Mặt trái của dư địa sản phẩm tiêu dùng

Gần đây, trên một số báo điện tử đã đăng những bài viết phản ánh 'hai mặt của một vấn đề' không thể bàng quan: 'Kỷ lục 30 năm: 1kg thịt lợn không mua nổi 1 cân táo tàu' và 'Chê thịt lợn nội, Việt Nam nhập gần 7,8 nghìn tấn thịt lợn ngoại giá cao'. Thực tế đúng vậy không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước hết, đúng là giá lợn hơi trong nước 4 tháng qua đổ dốc không phanh, rớt xuống đáy. Hiện tại, giá lợn hơi ở phía Bắc chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg. Nhiều người chăn nuôi xót xa khi bán 1kg thịt lợn chỉ đủ tiền mua 0,5kg táo tàu ở chợ quê.

Trước đó, tại phía Nam, theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2017, giá lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, hiện chỉ còn lần lượt 31.000-32.000 đồng/kg, 31.000 đồng/kg và 29.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán, với giá lợn hơi 35.000-40.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã không có lãi.

Nguyên nhân được chỉ ra rõ ràng: Thời gian qua, thấy giá lợn hơi leo thang, người chăn nuôi hăm hở tăng đàn khiến cung vượt quá cầu (từ đầu năm đến nay đã có hơn 2 triệu con được xuất chuồng).

Thêm nữa, do xuất khẩu sang Trung Quốc hoàn toàn theo đường tiểu ngạch, qua tay thương lái, khi Trung Quốc siết chặt xuất nhập khẩu tiểu ngạch, lợn Việt Nam bị tắc đầu ra, giá giảm mạnh. Chuyện “vỡ trận” do phụ thuộc vào một thị trường là tất yếu.

“Mặt thứ hai” cũng có điều đáng nói. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1- 15/3/2017, cả nước nhập khẩu gần 7,8 nghìn tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (năm 2016 nhập 39,4 nghìn tấn thịt lợn các loại, trị giá 44 triệu USD).

Thực ra, những con số đó nghe có vẻ lớn song vẫn quá nhỏ bé so với đàn lợn 30 triệu con được nuôi hằng năm ở Việt Nam. Hơn nữa, thịt lợn nhập khẩu chỉ tiêu thụ qua kênh bán lẻ hiện đại ở các thành phố lớn (siêu thị, trung tâm thương mại), chiếm thị phần chưa tới 20%. Dư địa tiêu thụ của thịt lợn qua kênh bán lẻ truyền thống (chợ…) vẫn rất lớn, trải khắp các vùng miền, đặc biệt là nông thôn, thị phần xấp xỉ 80%. Thịt ngoại không đủ sức “đè” thịt nội, chẳng có gì đáng lo! Đây chỉ được xem là một trong nhiều tín hiệu thị trường để người nuôi, nhà kinh doanh tham khảo mà thôi.

Điều cốt yếu là của lĩnh vực chăn nuôi lợn là cân đối cung cầu, không tăng đàn theo phong trào, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đầy may rủi. Nói thì dễ nhưng làm được vô cùng khó.

Trần Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mat-trai-cua-du-dia-san-pham-tieu-dung-85766.html