'Mắt sáng, lòng trong, bút sắc'

Thưa ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được trò chuyện với ông vào đúng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Năm ngoái, cũng trên tờ báo này, vào đúng ngày này, ông đã có bài viết: 'Khoảnh khắc và muôn đời' tôn vinh các nhà báo cách mạng. Nếu bây giờ, cần nói về họ, không phải là một bài, mà chỉ một câu thôi, ông sẽ nói gì?

“Tỷ phú nông dân” Phan Văn Thụ (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đang chia sẻ với người dân kinh nghiệm về việc trồng và sản xuất giống lúa. (Ảnh minh họa)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nếu cần đúc lại một câu, thậm chí chỉ mấy chữ, không phải “mười sáu chữ vàng”, mà chỉ sáu chữ thôi thì đó là MẮT SÁNG, lòng TRONG, BÚT SẮC. Sáu chữ này không phải của tôi, mà của nhà báo lớn Hữu Thọ. Để đạt được sáu chữ đó cũng không dễ đâu. Phải phấn đấu, rèn luyện nhiều lắm mới có được. Nếu mắt không sáng, lòng không trong thì nguy hiểm lắm. Có khi nhà báo lại trở thành vũ khí hay cánh tay của một thế lực hắc ám. Nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh, một bài báo với dã tâm xấu có thể làm xiêu điêu cả một doanh nghiệp thành đạt thì đã từng có bài báo đưa tin ăn vải bị ngộ độc chết người. Thế là hàng trăm tấn vải ở một vùng đất cụ thể phải đổ đi, bán không ai mua mà cho cũng không ai dám lấy. Nhiều người dân kinh doanh vải đã khóc ròng trên những đống mồ hôi nước mắt của mình, giờ phải đổ đi. Những ngòi bút với tâm địa hắc ám như thế không nhiều nhưng cũng đã để lại những vết hoen ố trong giới báo chí chúng ta. Ngược lại, chúng ta có không ít những nhà báo tận tụy, luôn đồng hành với dân, đồng hành với sự cao đẹp. Có người xả thân để đi tìm sự thật, giải oan cho nhiều số kiếp bất hạnh. Có người hy sinh đời mình, đối mặt với những thế lực hắc ám, vì cả miếng cơm manh áo của dân. Cũng nhờ có các nhà báo, với MẮT SÁNG, Lòng TRONG, BÚT SẮC mà nhiều vụ việc tiêu cực, khuất tất đã bị lôi ra trước ánh sáng. Nhiều kẻ xấu đã phải đứng trước vành móng ngựa. Báo chí không chỉ góp phần đắc lực chống tiêu cực mà còn phát hiện rất nhiều vẻ đẹp chìm khuất trong bao nhiêu phồn tạp của đời sống bề bộn thường ngày. Ngay trong tờ báo SK&ĐS đang ở trên tay bạn đây, trong cuộc thi viết về Sự hy sinh thầm lặng cũng đã tìm ra bao nhiêu tấm gương sáng của ngành y tế. Đấy là những vẻ đẹp thầm lặng mà không phải ai cũng biết. Rồi trên những tờ báo hàng ngày, cũng có bao nhiêu con người cao đẹp. Đó là những người nông dân tài năng, có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình với những phương thức làm ăn mới, những kinh nghiệm thoát nghèo. Cuộc vượt khó ngoạn mục này không phải lý luận giáo điều mà là thực tiễn kỳ diệu do chính những người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra. Nét đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của những bài viết ấy không phải ở văn chương, chữ nghĩa mà là những kinh nghiệm vô giá được đúc kết từ thực tiễn vượt khó của chính bà con nông dân. Họ thực sự là những nhà sáng tạo, những Vua Thần Nông ở trên mặt đất. Mới hay người dân mình tài thật.

- Xin ông có thể nói rõ hơn được không?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Xin bà hãy chịu khó tìm ngay trên những trang báo hàng ngày. Nhiều lắm đấy. Tôi đặc biệt kính phục những tỷ phú nông dân đã đi lên từ hai bàn tay trắng. Có người trở thành ông chủ trại gia súc khổng lồ mà không cần phải đầu tư xây dựng chuồng trại. Chuồng trại là cả cánh rừng. Gia súc tự kiếm ăn, tự phát triển, tự sinh con đẻ cái, rồi đưa con về ra mắt ông chủ. Rừng rộng là thế. Gia súc nhiều thế mà vẫn không thất lạc. Bởi chúng không rời chủ được. Chủ vẫn kiểm soát được chúng.

- Kiểm soát bằng cách nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bằng một bí kíp rất rẻ tiền. Đó là muối. Tài thật. Muối có đắt gì đâu. Chủ chỉ rắc một tí muối lên bãi cỏ. Muối thì đâu có ở trên rừng. Chỉ có chủ mới có. Gia súc quen muối rồi. Chúng nghiện muối như nghiện ma túy. Sáng nào cũng phải nạp tí muối rồi mới vào rừng kiếm ăn.

- Tài thật! Giữ chân những con vật bằng một biện pháp vô cùng đơn giản mà rẻ tiền…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng vậy! Tôi cũng rất phục một tỷ phú còn rất trẻ, lại như một huyền thoại, làm giàu bằng… vịt giời. Vịt giời là chim hoang, thịt ngon, giá rất đắt. Nhưng làm sao có thể “quản” được chúng. Kinh doanh chúng lại càng khó. Thế mà vẫn có người mỗi năm kiếm tiền tỷ từ vịt giời. Có thể nói đó là những tỷ phú lãng mạn. Tiền bạc để trong rừng. Của cải cất trên… mây. Chuyện tưởng chỉ có trong cổ tích. Thế mà lại có thật.

- Rất thú vị…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Dân mình thật tài. Những người tài ấy cũng nhờ báo chí phát hiện. Đó là những bậc kỳ tài. Họ có thể bắt núi hoang nở hoa, thuần chủng được cả những động vật hoang dã.

- Như thế, phải nói là chúng ta có rất nhiều người có khả năng sáng tạo đặc biệt…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng thế! Hiện nay, chúng ta có nhiều nhà khoa học, nhiều viện nghiên cứu khoa học, mỗi năm tiêu không biết bao nhiêu tiền của nhân dân, nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn chưa sản xuất được một cây kim hay một cái đinh ốc. Trong khi đó lại có rất nhiều nông dân, trình độ chỉ lớp 7, lớp 12 nhưng lại sáng chế được những cỗ máy nông nghiệp có đến 32 công năng, rồi máy tuốt lúa siêu nhanh, lại rất gọn nhẹ, tiết kiệm được nhiên liệu, có thể tác nghiệp được trên cả những khu ruộng nhỏ hay những triền ruộng bậc thang ở các vùng núi cao. Những nhà “khoa học chân đất” ấy đã làm thay đổi cả đời sống của những người nông dân Việt Nam. Rồi họ còn mở rộng cánh cửa ra với thế giới rộng lớn. Không chỉ tự xuất khẩu hàng nông sản của mình ra thế giới, họ còn mở rộng các mô hình kinh tế liên kết với nước ngoài, rồi xây dựng các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, thành đối tác của nhiều công ty lớn trên thế giới. Chính báo chí đã tìm ra họ, rồi đưa họ lên tầm cao. Và rồi chính họ cũng đã đưa đất nước chúng ta lên tầm cao. Một tầm cao mà ở đấy chỉ thấy lấp lánh ánh sáng của trí tuệ mà không có máu người…

- Xin cảm ơn ông!

Song Yến(ghi)

((Phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mat-sang-long-trong-but-sac-n145456.html