Mặt trái của lương tối thiểu tăng nhanh: Không bảo vệ được người thu nhập thấp, thêm nhiều người thất nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng việc lương tối thiểu tại Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua nhằm đảm bảo mức sống cho người lao động có thu nhập thấp đã không phát huy hiệu quả.

Nhiều người lao động vẫn có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu

Trình bày kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một bộ phận lớn người lao động (khoảng 50%) không có hợp đồng lao động, và do đó, không thuộc phạm vi áp dụng chính sách lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, đối với người lao động làm công ăn lương (không bao gồm công nhân viên chức, cũng như các đối tượng làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước) từ đủ 15 tuổi trở lên, một bộ phận lớn người lao động làm việc tại các hộ gia đình, hay hộ sản xuất và kinh doanh cá thể nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vào năm 2014.

Nguồn: Tính toán của Nhóm tác giả dựa trên số liệu từ Khảo sát Mức sống Hộ gia đình (VHLSS) 2010-2012-2014 và Khảo sát Lực lượng Lao động (LFS) 2014

Đối với người lao động làm công ăn lương, có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, nhà nước và FDI (khu vực chính thức), tỷ lệ người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu là cao. Mức tỷ lệ này còn cao hơn đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến, chế tạo.

Theo TS Dũng, tỷ lệ người lao động có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu có xu hướng tăng theo thời gian, nguyên nhân chủ yếu có thể bởi mức tăng lương tối thiểu đột ngột trong năm 2012, cũng như mức tăng ở các năm tiếp sau đó.

Ông Dũng cũng cho biết, phân tích về xác suất một cá nhân có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu đã chỉ ra rằng, nhìn chung, lao động trẻ tuổi (hoặc lớn tuổi), có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng (không được tham gia vào bảo hiểm xã hội) là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu.

Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội.

"Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả", báo cáo của VEPR nhận định.

Lương tối thiểu tăng nhanh, người lao động có nguy cơ thất nghiệp

Ông Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới cho biết, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, trung bình lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm",

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, về mức lương trung bình, mặc dù lương tối thiểu tăng có tác động tiêu cực đáng kể đến tất cả các khu vực kinh tế, việc tăng lương tối thiểu có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và FDI.

Về việc làm, tác động của tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước (lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến việc làm giảm 0,25%), nhưng tác động nhẹ và không đáng kể ở khu vực tư nhân và FDI.

Ông Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới

Ông Yamauchi lưu ý rằng, trong khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn.

"Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách lương tối thiểu, và buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp chấp hành ít nghiêm chỉnh hơn, né tránh phần nào tác động của tăng lương tối thiểu, và do dó, không cắt giảm nhân công", chuyên gia cho biết.

Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm. Như vậy, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.

Ngoài ra, phân tích ở mức độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành chế biến chế tạo đã chỉ ra rằng, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp.

Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc.

Nghiên cứu của VEPR chỉ ra, doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do dó mất đi lợi thế so sánh.

>>Nghịch lý tại Việt Nam: Lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động

Thanh Tâm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/mat-trai-cua-luong-toi-thieu-tang-nhanh-khong-bao-ve-duoc-nguoi-thu-nhap-thap-them-nhieu-nguoi-that-nghiep-20170913101759929p4c145.news