnh giác với thông tin giả...

Chương trình tọa đàm về MXH do Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức nhằm khuyến cáo đến người dân các âm mưu, thủ đoạn của đối tượng xấu trên MXH.

Chương trình tọa đàm về MXH do Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức nhằm khuyến cáo đến người dân các âm mưu, thủ đoạn của đối tượng xấu trên MXH.

Thực tế, lợi dụng ưu điểm của công nghệ và sự lan tỏa của MXH, các hình thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu càng tinh vi, xảo quyệt. Theo Đại tá Nguyễn Bá Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, có rất nhiều thủ đoạn tuy không mới nhưng lại rất hiệu quả được các đối tượng thù địch sử dụng. Chúng soạn thảo, phát tán trên mạng Internet, MXH khác kêu gọi việc cùng ký tên vào các văn bản gửi đến cơ quan chức năng để phản đối, đòi yêu sách. Bên cạnh đó, chúng sử dụng chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, nhất là liên quan các dự án xây dựng Luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các chính sách kinh tế - xã hội. Bằng cách này, chúng gây sự tò mò hiếu kỳ của người dân để lôi kéo tụ tập đông người, sau đó lợi dụng đám đông để trà trộn kích động, gây rối, xúi giục tuần hành, biểu tình, bạo động đập phá trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.

Cùng với đó, chúng lợi dụng youtube để dựng lên những bộ phim được cắt ghép, chỉnh sửa, tạo bằng chứng và dữ liệu giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn liên quan đến những nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo. Từ đó, kích thích trí tò mò của công chúng, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi, hoang mang, trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Không những thế, có một bộ phận những người nổi tiếng, có lượng theo dõi thông tin cao nhưng lại đưa thông tin sai lệch, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và dễ dàng định hướng dư luận. Họ lợi dụng các lợi ích của MXH để mua quảng cáo, phát tán thông tin, kêu gọi kích động người dân... Những thông tin đó thường dựa trên một phần sự thật nhưng được dẫn dắt theo hướng tiêu cực, thậm chí bịa đặt nhằm “câu view”, “câu like”. Nhưng nhiều trường hợp, đằng sau đó là các mưu đồ xấu, gây bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến ANTT.

Để đối phó trước những mặt trái của MXH, bên cạnh các hình thức xử phạt đã được quy định trong các văn bản luật, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chính quyền và truyền thông, điều quan trọng là khả năng tự đề kháng, chọn lọc thông tin và nguồn tin của chính người dùng mạng xã hội. Nếu chúng ta có một bộ lọc tốt, những nguồn tin tốt thì các phần tử xấu, phần tử phản động, chống phá sẽ không có cơ hội để lan truyền “mã độc” của mình. Bên cạnh đó, cần tích cực chia sẻ các nguồn, kênh thông tin chính thống, nội dung chính xác để không gian mạng không bị ô nhiễm bởi những thông tin độc, hướng đến một cộng đồng tích cực, lành mạnh hơn.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/mat-trai-cua-mang-xa-hoi-2458887/