Mặt trái của gánh nặng kiến thức

Năm học 2018 - 2019 mới được bắt đầu cũng là lúc dư luận dậy sóng với Chương trình sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục. Từ sự kiện này nhiều người nêu lên vấn đề: Chính phủ cần tổ chức những 'Hội nghị Diên hồng' để đánh giá toàn diện nền giáo dục- đào tạo nước nhà.

Tại tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) khiến chúng ta không khỏi nghĩ suy. Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Giờ tôi thấy thương trẻ em, sao học hành khổ sở quá vậy. Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được; Lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi con trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết. Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá”.

Ngay lớp 1, học sinh đã phải học khá nhiều môn (ảnh internet)

Ngay lớp 1, học sinh đã phải học khá nhiều môn (ảnh internet)

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội rất xác đáng và các nhà hoạch định chính sách về giáo dục cần phải suy nghĩ. Có lẽ so với thế giới, kiến thức trong sách giao khoa của học sinh Việt Nam vào loại “hàn lâm” nhất thế giới. Có lần bạn chị gái tôi từ một nước Đông Âu về nói, con chị bên đó học lớp 5 định chuyển về nước học để gần ông bà nội mà không dám vì thấy chương trình học vừa nặng, vừa khó. Học sinh lớp 7 bên đó chưa chắc giải nổi toán lớp 5 bên mình.

Con tôi và những đưa trẻ sáng thức giấc, soạn sách vở đi học, ở tuổi lên 7 tôi phải xách hộ tuổi cho con lên lớp vì sợ vẹo sống lưng. Nói không ngoa đặt lên bàn cân không dưới 7 kg (tất nhiên tính cả trọng lượng chiếc ba lô). Vẫn biết kiến thức là tri thức, trừ những thiên tài bẩm sinh do trời phú, còn lại muốn nên người, muốn có tri thức phải học. Trong đó kiến thức sách vở là vô cùng quan trọng, song không phải cứ học thật nhiều, thật khó là trở nên giỏi giang!

Tôi không phải bác sĩ, nhưng tin tưởng chắc chắn rằng não bộ của con trẻ cũng giống như cái dạ giày. Nếu chúng ta ăn nhiều thức ăn, chất quá nhiều đâu đã tốt, cuối cùng cho kết quả ngược. Đường tiêu hóa bị tổn thương mà còn khổ cho cả “anh” gan lẫn thận… Não bộ cũng thế, khi trẻ em phải dung nạp vào não bộ quá nhiều kiến thức (chưa nói đến độ khó) sẽ dẫn đến trơ các nơ- ron thần kinh. Hãy tưởng tượng, não bộ con em đang trong giai đoạn phát triển giống như da non. Nếu chúng ta chăm sóc, vệ sinh khoa học da sẽ chóng lành và ngược lại. Thế mà não bộ trẻ đang trong quá trình phát triển, đi học hiện tại chúng ta không những nhồi nhét kiến thức mà còn “bổ sung” lượng kiến thức khá khó. Tưởng cách làm này sẽ góp phần làm cho bé trở nên thông minh, hiểu biết (nói nôm na là thông thái) thì biết đâu có thể làm trơ hóa não bộ.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nên nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Câu hỏi đặt ra, tại sao lâu nay khi hoạch định chiến lược giáo dục- đào tạo, bộ quản lý nhà nước lại không mời các chuyên gia y tế, tâm lý, các nhà khoa học để tham gia?(xét góc độ phát triển não bộ và sự dung nạp kiến thức). Điều lạ, thời gian qua, chúng ta được nghe và đề cập rất nhiều đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) và thực tế, trong lĩnh vực giáo dục chúng ta cũng đề cập việc áp dụng cách mạng 4.0 bằng ngôn từ “công nghệ giáo dục”. Nhưng ở phạm trù phát triển, chúng ta lại đang bỏ quên việc áp dụng công nghệ để tính toán tỷ lệ của quá trình phát triển não bộ trẻ em với lượng dung nạp kiến thức thế nào là vừa đủ? Nói một cách ngắn gọn dung nạp kiến thức thế nào để đứa trẻ đó phát triển bình thường (vẫn nạp kiến thức sách vở cần và đủ mà vẫn có chỗ cho tư duy).

Muốn đổi mới căn bản giáo dục- đào tạo, Bộ GDĐT cũng nên tham khảo các chuyên gia ý tế xem não bộ trẻ em nạp bao nhiêu kiến thức là đủ. Còn cứ như hiện nay, chiếc cặp sách các em đến lớp vẫn... rất nặng (ảnh minh họa báo DT)

Trong quá trình phát triển, tư duy đóng va trò hết sức quan trọng. Một nhà khoa học đã từng nói: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Bởi thế, trong một xã hội với rất nhiều đổi thay từ cấu trúc vũ trụ, tự nhiên và xã hội muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi mỗi đứa trẻ (thế hệ tương lai của đất nước) phải có tư duy. Muốn có tư duy, bộ não phải được hấp thụ chừng mực kiến thức sách vở để dành chỗ cho việc khám phá, lý giải những điều mắt thấy, tai nghe đang diễn ra quanh mình. Vậy mà tiếc thay, khoa học giáo dục thời gian qua dường như đang bỏ quên yếu tố này.

Đấy là chưa kể đến vấn đề bội thực học hành mà kiến thức vẫn nông. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ấy vậy, nay học hành nhiều thế mà kiến thức về lịch sử, địa lý của thế hệ đương đại vẫn rất nông. Những tâm tư của Chủ tịch Quốc hội như đã đề cập ở trên là minh chứng sống động.

Cũng liên quan đến sự học, xét cho cùng học để lấy kiến thức sau đó tạo nguồn lực cho xã hội. Ấy vậy, giáo dục thời gian qua (kể cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đang phải học rất nặng. Đơn cử một học sinh chuyên xã hội, lên đến cấp 3 vẫn phải “gánh” các môn toán, lý, hóa… với lượng kiến thức “đồ sộ”. Mà thực chất, những kiến thức này chẳng giúp gì sau khi học sinh đó thì vào các ban C, D của các trường đại học rồi tốt nghiệp đi làm.

Nhân năm học mới bắt đầu, mạn đàm về vấn đề giáo dục, có lẽ để giáo dục - đào tạo nước nhà thực sự tạo ra những lớp người nhân văn, có tri thức, tài ba để sau này phụng sự Tổ quốc trong một thế giới đang có những đổi thay… đã đến lúc chúng ta cần làm một cuộc cách mạng thực sự về giáo dục thay vì những “tranh cãi” hay áp dụng những “nhánh nhỏ” mang tính tiểu tiết về cải cách, hay đề tài nghiên cứu liên quan đến tiếng Việt… làm dậy sóng dư luận.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mat-trai-cua-ganh-nang-kien-thuc-79991.html