Mặt trái của chương trình UAV Mỹ

Đối với các phi công máy bay không người lái (UAV) Mỹ, việc tiêu diệt mục tiêu cách họ hàng nghìn ki-lô-mét qua màn hình có thể giúp tính mạng họ an toàn, nhưng những sang chấn tâm lý và sự cắn rứt lương tâm vẫn không khác gì tham chiến trực tiếp trên chiến trường…

Trong một nhiệm vụ tại Afghanistan, phi công Mỹ Brandon Bryant khóa mục tiêu vào một ngôi nhà có dấu hiệu khả nghi và khai hỏa. Vài giây sau, một vệt sáng lao xuống, phá hủy hoàn toàn ngôi nhà đó. Brandon Bryant chứng kiến toàn bộ quá trình từ trong buồng lái ở trung tâm điều khiển UAV ở bang Nevada (Mỹ), cách đó hơn 10.000km.

Sau khi xem lại đoạn ghi hình, anh phát hiện ra ngay trước khi quả tên lửa không đối đất lao xuống ngôi nhà, một đứa trẻ cố gắng chạy ra cửa nhưng không thoát kịp và thiệt mạng. Theo Brandon Bryant, đó là một trong số 13 phi vụ anh trực tiếp tham gia không kích trong thời gian phục vụ không quân.

 Buồng điều khiển máy bay không người lái của không quân Mỹ. Ảnh: United States Air Force.

Buồng điều khiển máy bay không người lái của không quân Mỹ. Ảnh: United States Air Force.

Mới đây, trả lời tờ Independent, Brandon Bryant cho biết từ năm 2006 tới 2011, phi đội của anh đã không kích 1.626 mục tiêu, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, chỉ huy phi đội đã phớt lờ những vụ việc, không những thế còn cổ xúy các phi công. Trong huấn luyện, cấp trên nói rằng công việc của anh và các đồng đội là “giết người và phá hủy”. Thậm chí, sau khi xem đoạn ghi hình về vụ phóng tên lửa vào ngôi nhà có đứa trẻ, họ đã gạt đi lời phản ảnh của anh, nói rằng “đó chỉ là con chó”.

Brandon Bryant cho hay, vụ việc là “giọt nước tràn ly”, đi ngược lại với những giá trị về danh dự, công lý mà anh được huấn luyện. Anh bị sang chấn tâm lý khi cấp trên không những phớt lờ quan ngại của anh, thậm chí còn trừng phạt, chế giễu, đe dọa kỷ luật anh. Brandon Bryant quyết định rời quân ngũ và chỉ trích việc sử dụng UAV tại các cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ.

UAV vũ trang bắt đầu được sử dụng kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001. Loại vũ khí này càng trở nên phổ biến trong cuộc chiến tiếp theo ở Iraq hai năm sau đó. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, UAV trở thành một trong những vũ khí được ưa chuộng nhất do tránh được nguy hiểm tính mạng cho quân nhân Mỹ.

UAV là lựa chọn hấp dẫn đối với giới chức Mỹ do phi công không cần phải bay vào khu vực mục tiêu. Ngoài ra, người điều khiển UAV còn có thể quan sát mục tiêu một cách cận cảnh, điều phi công trên máy bay ném bom hay phản lực siêu âm khó có thể làm được. Tuy nhiên, rất khó có thể phân biệt mục tiêu dân sự hay quân sự thông qua màn hình, dẫn đến vô số trường hợp UAV tấn công nhầm dân thường hay gây thiệt hại ngoài dự kiến. Điều này, càng khiến những người như Brandon Bryant bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề hơn.

Không quân Mỹ áp dụng chiến thuật “xác định theo dấu hiệu”, coi bất kỳ địa điểm nào nghi có thể tập trung đông người là mục tiêu, dẫn đến nhiều vụ việc không kích vào nhà ở hay đám đông dân thường. Một chiến thuật nữa được gọi là “bắn hai lần”, tấn công tiếp vào khu vực vừa trúng tên lửa vì cho rằng những người tiếp cận có liên quan đến mục tiêu. Chính sách này lại dẫn đến thêm thiệt hại về dân thường, do đến hiện trường để giúp đỡ hay vì hiếu kỳ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn mở rộng việc sử dụng UAV ra các quốc gia khác, như: Yemen, Somalia và Niger, tăng gấp đôi tần suất các phi vụ ở một số nơi. Việc thống kê thiệt hại về dân thường cũng trở nên khó hơn, do vào tháng 3-2019, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đình chỉ một đạo luật yêu cầu phải công khai về các phi vụ sử dụng UAV.

UAV cũng là một trong những “vết nhơ” trong quan hệ Mỹ-Pakistan và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan. Với lý do tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ẩn náu ở vùng núi phía bắc Pakistan, trong giai đoạn 2004-2019, Mỹ đã thực hiện hàng trăm vụ không kích mà không có sự báo trước hay đồng ý từ phía Islamabad. Nước này đã nhiều lần cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền, cho rằng số dân thường Pakistan thiệt mạng còn nhiều hơn cả số phần tử khủng bố.

Ngày 3-1 vừa qua, làn sóng phản đối UAV Mỹ lại nổ ra sau khi tướng Iran Qassem Soleimani bị ám sát ở gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq. Cái chết của tướng Qassem Soleimani đã làm một bộ phận lớn người dân Iraq phẫn nộ. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi tuyên bố đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.

Bất chấp những tai tiếng về nhân đạo và ngoại giao như vậy, trong năm 2020, Lầu Năm Góc lên kế hoạch chi 3,7 tỷ USD cho các thiết bị không người lái, bao gồm UAV vũ trang. Tuy nhiên, khí tài tiên tiến hơn vẫn không thể làm giảm làn sóng phản đối trên thế giới, khi các chính sách về UAV của Mỹ không những không thay đổi, mà còn thể hiện sự thiếu kiềm chế hơn.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/mat-trai-cua-chuong-trinh-uav-my-609741