Mặt tối khi trẻ em xuất hiện trên chương trình giải trí Hàn Quốc

Chuyên gia nhận định rằng đài truyền hình, công ty sản xuất nội dung giải trí Hàn Quốc chưa bảo vệ chặt chẽ nhân quyền của trẻ em.

 Khán giả Hàn Quốc yêu thích show thực tế có sự xuất hiện của trẻ em. Ảnh: HallyuSG.

Khán giả Hàn Quốc yêu thích show thực tế có sự xuất hiện của trẻ em. Ảnh: HallyuSG.

Ngày 19/9, truyền thông Hàn Quốc đưa tin chương trình truyền hình Mr. House Husband do đài KBS 2 sản xuất bị khán giả chỉ trích vì phát sóng cảnh 5 trẻ vị thành niên cắt bao quy đầu.

Chương trình đặt camera ở nhiều góc khác nhau, ghi lại từng thay đổi nhỏ trong biểu cảm của nhóm thiếu niên khi thực hiện phẫu thuật. Phần thân dưới của họ được che lại bởi một tấm màn. Toàn bộ quá trình bác sĩ phẫu thuật đều được phát sóng trên chương trình.

The Korea Herald cho biết khán giả Hàn Quốc phản ứng dữ dội sau khi theo dõi cảnh quay gây tranh cãi này.

Công chúng để lại nhận xét trên trang web chính thức của Mr. House Husband: "Tôi rất sốc và kinh ngạc".

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một đài truyền hình lớn lại phát sóng cảnh trẻ vị thành niên cắt bao quy đầu. Đây không phải là lạm dụng tình dục sao? Vui lòng hủy bỏ chương trình này", The Korea Herald trích dẫn một bình luận khác từ người xem.

Cảnh nhóm thiếu niên thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu bị khán giả Hàn Quốc chỉ trích gay gắt. Ảnh: EToday.

Sự phổ biến của show thực tế về trẻ em

Trong thông báo đăng tải ngày 19/9, đội ngũ sản xuất chương trình Mr. House Husband công khai xin lỗi vì khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng gia đình nhóm thiếu niên đồng ý để chương trình phát sóng cảnh phẫu thuật. Quyết định này được đưa ra nhằm giúp giáo dục giới tính.

Chia sẻ với The Korea Herald, luật sư Um Sun Hee tại Doroo - hiệp hội luật sư hoạt động vì lợi ích công - cho biết sự đồng thuận từ gia đình vẫn không thể chối bỏ thực tế rằng cảnh quay gây tranh cãi đã xâm phạm quyền riêng tư của nhóm thiếu niên.

Luật sư Um phân tích: "Trong quá trình phẫu thuật, khuôn mặt và tên của những đứa trẻ bị tiết lộ, và cuộc sống riêng tư của chúng bị phơi bày. Video, hình ảnh của chúng sẽ tồn tại mãi trên không gian trực tuyến, với vô số người xem ngẫu nhiên".

Luật sư Uhm bổ sung rằng rất khó để dự đoán tác động của các đoạn video, hình ảnh tới cuộc sống của những đứa trẻ.

Mr. House Husband là một trong số rất nhiều chương trình truyền hình thực tế Hàn Quốc có sự tham gia của trẻ vị thành niên.

Các show tiêu biểu có thể kể đến The Return Of Superman - show thực tế tiết lộ cách các ông bố là người nổi tiếng chăm sóc con cái - hay My Golden Kids, chương trình chuyên đưa ra lời khuyên cho phụ huynh về cách nuôi dạy con. Phần lớn những chương trình này thu hút đông đảo người xem và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Chương trình My Golden Kids do tiến sĩ Oh Eun Young chủ trì được khán giả Hàn Quốc yêu thích. Ảnh: The New York Times.

Miss TrotMister Trot - hai cuộc thi thử giọng dành cho ca sĩ chuyên về dòng nhạc trot truyền thống của Hàn Quốc do đài TV Chosun sản xuất - cũng có thí sinh nhỏ tuổi tham gia so tài. Một số thí sinh chỉ mới 10 tuổi.

Xâm phạm nhân quyền của trẻ em

Năm 2020, một nhóm luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra tuyên bố chung, lên án các chương trình như Mr. TrotThe Return Of Superman vì "vi phạm nhân quyền của trẻ em và trẻ vị thành niên".

Tuyên bố khẳng định: "Trẻ em, trẻ vị thành niên không phải công cụ để công ty sản xuất nội dung giải trí và đài truyền hình sử dụng".

Nhóm phản đối cũng lên tiếng chỉ trích một cảnh quay của The Return Of Superman, trong đó một đứa trẻ dường như đã ngất đi sau khi chơi đấm bốc. Họ cho rằng sự việc có thể "để lại nỗi ám ảnh" cho đứa trẻ.

Nhận xét về việc này, luật sư Um cho biết Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em quy định rằng không ai được xâm phạm một cách tùy tiện, bất hợp pháp vào quyền riêng tư, gia đình, nhà riêng hoặc thư từ của trẻ em, cũng như không ai được phép tấn công danh dự và uy tín của trẻ em.

"Tuy nhiên, quyền riêng tư của những đứa trẻ xuất hiện trên các chương trình thực tế mang tính quan sát lại không được bảo vệ", luật sư Um chỉ ra.

Luật sư Um cho biết ở Anh, trẻ em phải có chuyên gia đi kèm trên phim trường để giám sát sức khỏe và đảm bảo sự an toàn của chúng. Theo đó, Hàn Quốc cần áp dụng biện pháp tương tự.

Năm 2020, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) ban hành bộ quy tắc hướng dẫn nhằm bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên trên sóng truyền hình.

Có một điều khoản quy định rằng đài truyền hình, công ty sản xuất nội dung giải trí không được vi phạm quyền trẻ em bằng cách đưa ra nhận xét, hành vi có thể khiến trẻ em cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Điều khoản này nhằm giúp bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên, vì bộ quy tắc này không bị ràng buộc về mặt pháp lý, nên việc có tuân theo chúng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đài truyền hình.

Chuyên gia cho rằng nên thắt chặt quy định bảo vệ nhân quyền của trẻ em trên sóng truyền hình. Ảnh: Naver.

"Không có hình phạt nào được thi hành khi họ vi phạm quy tắc hướng dẫn. Dù vậy, chúng tôi khuyến khích đài truyền hình làm theo chúng bằng cách đánh giá xem họ tuân thủ quy tắc như nào trong cuộc đánh giá đài truyền hình hàng năm của chúng tôi", một quan chức tại cơ quan giám sát truyền thông trong nước chia sẻ với The Korea Herald.

Thúy Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-toi-khi-tre-em-xuat-hien-tren-chuong-trinh-giai-tri-han-quoc-post1358962.html