'Mắt thần' núi Gành

Mỗi lần lên trạm ra đa thì phải tranh thủ mang theo một ít lương thực, thực phẩm, có lúc là vật liệu xây dựng và lúc xuống núi thì tranh thủ đem quần áo về giặt dưới doanh trại. Trạm ra đa đóng quân trên đỉnh núi Gành, thôn Phổ Minh 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có nhiều điều khá đặc biệt, lính lên trạm vào mùa nắng phải nhịn tắm để tiết kiệm nước.

Cán bộ Trạm ra đa 555 trao đổi tình hình với cán bộ Hải đoàn 48 BĐBP. Ảnh: Văn chương

Cán bộ Trạm ra đa 555 trao đổi tình hình với cán bộ Hải đoàn 48 BĐBP. Ảnh: Văn chương

Trên đồi dốc ngược

Từ dưới mé biển nhìn về phía ngọn núi Gành là một khung cảnh đẹp và thanh bình. Núi Gành cao 338m, là ngọn núi trẻ nên sườn núi không thoai thoải mà cứ vút ngược lên bầu trời. Trạm ra đa 555 nằm trên đỉnh núi, là vị trí hiểm yếu để trở thành “mắt thần” trên một vùng biển, vùng trời rộng lớn.

Trạm ra đa nằm ở địa thế đẹp, nhưng cuộc sống của những người lính trên trạm thì gắn với cụm từ không mấy dễ chịu: “Toát mồ hôi, thở dốc, leo trèo, nhịn tắm”. Do hệ thống ra đa đặt trên đỉnh núi Gành cao vút như một chóp nón, nên những người lính từ doanh trại lên đến chóp núi phải đi theo tư thế người bị dốc ngược, 2 chân choãi ra, vừa đi vừa thở gấp, chừng 45 phút mới trèo lên tới đỉnh núi. Do nằm ở địa hình hiểm trở nên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ rất vất vả. Trung tá Hoàng Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm ra đa 555 cho biết: “Trèo lên trạm phải đi vào lúc sáng sớm cho đỡ nắng và đi nhanh hơn. Hiện nay, cuộc sống anh em trên trạm đã đỡ vất vả hơn trước, nhưng do thiếu nước nên mọi sinh hoạt rất khó khăn.

Tôi đến thăm đơn vị vào một ngày trời nắng cháy. Chỉ huy đơn vị đề nghị phóng viên nên hoãn ý định trèo lên đỉnh núi đến sáng sớm ngày mai, vì theo cán bộ ở đây, nếu lên đỉnh núi vào lúc bình minh sẽ có những tấm ảnh tuyệt đẹp.

Những người lính ở Trạm ra đa 555 tâm sự, anh em đều đến từ các tỉnh phía Bắc, nhưng đóng quân lâu ngày nên “cắm rễ”, xây dựng gia đình tại địa phương. Thỉnh thoảng, chỉ huy đơn vị tổ chức làm công tác dân vận, làm nhà, gặt lúa giúp dân. Những người dân địa phương nhắc đến lính ra đa trên núi Gành thì đều khen ngợi về tinh thần vượt khó hoàn thành nhiệm vụ.

Các bồn dự trữ nước ngọt trên Trạm ra đa 555. Ảnh: Văn Chương

Soi biển, trời

Trong những năm qua, Trạm ra đa 555 trên núi Gành có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Hải đoàn 48 BĐBP. Anh em ở trạm ra đa ví mình là người có đôi mắt, còn Biên phòng thì có đôi chân. Còn nhớ, vào cuối tháng 1-2019, lúc này đang vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại khu vực biển gần hòn Ông Căn, Ông Cơ, thuộc vùng biển Bình Định xuất hiện 3 tàu cá vỏ gỗ tiến vào sâu trong vùng lãnh hải Việt Nam. Ra đa ở núi Gành quét tín hiệu và “soi” những chiếc tàu lạ. Trung tá Hoàng Thanh Hải nhấc điện thoại thông báo tình hình với chỉ huy Hải đoàn 48 BĐBP. Ngay lập tức, tàu của Hải đoàn 48 BĐBP xuất hiện để đẩy đuổi.

Khi tàu nước ngoài rời đi thì những người lính mới quay về doanh trại để đón không khí Xuân. Còn tại Trạm ra đa 555, khẩu lệnh “tăng cường quan sát” được chỉ thị, vì vậy, Tết năm đó, cả đơn vị luôn trong tư thế không rời máy ra đa để bảo vệ biển đảo, giữ cho ngày Xuân luôn được thanh bình.

Đại tá Phạm Văn Thủy, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 BĐBP cho biết, Trạm ra đa 555 đã phối hợp rất tốt trong việc cung cấp cho đơn vị các thông tin trên biển. Vì vậy, các vụ việc tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền đều sớm bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mat-than-nui-ganh/