Mặt trái của công nghệ

Internet và mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Điều này có vẻ đúng với vụ xả súng vừa qua tại New Zealand khi mạng xã hội 'bất đắc dĩ' trở thành công cụ 'lan truyền virus cực đoan' của kẻ khủng bố. Đoạn hình ảnh truyền trực tiếp dài 17 phút ghi lại toàn cảnh nghi phạm Brenton Tarrant sát hại dã man những người vô tội tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch được lan truyền rộng rãi trên internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa tiềm ẩn của công nghệ.

New Zealand: Các đền thờ Hồi giáo ở Christchurch mở cửa trở lại

Dù Facebook đã gỡ trang phát video trực tiếp của Tarrant và xóa 1,5 triệu video đăng lại nhưng vài giờ sau vụ tấn công, người dùng mạng vẫn có thể tìm thấy đoạn video man rợ trên trang này hay các nền tảng như Twitter, YouTube.

Bên cạnh việc phải ráo riết truy lùng và gỡ bỏ những bản sao của đoạn ghi hình trên các trang mạng xã hội, Facebook đã giới thiệu một công nghệ mới giúp kiểm soát tốc độ lan truyền của hình ảnh và video. Theo đó, công nghệ này sẽ giúp tạo ra các "vân tay" kỹ thuật số cho những hình ảnh có chứa nội dung nhạy cảm "để ngăn chặn sự xuất hiện của chúng ngay từ đầu".

Mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng vừa tuyển dụng thêm 5.000 người canh gác nội dung, nâng tổng số nhà quản lý nội dung toàn thế giới của Facebook lên 7.500 người. Họ có nhiệm vụ rà soát các nội dung trên Facebook 24 giờ/7 ngày, bên cạnh hệ thống tự động lọc và xử lý các thông tin cấm như vẫn áp dụng trước đây.

Dẫu vậy, sự việc này lập tức kéo theo những tranh cãi về mặt trái của công nghệ, góc khuất của mạng xã hội. Chúng có thể mang lại sự thuận tiện cho việc giao tiếp hằng ngày, nhưng cũng có thể trở thành công cụ gieo rắc nỗi kinh hoàng và tư tưởng cực đoan khi bị những phần tử xấu lợi dụng.

Năm 2013, phiến quân Al-Shabaab đã tường thuật trực tiếp trên Twitter vụ tấn công Trung tâm mua sắm Westgate ở Nairobi, Kenya. Tháng 1-2015, một kẻ khủng bố bắn chết 4 người tại khu chợ bán đồ ăn cho người Hồi giáo ở phía đông thủ đô Paris cũng đã ghi lại vụ tấn công bằng camera GoPro. Y đã cố gắng gửi video qua email trước khi bị cảnh sát bắn hạ.

Theo một báo cáo của Công ty Tin tức, truyền thông và giải trí trực tuyến BuzzFeed (Mỹ) công bố năm 2017, ít nhất 45 vụ truyền trực tiếp trên Facebook có nội dung bạo lực, mưu sát, hiếp dâm và tự sát đã được ghi nhận kể từ khi Facebook Live xuất hiện từ năm 2015. Có nghĩa rằng, dường như những rào chắn hiện tại vẫn chưa thực sự hiệu quả và đủ sức để ngăn những hành động bạo lực.

Mạng xã hội đang bị những kẻ xấu lợi dụng, biến thành công cụ chia sẻ những quan điểm cực đoan và tuyên truyền hành động khủng bố. Vì vậy, việc ngăn chặn những hành vi này thông qua không gian mạng càng trở thành vấn đề cấp thiết.

Thế nhưng, làm thế nào để thanh lọc những nội dung nguy hiểm, kích động những hành động mất nhân tính trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ. Sau một loạt những chỉ trích liên quan tới vai trò của mạng xã hội trong vụ tấn công đẫm máu, nhiều ngân hàng của New Zealand đã tuyên bố tạm dừng cộng tác với Facebook và Google.

Hiện các "gã khổng lồ" mạng xã hội đang phải đối mặt với một vòng kiểm tra an ninh mới về việc xử lý nội dung bạo lực và chính trị cực đoan trên nền tảng của mình.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/930175/mat-trai-cua-cong-nghe