Mất tiền mua đồ ăn, có quyền biết nguồn gốc

Một thực tế góp phần khiến nông sản trong nước nhiều thời điểm rớt giá nghiêm trọng, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phấp phỏng lo lắng… là do tình trạng nhập lậu, phù phép hàng hóa, lưu hành tràn lan thực phẩm kém chất lượng trên thị trường.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất và phân phối thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất và phân phối thực phẩm

Muốn ăn sạch thì phải quản lý chặt

Ông Amy Guihot (Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam) tại hội thảo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa (cuối tháng 8 vừa qua tại Hà Nội) đưa ra nhận định: “Cần đảm bảo rằng, doanh nghiệp thực phẩm phải có trách nhiệm kiểm soát thực phẩm đó tại từng điểm trong toàn chuỗi: Từ nông trại, vận chuyển, chế biến, bán lẻ hay bất cứ hoạt động nào khác. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có nghĩa vụ pháp lý phải có một nhân viên giám sát an toàn thực phẩm để giám sát dây chuyền hoạt động tuân theo một kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp với hoạt động đó”.

Cũng theo ông Amy Guihot, truy xuất nguồn gốc là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm của Australia (yêu cầu đối với thực phẩm cả trong nước và xuất khẩu). Đối với những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm như: Nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Australia cho thịt gồm 3 chương trình: Hệ thống thông tin chăn nuôi quốc gia, chương trình đảm bảo sản xuất chăn nuôi; công bố người bán. Thông tin đầy đủ của mỗi gia súc, gia cầm phải được ghi chép và cung cấp thông qua những chương trình này.

Mối lo đến tận bữa ăn của người Việt

Người tiêu dùng Việt có quyền đòi hỏi xuất xứ
thực phẩm trước khi bỏ tiền mua

Nông sản, thực phẩm kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng vào bán trên thị trường Việt Nam lại mang nhãn mác hàng Việt, giả nông phẩm Việt; hay việc nông sản Việt tẩm hóa chất gây ảnh hưởng chung đến các sản phẩm cùng loại, gây mất niềm tin trên thị trường.

Ông Lê Đại Dương (Công ty iShopgo) đưa ra nhận xét: Nhiều nông sản Việt không rõ nguồn gốc, nhất là những sản phẩm nông sản được lưu hành tại các chợ không có truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu giá rất cao nhưng sản phẩm trong nước lại dư thừa không bán được. Người tiêu dùng không xem được các thông tin truy xuất hoặc thông tin truy xuất chưa đáng tin nên không mua.

Bà Đặng Thị Phương Ninh (Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải) cho rằng: “Vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện tại là tính trung thực của dữ liệu vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời và cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ do đó dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống”.

Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blockchain kết hợp với các thiết bị phần cứng và chip điều khiển ngày càng trở nên nhỏ hơn nhưng lại ngày càng mạnh mẽ hơn. Với những ưu điểm vượt trội đó, việc ứng dụng các thành quả của cách mạng 4.0 vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung sẽ trở thành xu thế của thời đại.

“Định hướng thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các mặt hàng nông sản như rau củ, quả và các mặt hàng thủy sản như tôm, cá rất cần được thực hiện sớm” - bà Đặng Thị Phương Ninh khẳng định.

TS Đào Hà Trung (Chủ Tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) phân tích việc cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam nhằm: Hỗ trợ xuất khẩu; Hỗ trợ quản lý nhập khẩu, tạo rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước; Hỗ trợ chuỗi cung ứng quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và hàng hóa Việt Nam để ưu tiên tiêu dùng; Hỗ trợ quản lý Nhà nước trong chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/mat-tien-mua-do-an-co-quyen-biet-nguon-goc-3949705-b.html